VinaCapital cầm trăm triệu USD 'đi chợ' startup

Hai khoản đầu tư mới nhất của Vinacapital là FastGo và Logivan.

Chỉ trong vòng nửa tháng, VinaCapital đã triển khai nhiều khoản đầu tư đáng chú ý. VinaCapital Ventures, một quỹ đầu tư mạo hiểm mới thành lập với quy mô vốn 100 triệu USD, đã bất ngờ ký thỏa thuận đầu tư chiến lược vào FastGo. Song song đó, VinaCapital Ventures cũng đầu tư vào Logivan.

Hướng vào công nghệ
Đây là 2 startup chuyên về giải pháp công nghệ trong lĩnh vực giao thông vận tải tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu như VinaCapital Ventures chi 1,75 triệu USD vào Logivan thì quỹ này lại không công bố số tiền rót cho FastGo. Dù vậy, theo thông tin chung, VinaCapital Ventures sẽ đầu tư trung bình 2-10 triệu USD vào mỗi danh mục. Quỹ này cũng có thể rót vốn ít hơn trong trường hợp trở thành nhà đầu tư chiến lược hoặc kêu gọi được các đối tác cùng đầu tư.

Chiến lược phân bổ đầu tư của VinaCapital Ventures là tập trung vào lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, để có thể lọt vào mắt xanh của VinaCapital Ventures, công ty phải biết dùng công nghệ tìm ra giải pháp giúp cải thiện đời sống người dân, giải quyết các vấn đề nan giải hoặc có tiềm năng mở rộng ra tầm khu vực, quốc tế. Khi đó, VinaCapital mới xem xét, chọn lựa hình thức đầu tư mạo hiểm thông thường hay sẽ tạo ra các liên doanh để cùng doanh nghiệp giải các bài toán hóc búa của ngành.

Hai khoản đầu tư đầu tiên của VinaCapital Ventures đều thỏa mãn các yêu cầu này. Chẳng hạn, FastGo là ứng dụng gọi xe được ấp ủ suốt 3 năm, do các kỹ sư công nghệ có tiếng như ông Nguyễn Hòa Bình, ông Nguyễn Hữu Tuất phát triển. Trước khi hiện diện trên thị trường (tháng 6.2018), phần mềm FastGo từng được các công ty taxi lớn tại Indonesia và Taxi Open99 đặt hàng.

Về lợi ích, FastGo chỉ yêu cầu tài xế đóng phí tham gia, không trích xuất doanh thu. Nếu tài xế có thu nhập trên 100.000 đồng/ngày thì chỉ phải trả phí tối đa 30.000 đồng/ngày. FastGo cũng là ứng dụng có bảo hiểm cho khách hàng trên mỗi chuyến đi. Vì thế, dù mới xuất hiện chỉ 3 tháng, FastGo đã ghi nhận gần 15.000 đối tác lái xe và hơn 50.000 khách hàng đăng ký ứng dụng.

Trong khi đó, ứng dụng công nghệ Logivan giúp các doanh nghiệp, chủ xe, tài xế tối ưu hóa tải trọng vận tải, giúp tiết kiệm chi phí logistics (hiện chiếm 20% GDP). Logivan đã tiên phong cung cấp các giải pháp B2B về dịch vụ xe tải, mạng lưới logistics trên toàn quốc. Vì thế, Logivan được ví là “Uber của xe tải”. Bà Phạm Thị Khánh Linh, nhà sáng lập Logivan, cho biết, hiện hệ thống Logivan có hơn 6.000 đầu xe tải và hơn 1.000 người giao hàng.

Rõ ràng, trước khi VinaCapital rót vốn, 2 startup này đã đạt được một số thành tựu nhất định và kêu gọi được những nguồn vốn khác nhau. Tuy nhiên, mục tiêu của các startup không dừng lại ở đó. Theo kế hoạch, đến năm 2019, FastGo sẽ mở rộng dịch vụ ra 8 thành phố lớn khác khắp cả nước. Hãng cũng đặt mục tiêu đạt 5-10 triệu người dùng trong 3 năm tới và thay thế Uber ở Việt Nam. Về phần Logivan mong muốn nắm lấy cơ hội rộng lớn từ quy mô vận tải hàng hóa đường bộ Việt Nam đạt khoảng 9 tỉ USD, tăng trưởng trung bình 9,5%/năm, với hơn 1 tỉ tấn hàng hóa và 1 triệu xe tải.

Trước các kỳ vọng vươn xa này, lãnh đạo VinaCapital Ventures cho biết, Quỹ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp không chỉ về vốn mà còn về kỹ năng (gồm kỹ năng lãnh đạo, quản lý vận hành, chiến lược công nghệ, tiếp thị sản phẩm, gọi vốn mới). Quỹ cũng giúp các công ty kết nối với mạng lưới kinh doanh toàn cầu của VinaCapital để có thêm nhiều khách hàng, đối tác.

Rộng tay rót vốn
Ngoài lập quỹ VinaCapital Ventures với chiến lược đầu tư riêng, các quỹ của VinaCapital như quỹ VOF đã rộng tay rót vốn hơn. Đầu năm nay, VOF từng chi gần 45 triệu USD để mua cổ phần trong đợt IPO của Lọc dầu Bình Sơn (BSR) và của PV Power. Mới đây hơn, VOF đầu tư 25 triệu USD vào Công ty Y khoa Tâm Trí. Đây là đơn vị sở hữu 4 bệnh viện tư nhân (Đà Nẵng, Nha Trang, TP.HCM, Đồng Tháp), có quy mô 500 gường bệnh, 700 nhân viên.

Trong hơn nửa đầu năm 2018, khẩu vị của VinaCapital đã có nhiều thay đổi. Cách tiếp cận, đầu tư của VinaCapital đều chủ yếu nhắm vào những công ty niêm yết, công ty tư nhân đang tham gia, hưởng lợi từ tác động tăng trưởng của yếu tố dân số trẻ, tầng lớp trung lưu tăng nhanh. Hay yếu tố tăng trưởng smartphone, lượng đăng ký thuê bao di động... cũng được VinaCapital xem xét.

Nhìn trên 10 danh mục đầu tư lớn nhất của VOF, chiếm gần 59% tổng vốn, công bố cuối tháng 7.2018, ngoài nắm giữ các cổ phiếu của doanh nghiệp lớn niêm yết như Hòa Phát, Vinamilk, ACV, Khang Điền, PNJ, Đường Quảng Ngãi, Vietjet..., VOF còn sở hữu cổ phần ở các ngân hàng như HDBank, Eximbank. Cách thức đầu tư của VOF cũng có sự điều chỉnh so với trước. Đó là sớm thoái vốn khi đưa cổ phiếu lên sàn, như trường hợp ở Yeah1, FPT Retail. Trong khi đó, VOF lại mua vào cổ phiếu của Coteccons, trở thành cổ đông lớn tại đây...

VinaCapital cũng đầu tư theo định giá rẻ. Cụ thể, VOF mua vào cổ phiếu BSR với giá chỉ 14.600 đồng/cổ phần, tương đương P/E 2017 là 5,6 lần, thấp hơn nhiều so với P/E toàn thị trường (20 lần). Ở PV Power cũng tương tự. Với những thay đổi đó, theo báo cáo cập nhật, kết thúc năm tài chính 2017-2018, tài sản ròng của quỹ VOF đạt hơn 1 tỉ USD, tăng 10,1%. Còn giá trị tài sản ròng (NAV) trên mỗi chứng chỉ quỹ đạt 5,39USD, tăng gần 14%.

Thủy Ngọc

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/doanh-nghiep/vinacapital-cam-tram-trieu-usd-di-cho-startup-3325819/