VietinBank góp ý cho dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi

Góp ý cho dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, Ngân hàng Thương Mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho rằng vẫn còn một số quy định liên quan đến chào bán cổ phiếu và công bố thông tin cần sửa đổi để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Ảnh Internet.

Sửa Luật Chứng khoán là cần thiết

Theo VietinBank, đã 11 năm kể từ khi Luật Chứng khoán năm 2006 có hiệu lực thi hành, và 7 năm kể từ ngày Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán (năm 2010) có hiệu lực, tới nay, Quốc hội đã ban hành nhiều Luật mới, Chính phủ, các Bộ chuyên ngành cũng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn phù hợp với cơ chế, xã hội hiện hành với nhiều nội dung liên quan đến Luật Chứng khoán cũ nhưng không còn phù hợp. Do vậy, việc ban hành Luật Chứng khoán mới là thực sự cấp thiết.

Đại diện VietinBank cho rằng, việc sửa đổi Luật Chứng khoán giúp cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó có vấn đề tái cơ cấu thị trường tài chính, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thuận lợi, minh bạch hóa cho các doanh nghiệp.

"Với vai trò là một công ty đại chúng, một chủ thể tham gia thị trường chứng khoán, VietinBank nhận thấy về cơ bản, Dự thảo Luật Chứng khoán mới đã tập trung sửa đổi các nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, cấu trúc thị trường chứng khoán, sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công bố thông tin, thanh tra, giám sát, quản trị...; chuẩn hóa điều kiện, trình tự, thủ tục phát hành, chào bán chứng khoán phù hợp với các loại chứng khoán; nâng cao chất lượng công ty đại chúng…", VietinBank nhận định.

Thay đổi quy định công bố thông tin

Tuy nhiên, VietinBank cũng cho rằng vẫn còn một số vấn đề vướng mắc cần phải thảo luận kĩ hơn. Cụ thể, tại dự thảo, điểm (d) Khoản 1 Điều 12 Dự thảo quy định mức vốn điều lệ tối thiểu bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông sở hữu từ 1% trở lên vốn điều lệ của tổ chức phát hành.

VietinBank cho rằng việc quy định như vậy có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc chào bán cổ phiếu. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp làm ăn tốt, trường hợp chào bán chứng khoán ra công chúng thông qua phương thức bán đấu giá cổ phần thì việc cạnh tranh mua cổ phiếu của các nhà đầu tư rất gay gắt, và số lượng nhà đầu tư được mua và sở hữu cổ phiếu với tỷ lệ nhỏ hơn 1% vốn điều lệ sẽ không đáp ứng được yêu cầu này. Đồng thời, Khoản 16 Điều 4 – định nghĩa về chào bán chứng khoán ra công chúng cũng có quy định cả phương thức: chào bán cho một số lượng nhà đầu tư không xác định.

Bên cạnh đó, VietinBak cũng cho hay, tại Khoản 4 Điều 118 dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi quy định: Các đối tượng quy định tại Điều 117 Luật này khi công bố thông tin phải đồng thời báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán nơi chứng khoán đó niêm yết, giao dịch về nội dung thông tin công bố.

Trước quy định này, VietinBank đề nghị cơ quan soạn thảo có thể xem xét, cải tiến công nghệ để doanh nghiệp chỉ cần báo cáo một cơ quan quản lý Nhà nước là Ủy ban hoặc Sở giao dịch chứng khoán. Hệ thống các đơn vị này cần có liên kết với nhau, tránh tình trạng phải báo cáo nhiều đơn vị.

Đáng chú ý, doanh nghiệp này cũng cho rằng tại Điểm e Khoản 2 Điều 119 dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi quy định về công bố thông tin bất thường có trường hợp “ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần của tổ chức kiểm toán đối với báo cáo tài chính” phải thực hiện báo cáo tài chính. Với quy định này, theo VietinBank, trường hợp này xảy ra khá nhiều và đã được công bố kèm với báo cáo tài chính kiểm toán. Do đó có thể cân nhắc bỏ nội dung này ra khỏi nội dung phải công bố thông tin bất thường, tránh gây loãng các công bố thông tin khác.

Thùy Linh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/vietinbank-gop-y-cho-du-thao-luat-chung-khoan-sua-doi.aspx