Vinatex: Hấp dẫn nhà đầu tư khi thoái vốn nhà nước nhờ sở hữu nhiều đất vàng

Câu chuyện thoái vốn nhà nước có thể là điểm nhấn đối với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhờ lợi thế sở hữu nhiều quyền sử dụng đất có giá trị cao.

Trong năm 2022, ngành dệt may Việt Nam đang có nhiều điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn

Sau năm 2020 khó khăn trong bối cảnh ngành dệt may chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19 bùng phát, kết quả kinh doanh của Vinatex và nhiều đơn vị thành viên đã tăng trưởng tốt trong năm 2021.

Báo cáo tài chính của Vinatex cho biết, kết thúc năm 2021, doanh thu thuần hợp nhất toàn Tập đoàn đạt 16.002 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2020. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.456,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.323,9 tỷ đồng, tăng 136% so với năm 2020. Qua đó, dù mới thực hiện được 92% chỉ tiêu doanh thu, song Tập đoàn đã vượt hơn 2 lần chỉ tiêu lợi nhuận năm đặt ra. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất mà Vinatex đạt được trong nhiều năm qua.

Bất chấp điều kiện kinh doanh năm 2021 còn nhiều khó khăn, đặc biệt là trong quý III/2021, khi các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng để ngăn chặn dịch bệnh trên cả nước, đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện đơn hàng. Các doanh nghiệp tăng thêm nhiều chi phí hoạt động do đặc thù của ngành dệt may là ngành thâm dụng lao động. Tuy nhiên, sự phục hồi tốt về nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu như Mỹ, Nhật Bản, EU… giúp kết quả kinh doanh cả năm của các doanh nghiệp phục hồi. Với Vinatex, doanh nghiệp còn được hưởng lợi nhờ nhu cầu và giá sợi tăng cao.

Vinatex đang sở hữu nhiều quyền sử dụng đất có giá trị cao. Đây sẽ là điểm hấp dẫn các nhà đầu tư, khi doanh nghiêp này đã được đưa vào danh sách ưu tiên thoái vốn nhà nước.

Trong năm 2022, ngành dệt may Việt Nam đang có nhiều điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn, khi hoạt động sản xuất dự báo sẽ không bị gián đoạn bởi các đợt giãn cách xã hội như 2 năm vừa qua. Giá trị đơn hàng tiếp tục tăng trưởng nhờ sự phục hồi của các thị trường xuất khẩu và Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực, điều này đem đến triển vọng tăng trưởng sáng cho các doanh nghiệp trong ngành, trong đó có Vinatex.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong quý I/2022, trị giá xuất khẩu nhóm hàng dệt may của Việt Nam đã đạt 8,68 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, tính từ năm 2012. Tăng trưởng của nhóm hàng dệt may ở mức kỷ lục trong tháng 3/2022, đạt 3,05 tỷ USD, tương ứng tăng hơn 1 tỷ USD so với tháng trước.

Tuy vậy, các doanh nghiệp trong ngành cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Chẳng hạn việc theo đuổi chính sách Zero Covid của Trung Quốc với việc phong tỏa nhiều thành phố lớn dự báo sẽ giúp các doanh nghiệp tại Việt Nam có thể hưởng lợi nhờ sự dịch chuyển đơn hàng, nhưng ngược lại, Trung Quốc hiện vẫn là thị trường chính, chiếm hơn 50% nguồn xuất khẩu sợi của Việt Nam. Việc kiên trì áp dụng chính sách Zero Covid và phong tỏa diện rộng có khả năng làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất dệt may, khiến nhu cầu về sợi suy giảm, ảnh hưởng đến nguồn cung vải nguyên liệu cho thị trường thế giới.

Ngoài ra, giá dầu thô tăng cao, khiến giá nhiều loại sợi và chi phí vận tải biển tăng theo, cũng làm gia tăng gánh nặng cho các doanh nghiệp dệt may, làm giảm khả năng cạnh tranh và biên lợi nhuận khi nhiều đơn vị thành viên của Vinatex hiện chủ yếu tham gia vào công đoạn gia công trong chuỗi giá trị và rất nhạy cảm với biến động chi phí đầu vào.

Chưa kể, vừa qua Hội đồng Tiền lương quốc gia đề xuất tăng lương tối thiểu vùng cho lao động trong các doanh nghiệp từ ngày 1/7/2022. Ngành dệt may là ngành thâm dụng lao động, việc tăng lương và chi phí trích theo lương sẽ ảnh hưởng đáng kể tới chi phí lao động của các doanh nghiệp trong ngành. Chẳng hạn năm 2017, chi phí lao động củaVinatex đã tăng 432 tỷ đồng, trong đó tăng chi phí bảo hiểm xã hội 140 tỷ đồng, dưới ảnh hưởng của tăng lương tối thiểu 7,3% theo vùng và chính sách bảo hiểm xã hội mới tính theo thu nhập.

Một điểm sáng đối với Vinatex trong thời gian tới là việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp này. Hiện Vinatex đang sở hữu nhiều quyền sử dụng đất có giá trị cao tại các thành phố lớn. Quỹ đất này được hình thành từ nhà máy, nhà xưởng và văn phòng làm việc cũ. Trước đây, các nhà máy, nhà xưởng và văn phòng của các đơn vị thành viên Tập đoàn nằm ở vùng ven, nhưng khi các đô thị mở rộng, đã trở thành các miếng đất nội đô có giá trị. Theo quy hoạch di dời các máy khỏi khu vực nội đô, các miếng đất này có tiềm năng chuyển thành các dự án bất động sản có giá trị cao.

Đây sẽ là điểm hấp dẫn các nhà đầu tư, khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) - cổ đông lớn nhất tại Vinatex hiện nay, với tỷ lệ sở hữu chi phối 53,49%, đã đưa Vinatex vào danh sách ưu tiên thoái vốn từ lâu.

Khắc Lâm

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/vinatex-hap-dan-nha-dau-tu-khi-thoai-von-nha-nuoc-nho-so-huu-nhieu-dat-vang-d165100.html