Viết về chiến tranh trong bối cảnh hiện nay

1. Đề tài lực lượng vũ trang-chiến tranh cách mạng chưa lỗi thời nếu như không muốn nói vẫn còn nguyên vẹn giá trị trong văn học Việt Nam hiện nay.

Bởi một điều rất dễ nhận ra là tầm vóc và giá trị yêu nước-nhân văn của các cuộc chiến tranh giải phóng đất nước và bảo vệ Tổ quốc chưa được thể hiện đủ, sâu và hay cả về không gian, thời gian lịch sử và con người Việt Nam trong các tác phẩm văn học đã có. Chắc ai cũng biết, hiện thực của quá khứ bi tráng vẫn còn được lưu giữ đâu đó với nhiều cảnh ngộ, tình huống, nhân vật vừa mang tính thời đại vừa có sự cụ thể chưa được khai thác, thể hiện hết. Bụi thời gian đã phủ không ít lớp lên quá khứ; tuy nhiên, nếu chịu khó tìm tòi và may mắn, các nhà văn vẫn có thể gặp được những vỉa mạch, phôi liệu đời sống vô cùng quý giá như ngọc báu, vàng ròng để xây dựng nên tác phẩm giá trị.

Những bài học từ các cuộc chiến cần được lưu giữ và suy ngẫm, không chỉ cho những nhà chính trị, nhà quản lý mà cần thiết, rất cần thiết với mỗi người. Những bài học ấy đương nhiên đã có trong lịch sử, trong nhiều công trình tổng kết chiến tranh và nó cũng tiềm tàng ẩn chứa trong các bối cảnh, tình huống, nhân vật văn học. Văn học có điều kiện đến với nhiều đối tượng công dân hơn các loại văn bản chính trị, xã hội. Những tác phẩm văn chương xuất sắc có thể ám ảnh cả một đời người, nó góp phần chi phối, định hướng nhận thức và hành động của họ. Tôi tin những tác phẩm văn học ấn tượng về đề tài chiến tranh cách mạng sẽ chống được thói lãng quên tồi tệ với quá khứ, phản biện có hiệu quả sự bôi nhọ, phủ định hồ đồ đối với các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ xâm lược hay bảo vệ biên cương, biển đảo Tổ quốc của chiến sĩ và nhân dân ta. Và cần thiết hơn là nó bồi đắp lòng yêu nước, yêu hòa bình cao cả, soi chiếu những giá trị tốt đẹp của con người trong mối quan hệ riêng chung, dân tộc và nhân loại, quá khứ hiện tại với tương lai.

Dù ở giai đoạn lịch sử nào, thời nào thì yêu nước, thương dân vẫn là tiêu chí cũng là nội dung, giá trị bất biến của văn học. Những tác phẩm lưu giữ lâu bền hàng đầu trong lòng nhân dân ta chính là những tác phẩm mang tư tưởng yêu nước, thương dân sâu sắc. Nói như thế không có nghĩa là người viết bài này không biết tới tính đa dạng của văn học trong nội dung và nghệ thuật. Viết về lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng đương nhiên cũng rất cần sự đa dạng trong nội dung và nghệ thuật. Cần nhiều góc độ khai thác, cách nhìn và hình thức thể hiện. Một chiều, định kiến, thiên vị là những cái đã lỗi thời trong văn học ngày nay.

2. Viết về chiến tranh cách mạng cũng là viết về con người. Tuy nhiên, không thể không phân biệt con người của chiến tranh chính nghĩa và con người của chiến tranh phi nghĩa; con người yêu nước và con người bán nước; con người của Tổ quốc, nhân dân và con người phản bội Tổ quốc, nhân dân; con người của sự hy sinh cống hiến và con người cơ hội hưởng thụ...

Sự mất mát hy sinh, những lần thất bại hay những mặt trái của đội ngũ chúng ta không còn là điều cấm kỵ hay bó hẹp trong sáng tác của các nhà văn Việt Nam nữa. Chiến tranh vốn thế, vẫn thế và mặc nhiên nó phải được phơi trải trần trụi trên mỗi trang tác phẩm. Như một đòi hỏi của lịch sử và cũng là yêu cầu tối thiểu của một tác phẩm văn học viết về chiến tranh và người lính. Chiến tranh và những người lính phải được nhìn từ nhiều phía, nhiều chiều, bao gồm cả sự trưởng thành hay vấp ngã của họ, đừng để khúc quân hành hùng sảng lấn át hay che lấp điệu hồn tử sĩ xao xác, buồn bã. Hàng vạn nấm mộ liệt sĩ nối dài từ Bắc vào Nam quá đủ để minh chứng cái giá phải trả cho nền độc lập, hòa bình, thống nhất của đất nước ta. Vì thế, không thế viết hời hợt hay nông cạn về chiến tranh và người lính được. Viết đúng và hay về người lính là sự tôn vinh, tri ân công bằng nhất với họ.

Mỗi tác phẩm văn học khắc họa hình tượng người lính trong chiến tranh thành công là một tượng đài tưởng niệm, ghi danh sự hy sinh dâng hiến bất tử của họ. Cũng là những bài ca mang khát vọng hòa bình, hòa hợp, hạnh phúc của nhân dân. Trong mỗi trang viết thấm nhuần tính nhân văn, vừa là truyền thống của dân tộc vừa là những giá trị phổ quát, nền tảng của nhân loại. Trong mấy năm gần đây đã xuất hiện một số tiểu thuyết và trường ca viết về chiến tranh khá ấn tượng và xúc động. Có thể kể đến các tiểu thuyết: Chim én bay của Nguyễn Trí Huân, Lính trận của Trung Trung Đỉnh, Thượng Đức của Nguyễn Bảo, Thư gửi quá khứ của Nguyễn Trọng Tân, Đối chiến của Khuất Quang Thụy, Mưa đỏ của Chu Lai...; các trường ca: Trường ca Biển của Hữu Thỉnh, Sông Mê Công bốn mặt của Anh Ngọc; Trầm tích của Hoàng Trần Cương, Mở bàn tay gặp núi của Nguyễn Đức Mậu...

Viết về chiến tranh là thách thức không nhỏ với nhiều nhà văn. Bởi đề tài này đã được nhiều nhà văn khai thác và thể hiện trong hàng mấy chục năm qua từ chiến tranh qua hòa bình. Thời hậu chiến, có những đề tài khác được người đọc quan tâm hơn, đặc biệt là giới trẻ và có thể dễ viết hơn chăng? Đội ngũ nhà văn trưởng thành trong chiến tranh vốn là lực lượng cầm bút nòng cốt, chủ lực viết về chiến tranh phần đông đã cao tuổi, sức khỏe giảm sút, khả năng đổi mới và sức bật không còn nhiều. Lớp trẻ một phần ngại ngần với đề tài này, một phần vốn sống về chiến tranh ít ỏi nên không có nhiều người hào hứng. Họ viết về chiến tranh với góc nhìn, điểm nhìn, bút pháp khác với lớp nhà văn đi trước nhưng sự thiếu hụt về vốn sống vẫn là cản trở chủ yếu sự thành công của mình. Có thể nói, hiện nay chưa có nhà văn trẻ nào tạo dấu ấn thực sự sâu sắc trong văn học viết về chiến tranh, đặc biệt ở hai thể loại đòi hỏi sự đầu tư dài hơi là tiểu thuyết và trường ca. Muốn dòng văn học về chiến tranh và người lính tiếp tục phát triển mới mẻ, nhất là ở hai thể loại tiểu thuyết và trường ca, theo tôi nên quan tâm tới đội ngũ nhà văn trẻ ở cả hai mặt lực lượng và chất lượng. Cần khuyến khích và tạo những điều kiện tốt nhất về sáng tác và xuất bản với những tác giả trẻ có khả năng viết về đề tài này. Từ những tác giả hạt giống đó tạo ra sự lan tỏa và nhân lên thành đội ngũ nhà văn chuyên tâm sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính.

Trong những năm sau chiến tranh, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân có những đóng góp đáng ghi nhận trong vai trò bà đỡ các tác phẩm viết về chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang, đặc biệt ở hai thể loại tiểu thuyết và trường ca. Chủ động trong việc duy trì và phát hiện lực lượng cũng như tổ chức các trại viết về đề tài chiến tranh và lực lượng vũ trang là điểm nổi bật của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Nhiều tiểu thuyết, trường ca đã ra đời từ đây và đi vào đời sống văn học với tư cách là những tác phẩm sống động về các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, giải phóng đất nước và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.

Mỗi tác phẩm văn học ra đời chủ yếu là do lao động nghệ thuật miệt mài, đơn lẻ của nhà văn. Không cá nhân nào và tập thể nào thay thế được quá trình lao động văn chương thầm lặng, tâm huyết của họ. Tuy nhiên, việc tạo điều kiện thuận lợi cho nhà văn sáng tác và xuất bản là vô cùng cần thiết. Mối quan hệ giữa nhà xuất bản với nhà văn là mối quan hệ cộng tác, khi nó tạo ra được cách nhìn và tiếng nói chung chắc chắn sẽ có những thu hoạch tốt về lượng và chất cho dòng văn học đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang. Đó là hành trình dài lâu, gắn liền với sự trưởng thành của Quân đội ta đang từng bước tiến lên chính quy, hiện đại.

Nhà thơ NGUYỄN HỮU QUÝ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/viet-ve-chien-tranh-trong-boi-canh-hien-nay-547062