Vinatex kiên trì mục tiêu tăng trưởng chất lượng và bền vững

Năm 2018, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đạt mức tăng trưởng khả quan, kim ngạch xuất khẩu tăng 10,9%; lợi nhuận trước thuế tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng lợi nhuận Công ty mẹ tăng 35% so với cùng kỳ năm 2017 do đã dịch chuyển được chất lượng đơn hàng.

Vinatex kiên trì mục tiêu tăng trưởng chất lượng và bền vững

Đó là thông tin được ông Cao Hữu Hiếu- Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam đưa ra tại buổi họp báo sáng 27/12 cung cấp thông tin về hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2018.

Theo ông Cao Hữu Hiếu, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Tập đoàn đạt 3,05 tỷ USD, bằng 102,3% kế hoạch năm 2018, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng doanh thu ước đạt hơn 48.658 tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2017. Đây là kết quả của một chuỗi nỗ lực, được khởi động từ năm 2015 cho đến nay. Kiên trì theo đuổi mục tiêu chiến lược, đó là tăng trưởng chất lượng và bền vững, Tập đoàn chú trọng vào chất lượng đơn hàng, đáp ứng những đơn hàng khó, đòi hỏi tay nghề cao, giao hàng đúng thời hạn, phấn đấu giữ vị trí TOP 5 nhà sản xuất được khách hàng ưu tiên lựa chọn đặt hàng.

Nhờ vậy, trong bối cảnh thị trường dệt may những tháng cuối năm bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, đơn hàng giảm sút, tập đoàn vẫn đạt mức tăng trưởng khá, nhiều đơn vị trong Tập đoàn đã có đơn hàng đến hết quý 2/2019, thậm chí là đến quý 3/2019.

Để đạt được điều đó, Tập đoàn đã tập trung phát triển theo chiều sâu, quan tâm đến việc bảo vệ môi trường xanh – sạch, nâng cấp, thay thế các máy móc thiết bị hiện đại đạt chuẩn quốc tế để sản phẩm đạt được độ chính xác cao hơn, thực hiện tự động hóa một số công đoạn, Nhờ vậy, năng suất lao động tăng lên, đồng thời thu nhập người lao động cũng tăng lên theo. Đồng thời, Tập đoàn lựa chọn các đơn hàng khó, đòi hỏi kỹ thuật cao để giảm thiểu tối đa biến động có thể đến với doanh nghiệp khi thị trường chung gặp khó khăn.

Tập đoàn hướng đến tạo ra cách nhìn mới với ngành dệt may, không còn là lao động giá rẻ, phải tăng ca, làm thêm giờ, mà là ngành dệt may có môi trường làm việc tốt, thu nhập khá, hấp dẫn người lao động- ông Cao Hữu Hiếu nhấn mạnh.

Liên quan đến việc sử dụng sản phẩm của Nhà máy Xơ sợi Polyeste Đình Vũ, thuộc Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX), ông Cao Hữu Hiếu cho biết, Vinatex đã có cam kết với Tập đoàn Dầu khí sẽ sử dụng xơ của nhà máy Xơ sợi Đình Vũ khi nhà máy hoạt động trở lại với điều kiện: chất lượng tốt và giá cả theo thị trường.

Hiện một số đơn vị của Vinatex đã mua sợi của Đình Vũ, như Công ty Sợi Phú Bài đã dùng nguyên liệu của Đình Vũ để sản xuất cho các nhà cung cấp tại châu Âu- ông Cao Hữu Hiếu cho hay.

Tập đoàn Dệt May Việt Nam hướng đến tạo hình ảnh ngành dệt may hấp dẫn trong mắt người lao động

Lê Kim Liên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vinatex-kien-tri-muc-tieu-tang-truong-chat-luong-va-ben-vung-114107.html