Vietbank và Napas hợp tác thúc đẩy thanh toán giao thông không dùng tiền mặt

Thỏa thuận hợp tác giữa Vietbank và NAPAS là một bước đi quan trọng, cùng phát huy các thế mạnh của nhau, hướng đến mục tiêu mang những dịch vụ hiện đại và tiện ích nhất đến với cộng đồng.

Vietbank đầu tư hàng chục triệu USD vào kỹ thuật số trên nền tảng công nghệ 4.0 để có thể cung cấp các giải pháp thông minh.

Ngày 26/5/2020, tại TP.HCM, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) cùng Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) ký thỏa thuận hợp tác triển khai thanh toán giao thông ứng dụng tiêu chuẩn VCCS.

Thanh toán điện tử tại Việt Nam có nhiều lợi thế với cơ cấu dân số trẻ, nền kinh tế tăng trưởng nhanh, tầng lớp trung lưu ngày một tăng... Đặc biệt, trong đợt giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19 vừa qua đã tạo ra một hoàn cảnh thuận lợi thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng nhanh chóng.

Trong tháng 2/2020 VNPAY-QR ghi nhận tốc độ tăng trưởng giao dịch thanh toán mã VNPAY QR tăng tới 600%.

Còn tại Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas), từ Tết Canh Tý 2020 đến giữa tháng 3/2020, tổng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua Napas tăng 76%, tổng giá trị giao dịch tăng 124% so với cùng kỳ 2019.

Thanh toán không tiền mặt đang được phát triển qua rất nhiều hình thức như: Thẻ ATM, thanh toán điện tử qua Internet, ví điện tử hoặc xác nhận qua dấu vân tay, khuôn mặt hoặc QR Code và được mở rộng tại rất nhiều điểm thanh toán khác nhau gồm trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cây xăng…

Vietbank sẽ phối hợp với NAPAS và các đơn vị vận hành giao thông nội đô tại thành phố Hồ Chí Minh.

Vietbank sẽ phối hợp với NAPAS và các đơn vị vận hành giao thông nội đô tại thành phố Hồ Chí Minh.

Đặc biệt là mới đây, Vietbank và Napas vừa ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai thanh toán giao thông ứng dụng tiêu chuẩn VCCS mở rộng thêm một hình thức thanh toán không tiền mặt trên các phương tiện giao thông công cộng.

Cụ thể, Vietbank sẽ phối hợp với NAPAS và các đơn vị vận hành giao thông nội đô tại TP.HCM (xe buýt nhanh, xe buýt nội đô, đường sắt trên cao, tàu điện ngầm…) vận hành ứng dụng tiêu chuẩn cơ sở cho thẻ chip nội địa (VCCS) do Ngân hàng Nhà nước ban hành để triển khai các giải pháp thanh toán giao thông bằng thẻ nội địa NAPAS không tiếp xúc.

Bên cạnh đó, Vietbank và NAPAS sẽ phối hợp với các bên liên quan bao gồm Sở Giao thông, Ủy ban nhân dân TPHCM để xây dựng kế hoạch và phương án triển khai phù hợp với địa phương trong quý III, quý IV/2020.

Trước đó vào tháng 12/2019, Vietbank đã tổ chức lễ công bố và báo cáo việc triển khai thẻ thanh toán thông minh của Ngân hàng Vietbank cho hoạt động giao thông xe buýt công cộng TP.HCM.

Vietbank – là ngân hàng đầu tiên với sự cho phép của UBND, Sở Giao thông vận tải và Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP.HCM để thực hiện thí điểm triển khai thẻ vé xe buýt thông minh công nghệ cao theo tiêu chuẩn thanh toán không tiếp xúc “contactless” với sự hỗ trợ công nghệ của Visa.

Đại diện Vietbank cho biết: “Chúng tôi muốn thực hiện một cách tham vọng là thông qua các kênh kỹ thuật số của Vietbank cung cấp kết nối đa chiều giữa ngân hàng với khách hàng, giữa khách hàng với khách hàng và giữa khách hàng với các đơn vị thương mại điện tử”.

Theo các chuyên gia kinh tế hình thức thanh toán không tiền mặt mang đến rất nhiều thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp mà còn minh bạch trong giao dịch, phòng chống tham nhũng và ngăn chặn rửa tiền.

VietBank đã tăng cường mở rộng sản phẩm dịch vụ, phát triển mở rộng hệ sinh thái trên Vietbank Digital (Mobile Banking và Internet Banking) cùng với công nghệ thanh toán không tiếp xúc qua QR Code, qua xác thực sinh trắc học (vân tay/Face ID) giúp người dùng thực hiện giao dịch nhanh chóng an toàn và tiện lợi. Đồng thời miễn toàn bộ phí đăng ký, phí thường niên, phí quản lý tài khoản và giảm phí chuyển khoản liên ngân hàng từ 11.000 đồng xuống còn 2.200 đồng, áp dụng cho các giao dịch giao dịch ≤ 2 triệu đồng.

THU HUYỀN

Nguồn BizLIVE: https://bizlive.vn//nhip-cau-doanh-nghiep/vietbank-va-napas-hop-tac-thuc-day-thanh-toan-giao-thong-khong-dung-tien-mat-3545107.html