Vinasun tìm lối thoát khó khăn

Trong suốt 4 năm qua, doanh thu và lợi nhuận của CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) liên tục giảm. Nguồn thu chính của hãng này đến từ hoạt động thanh lý xe cũ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cả Vinasun và Grab nên ngồi lại thay vì cứ tiếp tục đối đầu nhau.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cả Vinasun và Grab nên ngồi lại thay vì cứ tiếp tục đối đầu nhau.

Trước sự chen chân của các hãng taxi công nghệ, Vinasun- vua “taxi truyền thống” một thời, đã có năm thứ 4 liên tiếp kinh doanh không thành công. Theo báo cáo tài chính năm 2018, doanh thu của Vinasun chỉ đạt 2.073 tỉ đồng, giảm gần 30%% so với thực hiện 2017. Trong đó, mảng kinh doanh cốt lõi là vận tải hành khách bằng taxi chỉ đạt 890 tỉ đồng, giảm 57% so với năm 2017. Biên lợi nhuận gộp cũng giảm 4,8%, nguyên nhân chủ yếu do giá nhiên liệu tăng mạnh.

Vinasun lý giải, giá xăng, dầu tăng khiến chi phí hoạt động tăng theo, làm tăng giá vốn của các hãng vận tải. Tuy nhiên, hãng này không thể điều chỉnh giá cước xe vì thủ tục rườm rà và sẽ ảnh hưởng đến tình hình cạnh tranh với các hãng taxi công nghệ. Doanh thu từ cho thuê xe năm 2018 tăng gấp 1,5 lần 2017, nhưng vẫn không đủ bù đắp cho những khoản kinh doanh khác sụt giảm. Cụ thể, hoạt động thanh lý xe cũ năm 2018 chỉ bằng 25% của năm 2017 nên lợi nhuận trước thuế của Vinasun chỉ đạt 115,2 tỉ đồng, giảm 53% so với 2017, là mức thấp nhất kể từ năm 2008. Việc quá phụ thuộc vào hoạt động thanh lý xe nói lên khó khăn của công ty này.

Tuy nhiên, cũng chính trong năm 2018, tình hình kinh doanh của Vinasun cho thấy những dấu hiệu thay đổi. Nếu trong nửa đầu năm 2018, lợi nhuận của công ty còn khá ì ạch thì đến nửa cuối 2018, chỉ tiêu này đã được cải thiện rõ rệt. Bắt đầu từ đầu quý II/2018, doanh thu và lợi nhuận của Vinasun hồi phục dần. Đặc biệt, trong quý III và quý IV lợi nhuận sau thuế đã quay trở lại trên mức 30 tỉ đồng, gần gấp 3 lần so với Quý I và quý II. Khá trùng hợp là đà hồi phục của Vinasun cũng đến trùng với thời điểm Uber rút khỏi thị trường Việt Nam từ đầu tháng 4/2018.

Giới phân tích đánh giá Vinasun vốn sở hữu nhiều lợi thế, từ giá trị thương hiệu, cơ cấu tài chính lành mạnh, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh luôn dương ở mức cao (gần 490 tỉ đồng khi kết thúc năm 2018), cùng với đó là kinh nghiệm tích lũy nhiều năm về vận hành, quản lý và dịch vụ khách hàng. Đây là điều mà các hãng mới không dễ gì có được để có thể xây dựng một mô hình kinh doanh kết hợp được ưu điểm của cả yếu tố truyền thống và hiện đại.

Trong khi đó, để tìm lối thoát cho vụ kiện giữa Vinasun và Grab, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc cả hai thay vì đối đầu nên cùng ngồi lại tìm một giải pháp dung hòa. Vụ kiện giữa Vinasun và Grab kéo dài không chỉ gây mệt mỏi cho những ai theo dõi phiên tòa mà còn gây thiệt hại lớn cho chính các doanh nghiệp này. Như ông Jerry Lim – Giám đốc Grab tại Việt Nam đã từng chia sẻ: “Khi nguyên đơn khởi kiện, phía bị đơn sẽ bắt buộc phải phát sinh các chi phí để tự bảo vệ mình, bao gồm cả chi phí tài chính và các chi phí vô hình khác như danh tiếng bị tổn hại, sự tốn kém về thời gian và công sức khi phải theo đuổi các phiên xử”.

Trước đó, ngày 28/12/2018, TAND TP.HCM đã tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Vinasun, tuyên buộc Grab Việt Nam bồi thường cho Vinasun hơn 4,8 tỉ đồng. Không chấp nhận bản án này, Grab kháng cáo toàn bộ. Vinasun cũng kháng cáo yêu cầu tòa cấp phúc thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện.

Sau đó, VKSND Cấp cao tại TP.HCM cũng đã bổ sung quyết định kháng nghị phúc thẩm của VKSND TP.HCM liên quan đến vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại hợp đồng giữa Vinasun và Grab. Theo đó, VKSND Cấp cao tại TP.HCM đề nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm, sửa bản án sơ thẩm mà TAND TP.HCM đã tuyên, theo hướng không chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường như yêu cầu khởi kiện của Vinasun.

Khi vụ kiện còn chưa đi đến hồi kết thì bản thân Vinasun cũng đã tự tìm ra cho mình lối thoát trước, như thay đổi để theo kịp các ứng dụng công nghệ với việc đầu tư app (ra mắt năm 2015), khách hàng có thể xem trước giá cước và chọn loại xe trước khi đặt, hay áp dụng mô hình khoán xe. Với mô hình này, lái xe nhận toàn bộ doanh thu và trả cho Vinasun một khoản phí thuê cố định theo ngày. Tài xế chịu các chi phí khác liên quan đến xe. Ngoài ra, Vinasun cũng đã thực hiện việc thương quyền cho các tài xế sở hữu ô tô riêng giống như Grab/Uber. Vinasun sẽ thu phí thương quyền hàng năm, và tài xế cũng sẽ trả một tỷ lệ doanh thu hàng ngày cho hãng...

Nguyễn Việt

Bạn đang đọc bài viết Vinasun tìm lối thoát khó khăn tại chuyên mục Doanh nghiệp-Doanh nhân của Báo Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: (024) 3.5771239,

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/vinasun-tim-loi-thoat-kho-khan-147100.html