Vinalines chưa chọn được nhà đầu tư chiến lược

Kết thúc nhận hồ sơ đăng ký làm nhà đầu tư chiến lược, Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines) nhận được đề nghị mua cổ phần của một doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc, tuy nhiên nhà đầu tư này không đáp ứng đủ điều kiện. Do đó, Bộ Giao thông vận tải đã quyết định chuyển gần 208 triệu cổ phần dự kiến bán cho nhà đầu tư chiến lược thành số cổ phần bán đấu giá công khai ra công chúng, mệnh giá 10 nghìn đồng/cổ phần.

Tàu hàng thuộc Vinalines bốc xếp hàng tại Cảng Hoàng Diệu (TP Hải Phòng).

Ngày 20-6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Theo đó, hình thức cổ phần hóa Công ty mẹ - Vinalines là vừa kết hợp bán bớt một phần vốn nhà nước hiện có tại DN, vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Sau khi cổ phần hóa, Công ty mẹ sẽ có vốn điều lệ hơn 14 nghìn tỷ đồng, bao gồm giá trị vốn nhà nước gần 12 nghìn tỷ đồng. Cơ cấu vốn điều lệ và cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu tại Công ty mẹ - Vinalines là Nhà nước nắm giữ 65% vốn điều lệ; bán cho nhà đầu tư chiến lược 14,8%; bán ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên và tổ chức công đoàn 0,2% và bán đấu giá công khai 20%. Với tên giao dịch quốc tế Vietnam Maritime Corporation (VIMC), sau khi chuyển sang hoạt động theo mô hình quản trị mới, Vinalines vẫn giữ mục tiêu đến năm 2020 là DN hàng đầu của ngành hàng hải Việt Nam trong các lĩnh vực vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải. Phấn đấu đến năm 2030, Vinalines sẽ trở thành DN có thương hiệu trong khu vực, năng lực cạnh tranh cao, phát triển mảng kinh doanh vận tải biển theo hướng củng cố đội tàu công-ten-nơ và tàu hàng khô, chiếm lĩnh thị trường nhập khẩu, thị trường nội địa và tham gia thị trường nội Á. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư hoàn thiện, sớm đưa vào khai thác các cảng nước sâu trọng điểm như Lạch Huyện ở phía bắc; nâng cao năng lực cảng Tiên Sa ở miền trung; Hiệp Phước, cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải ở phía nam...; tiếp tục đẩy mạnh dịch vụ chuỗi, tích hợp hoạt động cảng biển - vận tải biển - dịch vụ hàng hải trong dịch vụ logistics trọn gói nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho khách hàng.

Cũng theo phương án cổ phần hóa nêu trên, để trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vinalines, ngoài việc phải có năng lực tài chính, có kết quả hoạt động kinh doanh hai năm gần nhất tính từ thời điểm đăng ký mua cổ phần có lãi và không lỗ lũy kế, các nhà đầu tư phải cam kết bằng văn bản về việc tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính trong ít nhất ba năm kể từ khi chính thức trở thành nhà đầu tư chiến lược. Ðối với nhóm điều kiện riêng, các nhà đầu tư là DN cùng ngành nghề phải có mức vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng. Nhà đầu tư ngoài ngành nghề, mức vốn điều lệ là 2.000 tỷ đồng hoặc có quy mô tổng tài sản đang quản lý tối thiểu 2.000 tỷ đồng đối với nhà đầu tư là các quỹ đầu tư.

Ðại diện lãnh đạo Vinalines cho biết, sau kết thúc nhận hồ sơ đăng ký làm nhà đầu tư chiến lược, Tổng công ty nhận được hồ sơ của một doanh nghiệp Hàn Quốc, hoạt động trong lĩnh vực tài chính và bảo hiểm (Công ty TNHH SK Securities) đăng ký tham gia làm nhà đầu tư chiến lược của Công ty mẹ với số lượng cổ phần đầu tư tiềm năng là 229.104.214 cổ phần. Tuy nhiên, qua vòng tuyển chọn, hồ sơ của Công ty SK Securities đã không đáp ứng đủ các điều kiện về tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược theo phương án cổ phần hóa Công ty mẹ, như: Chưa có cam kết tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của Vinalines trong thời gian ít nhất ba năm kể từ thời điểm chính thức trở thành nhà đầu tư chiến lược; chưa cam kết nội dung không chuyển nhượng số cổ phần được mua trong thời hạn ba năm kể từ ngày Tổng công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN cổ phần lần đầu, hoạt động theo Luật DN; các nghĩa vụ bồi thường khi vi phạm cam kết đã ký với mức bồi thường xác định theo thiệt hại thực tế và quyền định đoạt của Nhà nước đối với toàn bộ số lượng cổ phần nhà đầu tư chiến lược mua khi vi phạm các cam kết đã ký cũng không rõ ràng.

Bên cạnh đó, SK Securities chưa có phương án hỗ trợ Tổng công ty sau cổ phần hóa trong việc chuyển giao công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp, cung cấp nguyên vật liệu, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, chưa có tài liệu chi tiết chứng minh có đủ nguồn vốn góp.

Trước thực tế này, Bộ Giao thông vận tải đã quyết định chuyển số lượng cổ phần dự kiến bán cho nhà đầu tư chiến lược là 207.896.970 cổ phần thành số cổ phần thực hiện bán đấu giá công khai ra công chúng với mức mệnh giá 10 nghìn đồng/cổ phần. Theo đánh giá của lãnh đạo Vinalines, sau khi điều chỉnh, lượng phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Vinalines là 488.818.130 cổ phần (34,8%), nâng lên gấp hai lần do quá trình chọn nhà đầu tư chiến lược không được như kỳ vọng.

Theo kế hoạch, việc tổ chức đấu giá cổ phần của Vinalines dự kiến sẽ diễn ra sáng ngày 5-9 tới tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Kết quả kinh doanh sáu tháng đầu năm 2018 của Vinalines, sản lượng vận tải biển đạt hơn 12,2 triệu tấn (hơn 57% kế hoạch); sản lượng hàng thông qua cảng đạt hơn 41,4 triệu tấn (43%), tổng doanh thu hơn 6.650 tỷ đồng (gần 49% kế hoạch), lợi nhuận Công ty mẹ đạt 73 tỷ đồng. So với kế hoạch lợi nhuận cả năm 2018 đạt 668 tỷ đồng, mức lợi nhuận Vinalines đạt được trong sáu tháng qua thấp hơn nhiều. Lãnh đạo Vinalines lý giải, lợi nhuận đạt được còn thấp do Tổng công ty đang tập trung tái cơ cấu đội tàu, bán bớt một số tàu không hiệu quả, đồng thời, phải xử lý tài chính trước khi chuyển sang công ty cổ phần, dự kiến vào quý IV năm nay.

TRANG LY

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/37286402-vinalines-chua-chon-duoc-nha-dau-tu-chien-luoc.html