VietON kiện Công ty chủ quản ví điện tử Momo

Lãnh đạo VietOn cho rằng, việc M_Service đơn phương ngắt kết nối dịch vụ thanh toán với VietOn là vi phạm điều khoản trong hợp đồng giữa 2 bên và gây thiệt hại nặng nề.

Cụ thể, ngày 15/07/2020, Công ty Cổ phần dịch vụ di động trực tuyến (M_Service) gửi thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng đến Công ty cổ phần VieOn, đơn vị sở hữu ứng dụng VietOn (được giới thiệu là siêu ứng dụng giải trí với kho nội dung bản quyền lớn nhất Việt Nam), thuộc Tập đoàn Đất Việt VAC.

Theo đó, giữa M-Service và VietOn đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ ví điện tử Momo ngày 12/12/2019 để kết nối cổng thanh toán cho người dùng VietOn trên hệ thống website, ứng dụng của VietOn.

Nhưng dựa vào định hướng phát triển nội bộ của M-Service sắp tới, đơn vị này tạm thời không còn nhu cầu phát triển kinh doanh các sản phẩm/dịch vụ đã hợp tác với VietOn.

Do đó, theo quy định tại khoản 11.1, điều 11 của hợp đồng về trường hợp chấm dứt hợp đồng thì một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng bằng việc thông báo văn bản cho bên còn lại ít nhất 30 ngày làm việc trước ngày dự định chấm dứt hợp đồng.

Qua văn bản thông báo này, M-Service muốn chấm dứt hợp đồng ngày 01/09/2020 hoặc một thời gian sớm hơn nếu các bên hoàn tất công nợ liên quan.

Văn bản thông báo chấm dứt hợp đồng của M_Service đến VietOn.

Phía VieOn cho rằng, họ “hoàn toàn bất ngờ” với văn bản trên của M-Service và muốn biết lý do thực sự của động thái này nên “đã nỗ lực trao đổi, làm việc với M-Service đề nghị tiếp tục thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, M-Service không hề thể hiện thiện chí muốn thương lượng lại bất kỳ điều khoản nào mà vẫn cương quyết đơn phương chấm dứt hợp đồng".

Đến ngày 03/09, M-Service cắt kết nối cổng thanh toán cho người dùng ứng dụng VieON sau 2 tháng thực hiện hợp đồng. Hành động này, theo VietOn, đã gây rắc rối lớn cho người dùng muốn đăng ký mới và gia hạn các gói dịch vụ của VietOn.

Do đó, phía VieON đã nộp đơn khởi kiện MoMo, yêu cầu M-Service tiếp tục thực hiện hợp đồng và bồi thường thiệt hại.

Ông Huỳnh Long Thủy, giám đốc VieON khẳng định doanh nghiệp này không vi phạm bất kỳ điều khoản nào trong hợp đồng với M-Service.

Họ hiểu rằng, trong hợp tác kinh doanh, doanh nghiệp có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng. Nhưng trên thực tế, quyết định chấm dứt hợp đồng thông thường chỉ đưa ra khi có 1 bên vi phảm các điều khoản hoặc một tình huống bất khả kháng sau một thời gian thực hiện.

Còn trong trường hợp này, M-Service gửi công văn thông báo khi hợp đồng mới thực hiện được hơn 2 tháng và những điều khoản thỏa thuận vừa được ký còn “chưa ráo mực”.

Lãnh đạo VietOn còn cho rằng, họ bị thiệt hại nặng nề khi từ ngày 03/09 đến nay không thể gia tăng được người dùng mới trong khi người dùng cũ không thể gia hạn các gói dịch vụ.

Cùng với đó, “cách hành xử này có thể tạo thành một tiền lệ xấu. Khi đó, các doanh nghiệp non trẻ dễ phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề bởi những cái bẫy ‘đơn phương chấm dứt hợp đồng’”.

"Tất cả thông tin sự tăng trưởng về người dùng của họ, phía M_Service đều có thể theo dõi thông qua hệ thống đối soát dữ liệu thanh toán. Tuy nhiên, chính trong thời điểm VietOn đạt tốc độ tăng trưởng khả quan, có thể vươn lên trở thành một ứng dụng OTT thuần Việt thì lại bị M_Service dội gáo nước lạnh", theo thông cáo của VietOn.

Trao đổi với baodautu.vn qua điện thoại, đại diện truyền thông M_Service cho biết, “chúng tôi không nhận được bất kỳ văn bản nào liên quan đến Tòa án. Đây là hợp đồng thương mại bình thường, Momo đang tuân thủ đúng theo các điều khoản của hợp đồng là thông báo trước 30 ngày. Thậm chí còn 45 ngày (từ ngày đưa ra văn bản thông báo-PV) mới cắt”.

Diễn biến sơ lược vụ việc theo phía VietOn:

Ngày 15/07/2020: M_Service gửi văn bản thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng với VieON với lý do: “không còn nhu cầu phát triển kinh doanh các dịch vụ/sản phẩm mà MoMo đang cung cấp cho VieOn”.
Ngày 22/07/2020: Công ty luật Duane Morris (đại diện của VieON & DatVietVAC) đã gửi thư trả lời - lần 1 khẳng định: (i) VieON mong muốn MoMo tiếp tục thực hiện HĐ, (ii) VieON từ chối toàn bộ ý định đơn phương chấm dứt HĐ, (iii) việc MoMo đơn phương chấm dứt hợp đồng là hành vi vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng.
Ngày 06/08/2020: Đại diện của VieON, DatVietVAC, Duane Morris đã có cuộc họp trực tuyến với MoMo: (i) đề nghị MoMo giải thích rõ lý do, (2) tái khẳng định các nội dung thư trả lời lần 1.
Ngày 12/08/2020: M_Service có email thông báo bảo lưu ý định đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
Ngày 14/08/2020: Công ty luật Duane Morris đã gửi thư trả lời lần 2 tái khẳng định quan điểm như trình bày tại thư trả lời lần 1 và kêu gọi MoMo hợp tác phản hồi đối với các ý kiến của VieON.
Ngày 04/09/2020: MoMo chính thức ngưng cổng thanh toán điện tử cho VieON.
Ngày 11/09/2020: Sau các lần thuyết phục bất thành, VieON nộp đơn khởi kiện M_Service yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng và đòi bồi thường thiệt hại.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/vieton-kien-cong-ty-chu-quan-vi-dien-tu-momo-d129850.html