Viettel: Đào tạo nhân viên bằng việc khó

Nếu có 2 lựa chọn - một khó, một dễ - thì bao giờ người Viettel sẽ chọn việc khó để làm. Bởi vì việc khó sẽ sinh ra người giỏi và người nhận việc khó sẽ trăn trở, suy nghĩ nhiều hơn và khi làm được sẽ nâng mình lên một tầm cao hơn.

Trong số 8 giá trị cốt lõi của Viettel, có một giá trị là: “Trưởng thành qua thách thức và thất bại”. Nếu không làm việc ở tập đoàn này, việc hiểu được ý nghĩa sâu sa của câu nói nghe đơn giản ấy lại không hề đơn giản.

Một lãnh đạo cấp cao Viettel giải thích: “Nếu có hai lựa chọn - một khó, một dễ - thì bao giờ chúng tôi cũng sẽ chọn việc khó để làm. Bởi việc khó khiến người làm trăn trở, suy nghĩ nhiều hơn và khi làm được sẽ nâng mình lên một tầm cao hơn. Còn khi mình đang giỏi mà làm một việc dễ thì có thể khiến mình “dốt” đi”.

Cũng xuất phát từ triết lý này mà không ít nhân viên mới của Viettel cảm thấy “sốc” trong thời gian đầu làm việc. Đơn giản bởi họ vừa mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm đã được giao những nhiệm vụ mà cả những người có rất nhiều năm kinh nghiệm cũng cảm thấy quá sức.

Trần Văn Thuyết (sinh năm 1990) vừa mới ra trường đã được trao nhiệm vụ làm sản phẩm OCS (hệ thống tính cước theo thời gian thực – sản phẩm được gọi là “trái tim của nhà mạng”)

Tốt nghiệp Đại học Bách khoa lớp chất lượng cao, Trần Văn Thuyết vào Viettel và nhận ngay nhiệm vụ phát triển sản phẩm OCS (hệ thống tính cước theo thời gian thực - một hệ thống thuộc diện phức tạp nhất trong ngành viễn thông).

Khi đi tham khảo kinh nghiệm ở nước ngoài, Thuyết và nhiều thành viên Viettel còn bị đối tác mỉa mai khi biết họ đang tìm cách tự phát triển hệ thống OCS. Rất ít người tin một đội mà phần lớn là những kỹ sư trẻ như Thuyết (80% là 9x, riêng Thuyết là 1990) lại có thể phát triển thành công.

Thế nhưng, sau hơn 4 năm, trải qua nhiều thất bại, Thuyết cùng đồng đội đã phát triển thành công OCS lớn nhất thế giới (24 triệu đầu số/site), đồng thời triển khai thành công cho Việt Nam và 6 quốc gia khác. Còn Thuyết trở thành trưởng nhóm sản phẩm OCS của Viettel.

Tất nhiên, những người trẻ Viettel không đơn độc khi được giao những nhiệm vụ khó hay siêu khó. Với sự hỗ trợ của những chuyên gia giàu kinh nghiệm, cộng với sức trẻ và lối suy nghĩ khác biệt, đột phá của chính họ là nhân tố tạo nên thành công khó tin tại tổ chức này.

Viettel thế hệ mới

Sau thời kỳ rực rỡ về viễn thông với những chiến lược thành công kinh điển của lấy “nông thôn vây thành thị”, Viettel giờ đã bước sang nhiều lĩnh vực mới và cần thêm nhiều nhân sự, đồng thời cũng cần thêm nguồn lực để tái tạo lại chính những ngành kinh doanh cũ.

Nếu như trước những năm 2000, Viettel hầu như chưa có tên tuổi, lương thấp… rất khó tuyển được những nhân sự trẻ xuất sắc thì giờ đây, khi đã trở thành công ty có ảnh hưởng bậc nhất tại Việt Nam, mọi việc đã thay đổi. Rất nhiều thủ khoa các trường kinh tế, kỹ thuật và nhiều chuyên gia có tiếng ở nước ngoài đã coi Viettel là điểm đến mơ ước vì ở đó có… nhiều việc rất khó.

Như một lãnh đạo cấp cao của Viettel tiết lộ: “Cả ngành kinh doanh cũ lẫn các lĩnh vực mới, các thị trường quốc tế mới đều đang có những việc siêu khó chờ các bạn trẻ giải quyết, đi kèm với đó là cơ hội cho các vị trí quản lý mới. Một tổ chức luôn tăng trưởng và tiến về phía trước sẽ luôn có nhiều cơ hội tốt”.

Đây cũng là cách mà tổ chức này tồn tại và phát triển suốt nhiều năm qua: luôn tìm thêm những việc thật khó để tạo ra nhiều cơ hội mới cho người trẻ.

T.Huyền

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/viettel-dao-tao-nhan-vien-bang-viec-kho-626720.ldo