Vinasun và Grab bắt tay hợp tác: Lợi ích khách hàng là trên hết

Sau nhiều lần trì hoãn, phiên tòa xét xử Vinasun đòi Grab bồi thường vẫn chưa có hồi kết. Trong lúc đó, tín hiệu mong muốn hòa giải và hợp tác giữa 2 bên đang được khách hàng và các chuyên gia ủng hộ.

Luật sư đánh giá về việc Vinasun và Grab hòa giải.

Nín thở chờ hòa giải

Trong các phiên xét xử vụ kiện đòi bồi thường ngoài hợp đồng vào cuối tháng 11 vừa qua, phía Grab đã nhiều lần nhấn mạnh mong muốn hợp tác với Vinasun để hướng đến lợi ích dành cho khách hàng. Sau phiên xử ngày 23/11, ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam bày tỏ: “Chúng tôi mong Vinasun hãy cùng hợp tác với chúng tôi hướng đến lợi ích chung của người dân Việt Nam. Ở đâu có thiện chí, ở đó sẽ có giải pháp và chúng tôi tin chắc rằng, khi hợp tác, chúng ta có thể tạo ra thêm nhiều giá trị cho thị trường vận tải theo các nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh”.

Tài xế Vinasun tập trung tại TAND TP.HCM trong các phiên xét xử với Grab. (Ảnh: Công Thư).

Phía Grab tuyên bố, là một nền tảng công nghệ mở, họ có nhiều kinh nghiệm để mang đến giá trị tốt nhất cho đối tác taxi khắp khu vực Đông Nam Á, bao gồm giúp các tài xế taxi hoạt động hiệu quả hơn và có thu nhập cao hơn. Đồng thời, Grab khẳng định luôn sẵn lòng chia sẻ với Vinasun trong các hoạt động kinh doanh. Lời đề nghị này được phía Vinasun ghi nhận sau nhiều công sức đối đầu nhưng vẫn loay hoay.

Liên quan đến vụ việc, ngày 8/12, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật, công ty Luật TNHH Chính Nghĩa Luật (đoàn Luật sư TP.HCM) để tìm hiểu các vấn đề pháp lý liên quan.

Luật sư Nhật cho biết: “Về nguyên tắc, trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án thì tòa án tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định”.

“Còn trường hợp của vụ án giữa Vinasun và Grab thì hiện nay đang được Tòa án xét xử sơ thẩm. Các đương sự thống nhất đề nghị Tòa án tạm ngừng phiên tòa để họ tự hòa giải. Nội dung này được quy định tại Điều 259 của Bộ luật Tố tụng Dân sự về các căn cứ để tạm ngừng phiên tòa. Thời hạn tạm ngừng phiên tòa là không quá 1 tháng kể từ ngày hội đồng Xét xử (HĐXX) ra quyết định”, luật sư Nhật trình bày.

Luật sư Nhật cũng thông tin, hết thời hạn này, HĐXX tiếp tục tiến hành phiên tòa. Khi đó, chủ tọa phiên tòa sẽ hỏi các đương sự có thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án hay không. Trường hợp 2 bên thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và thỏa thuận của họ là tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội thì HĐXX sẽ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về việc giải quyết vụ án.

Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm theo quy định tại Điều 213 của Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Luật sư Quang Nhật khẳng định luật pháp luôn hướng đến lợi ích hài hòa của các bên. (Ảnh: Hà Nhân).

Đánh giá về việc hòa giải và tiến hành hợp tác giữa Vinasun và Grab, luật sư Nhật nói: “Việc thỏa thuận hay đề nghị hợp tác của họ vẫn chưa có kết luận, Tòa án cũng chưa có quyết định công nhận nên dư luận vẫn phải chờ và quan sát thêm. Tuy nhiên, tinh thần của luật pháp nói chung là tôn trọng quyền tự do kinh doanh để phục vụ tốt nhất cho khách hàng, đem về hiệu quả kinh tế cho xã hội”.

Chuyên gia pháp lý Nguyễn Ngô Quang Nhật còn cho rằng, nếu việc hợp tác giữa Vinasun và Grab thuận lợi sẽ trở thành bước chạy đà cho các mô hình kinh doanh và hợp tác mới, hướng đến lợi ích của khách hàng, doanh nghiệp và Nhà nước.

“Để xã hội phát triển cần phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật, phải thượng tôn pháp luật. Nếu cơ quan lập pháp ban hành các quy định rõ ràng hơn thì các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chở khách, dịch vụ thuê xe, dịch vụ cung ứng phần mềm kinh doanh, … hay những dịch vụ giống như Grab, GoViet,… sẽ yên tâm hoạt động, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển hơn. Từ đó, Nhà nước cũng sẽ thu được ngân sách và phát triển kinh tế”, luật sư Nhật kết luận.

Cạnh tranh và hợp tác đan xen

Nếu Grab và Vinasun có thể hòa giải và tiến tới hợp tác, các chuyên gia nhìn nhận điều này là bức tranh đẹp đối với 2 doanh nghiệp và thị trường, có lợi cho khách hàng.

Ông Đỗ Hòa, chuyên gia tư vấn chiến lược về hệ thống quản lý doanh nghiệp tại TP.HCM đánh giá: “Grab đã lên tiếng trước để bày tỏ thiện chí. Nhưng việc hòa giải và hợp tác có được tiến hành hay không còn phụ thuộc vào phía Vinasun có muốn ứng dụng tiến bộ công nghệ vào hoạt động kinh doanh của mình hay không. Với những hạn chế về cả nguồn lực tài chính và công nghệ, Vinasun không thể bỏ ra cả triệu USD để phát triển ứng dụng. Chưa kể lâu nay doanh nghiệp này phải tự bỏ nhiều chi phí cho hoạt động quảng cáo. Trong khi Grab đã giải quyết rất tốt 2 vấn đề này”.

Chuyên gia Đỗ Hòa còn đánh giá, việc chuyển từ đối đầu sang hợp tác là bình thường tại các nước khác. Khi cả 2 tận dụng lợi thế của nhau để cùng phát triển thì Nhà nước sẽ tạo điều kiện tốt nhất. Ông Hòa phân tích thêm: “Trong hoạt động kinh doanh, khái niệm chuỗi giá trị, hệ sinh thái tức là mỗi doanh nghiệp, đơn vị tham gia một phần, có thể hợp tác ở giai đoạn này nhưng cạnh tranh ở một giai đoạn khác. Sự hợp tác chỉ nhằm mục tiêu cải thiện chất lượng, hoàn thiện dịch vụ của từng thương hiệu, còn cạnh tranh về thị trường, kinh doanh vẫn diễn ra bình thường”.

Thậm chí, trước khi có vụ kiện với Vinasun, Grab đã từng hợp tác với các hãng taxi nhỏ để cung ứng phần mềm. Các doanh nghiệp taxi vừa và nhỏ, vốn không đủ tiềm lực phát triển phần mềm đã chọn phương pháp liên kết với Grab để tăng cơ hội kết nối với khách hàng.

Ông Nguyễn Minh Vũ, Giám đốc BlueTaxi KonTum cho biết: "Khi nhận được lời mời hợp tác của Grab, chúng tôi đồng ý ngay vì nhận thức được công nghệ là nhu cầu, xu thế của người tiêu dùng. Taxi truyền thống nếu không thay đổi, đuổi kịp cái mới thì sẽ trở nên lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu của hành khách. Bên cạnh đó, Grab cũng là đơn vị có danh tiếng, uy tín, vị trí trên thị trường nên hoàn toàn có thể tin tưởng được".

Cũng theo đơn vị này, sau quá trình kết hợp với Grab, số lượng khách hàng của họ đã tăng lên, đặc biệt là đối tượng yêu thích công nghệ. "Doanh thu cũng tăng hơn 30% so với trước đây. Việc quản lý, ghi nhận phản hồi từ khách hàng cũng hiệu quả hơn", ông Vũ cho hay.

Còn TS Ngô Hữu Phước, Phó trưởng khoa Luật Quốc tế, Đại học Luật TP.HCM nhận định, từ khi có taxi công nghệ, khách hàng có thêm sự lựa chọn mới, hiệu quả, nhanh gọn và tiện lợi hơn.

"Có thêm đơn vị tốt, giá cả cũng cạnh tranh hơn, mặt bằng giá dịch vụ vận tải giảm xuống, người sử dụng được lợi về cả thời gian, tiền bạc, công sức, tinh thần. Bản thân các hãng taxi truyền thống cũng phải vận động thay đổi, ứng dụng công nghệ, cải thiện dịch vụ để cạnh tranh. Xét một cách tổng thể, Grab đã mang đến những tác động rất tốt cho cả kinh tế và xã hội", ông Phước nói.

PGS.TS Võ Trí Hảo, Trưởng khoa Luật, đại học Kinh tế TP.HCM nhấn mạnh: "Nhờ có cạnh tranh, các hãng taxi truyền thống có thị phần lớn nhất như Vinasun, Mai Linh đã bắt tay đầu tư phát triển phần mềm tương tự, cải thiện chất lượng dịch vụ. Hưởng ứng công nghệ mới nhưng tránh đầu tư chi phí phát triển phần mềm, một số công ty taxi quy mô nhỏ hơn như Vạn Xuân,Thành Lợi, Bắc Á đã chọn liên kết với Grab. Khi sử dụng song song hai kênh kết nối, gồm tổng đài điện thoại truyền thống và phần mềm GrabTaxi để kết nối với khách hàng thì cách vận hành của họ trở nên linh hoạt hơn".

Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Vụ trưởng vụ Vận tải (bộ Giao thông Vận tải) cũng khẳng định: “Việc quản lý của Nhà nước vẫn đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu. Tôi luôn ủng hộ việc ứng dụng khoa học công nghệ nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ và tạo sự thuận tiện cho người dân. Nếu các ứng dụng kết nối thuận lợi và đáp ứng đầy đủ điều kiện kinh doanh của cơ quan chức năng thì việc cấp phép để các doanh nghiệp mở rộng địa bàn hoạt động là hoàn toàn có thể”.

Hà Nhân

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vinasun-va-grab-bat-tay-hop-tac-hai-ben-co-1-thang-de-thong-nhat-cac-phuong-an-hoa-giai-a413787.html