Viết, vẽ, khắc lên di tích: Xử sao khỏi nhờn?

Mới đây, dư luận xôn xao bởi dòng chữ 'thuần Việt' được viết, khắc trên bức tượng dưới chân tháp Namsan (Hàn Quốc) và thành cổ Yonago (Nhật Bản). Mặc dù đến nay các cơ quan chức năng chưa có kết luận tác giả những dòng chữ trên là người nước nào, nhưng rõ ràng hành động vô ý thức này chẳng xa lạ gì ở Việt Nam.

Cột cờ Hà Nội bị viết, vẽ bậy rất nhiều. Ảnh: Như Sương.

Thói quen xấu xí

Cụ thể, theo thông báo từ Ban quản lí văn hóa thuộc di tích Thành Yonago (tỉnh Tottori, Nhật Bản) ngày 26/10 đơn vị này đã phát hiện nhiều dòng chữ, hình vẽ được cho là dùng vật nhọn khắc lên tường đá của thành cổ. Trong đó nổi bật là chữ “A.HÀO” cùng 2 hình vẽ ngôi sao và trái tim…

Chưa dừng lại ở đó, ngày 8/11 trên mạng xã hội lại tiếp tục xuất hiện hình ảnh dòng chữ tiếng Việt được viết bằng bút dạ lên một bức tượng ngay dưới chân tháp Namsan Seoul (Hàn Quốc). Theo đó, dòng chữ được viết nổi bật trên tay bức tượng gấu vàng với cụm từ “Bò nướng” kèm địa chỉ của một chuỗi cửa hàng bò nướng tại Hà Nội, Việt Nam.

Dạo quanh một vài di tích ngay tại Hà Nội, những hình ảnh, nét khắc phản cảm là nhiều vô số. Ngay tại khu di tích, quần thể văn hóa nổi tiếng ở Hà Nội như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tháp Hòa Phong, Cột cờ Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long, cầu Long Biên… “nhan nhản” các thể loại viết, vẽ, khắc “bậy”. Cá biệt như tháp Hòa Phong (đối diện Bưu điện Hà Nội) xung quanh 4 góc bị phủ kín những dòng chữ viết bằng bút xóa, các hình vẽ đủ hình dạng, màu sắc chồng chéo lên nhau. Thậm chí một số người còn sử dụng vật cứng, nhọn để khắc lên cột tháp, trong số đó có nhiều ký tự mang ý nghĩa xấu xí.

Ở đó, theo nhiều chuyên gia cho rằng đây chỉ là sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân có tâm lý muốn “đánh dấu” rằng “Tôi đã đến đây”. Đáng buồn hơn, việc này lại thường rơi vào những người trẻ, những học sinh, sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường. Một minh chứng rõ nhất là nhiều bạn trẻ khi đi thăm quan đã rất “hồn nhiên” khắc lên đó cả email, địa chỉ Facebook, số điện thoại. Nhiều chỗ dưới dòng tên và ngày tháng khắc, người ta còn để lại cả địa chỉ lớp.

Tháp Hòa Phong cũng bị vẽ, khắc chi chít.

Khó kiểm soát

Thực tế cho thấy, tình trạng viết, vẽ, khắc nhằng nhịt lên di tích ở nước ta không còn là câu chuyên “mới”. Những năm trở lại đây, giới chuyên gia và giới truyền thông từng lên án rất gay gắt, nhưng sau đó mọi chuyện cứ đâu lại vào đấy. Ngay cả những khu di tích nổi tiếng về mặt tâm linh và văn hóa như quần thể danh thắng Yên Tử, Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) cũng không khó để bắt gặp câu chuyện này. Hoặc nhiều di tích và danh thắng ở Thừa Thiên - Huế cũng nhiều năm phải chịu chung số phận.

Cho dù, tại các khu di tích, ban quản lý hiện nay đều cho dựng biển cảnh báo “cấm xâm phạm”, “cấm vẽ bậy”... nhưng nhiều người vẫn cố tình ngó lơ, không quan tâm. Thậm chí, theo quy định tại Điều 23 Nghị định 158/2013/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1/1/2014) về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, quảng cáo là phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng với hành vi viết, vẽ, làm bẩn, làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật. Nếu chiếu theo Luật Di sản văn hóa thì hành vi viết, vẽ bậy lên di sản được khép vào tội “hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa”.

Thế nhưng đến nay dường như sai phạm thì nhiều nhưng việc xử phạt vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay và chưa thực sự đủ tính răn đe. Bởi ngay theo báo cáo của thanh tra ngành văn hóa hàng năm những sai phạm được cho là “nhỏ” này vẫn chưa “chỉ tên, điểm mặt” được một cá nhân nào.

Chia sẻ với PV báo Đại Đoàn Kết, ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, khi thấy người có dấu hiệu vi phạm hoặc có ý định vi phạm, chúng tôi cho người ra nhắc nhở ngay. Hiện nay chưa có chế tài cụ thể để xử lý hành vi xâm phạm, phá hoại này mặc dù tình trạng đang rất cấp thiết. Hiện đơn vị chỉ có thể cấm tham quan di tích đối với những trường hợp đã bị nhắc nhở nhưng vẫn cố tình tái xâm phạm”.

Tuy nhiên, ông Kiêu cũng thừa nhận việc tuyên truyền dù rất tích cực nhưng tình trạng viết bậy vẫn không suy giảm. Các cán bộ Ban quản lý di tích đã nhiều lần tẩy xóa các chữ vẽ bậy, nhưng xóa đến đâu người ta lại vẽ lên đúng chỗ vừa xóa.

Còn theo TS Phạm Quốc Quân- Thành viên Hội đồng di sản Việt Nam, đây là vấn đề thuộc về giáo dục. Giáo dục về lối sống, hành vi, kỹ năng và thái độ với di tích, di sản… Chính sự thiếu hụt trong giáo dục đã dẫn đến điều này, làm cho những người trẻ ngày nay thiếu đi thái độ ứng xử văn minh với di sản. Di sản chính là văn hóa, lịch sử, tinh thần… của bao nhiêu thế hệ chứ không phải chỉ duy nhất một thế hệ. Đó là một điều hết sức đau lòng.

“Một điều mà tôi thấy cần phải quyết liệt đó là sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng. Tiếng nói của cộng đồng, xã hội… đi kèm với những hình phạt thật nặng đối với những đối tượng có hành vi thiếu sự tôn trọng di sản mới tạo ra những tiếng chuông cảnh tỉnh”- ông Quân nói.

* Ngày 15/11, Công an phường Phạm Ngũ Lão (quận 1) TPHCM cho biết đã lập biên bản xử phạt một khách du lịch người Đài Loan - Trung Quốc về hành vi vẽ bậy lên tường nhà tại trung tâm TP HCM. Theo đó, khách du lịch nói trên là Chang Yu Jui, 28 tuổi, hiện đang tạm trú tại Bến Vân Đồn, phường 12, quận 4. Đồng thời phía cơ quan công an cũng đã thông tin sự việc này cho Phòng quản lý xuất nhập cảnh để phối hợp giải quyết.

Trước đó, vào sáng ngày 14/11 trong lúc tuần tra ở phố Bùi Viện, lực lượng công an phường Phạm Ngũ Lão đã phát hiện nam du khách nói trên đang dùng sơn xịt vẽ bậy lên tường nhà số 31 ở khu phố Tây Bùi Viện. Ngay khi phát hiện sự việc, lực lượng chức năng đã đưa về trụ sở làm việc và lập biên bản xử phạt với số tiền 1,5 triệu đồng.

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/viet-ve-khac-len-di-tich-xu-sao-khoi-nhon-tintuc422794