Vinatex: 'Người lao động là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp dệt may'

Trao đổi với Mekong ASEAN về tình hình lao động ngành dệt may hiện nay, lãnh đạo Vinatex khẳng định tập đoàn sẽ không cắt giảm lao động và cố gắng để duy trì mức lương ổn định.

Theo báo cáo xu hướng triển vọng việc làm và xã hội thế giới 2023 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năm 2023 hầu hết các quốc gia sẽ chưa thể phục hồi hoàn toàn về mức trước đại dịch, việc làm toàn cầu được dự báo chỉ tăng 1%, giảm đáng kể so với tốc độ tăng việc làm 2,3% năm 2022.

Tại Việt Nam, những tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải cắt giảm lao động là hơn 8.600 doanh nghiệp (chiếm 1% tổng số doanh nghiệp). Đối với ngành dệt may, ngành xuất khẩu chủ lực và tạo việc làm cho hơn 2,5 triệu lao động cũng đang đối diện khó khăn rất lớn khi có hơn 68.700 người lao động bị ảnh hưởng.

Trao đổi với Mekong ASEAN về thực trạng tình hình lao động ngành dệt may hiện nay, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu nhìn nhận, từ quý 3 - 4/2022 kéo dài đến những tháng đầu năm nay, các khách hàng của ngành dệt may đã nhắm đến các thị trường khác như Bangladesh, Indonesia hay Ấn Độ do nhân công dồi dào và giá cả cạnh tranh hơn.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may trong 5 tháng đầu năm nay đạt 12,32 tỷ USD, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số khá thấp nếu so với kim ngạch cả năm 2022 vừa qua ngành dệt may mang về lên đến 44 tỷ USD.

Tình hình đơn hàng sụt giảm khiến nhiều doanh nghiệp dệt may rơi vào trạng thái hoạt động cầm chừng, ảnh hưởng đến việc làm của người lao động. Mặc dù vậy, theo Tổng giám đốc Vinatex, các doanh nghiệp trong tập đoàn vẫn luôn cố gắng để bảo toàn lực lượng lao động.

Khác với các doanh nghiệp tư nhân hay các doanh nghiệp FDI thường quan tâm nhiều đến câu chuyện về tính hiệu quả cao, Vinatex là doanh nghiệp cổ phần do Nhà nước chi phối, do đó các doanh nghiệp tại tập đoàn vẫn luôn quan tâm đến người lao động, góp phần cùng Chính phủ, Đảng và Nhà nước ổn định an sinh xã hội.

LỰC LƯỢNG LAO ĐỘNG LÀ TÀI SẢN SỐ 1
Đối với Vinatex, ngành dệt may dù có máy móc hiện đại hay nhiều đơn đặt hàng nhưng không có người làm thì vẫn không thể hoạt động được. Hiện tại, số lượng đơn đặt hàng còn nhỏ lẻ, thời gian giao hàng nhanh cùng những yêu cầu khắt khe nhưng các công ty vẫn cố gắng giữ chân người lao động. Bởi các doanh nghiệp trong tập đoàn luôn coi lực lượng lao động là tài sản số một của mình.

Do đó, ngay cả trong điều kiện khó khăn, lãnh đạo các doanh nghiệp trong tập đoàn vẫn nỗ lực tìm kiếm đơn hàng để duy trì sản xuất, giữ chân người lao động chờ thị trường khôi phục trở lại.

Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Cao Hữu Hiếu

Về góc độ người lao động, ông Hiếu đánh giá, lao động Việt Nam vẫn được biết về tay nghề cao, cần cù chịu khó. Ngoài ra môi trường làm việc so với nhiều thị trường khác vẫn ổn định, nên nhiều đối tác vẫn mong muốn hợp tác cùng Việt Nam. Vì thế, giữa doanh nghiệp và người lao động, cần có sự thấu hiểu và chia sẻ lần nhau để vượt qua giai đoạn hiện tại.

"Ngoài việc không cắt giảm nhân lực, Vinatex vẫn cố gắng duy trì không giảm lương của người lao động. Nhưng trong trường hợp phải giảm, tôi cũng cố gắng chia sẻ chuyện này với người lao động và cùng các tổ chức xã hội, công đoàn vào cuộc để tiếp tục duy trì, vượt qua thời điểm khó khăn này", Tổng giám đốc Vinatex cho biết.

Trước đó, tại hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu” tháng 5 vừa qua, ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cũng cho biết, là ngành hàng xuất khẩu với kim ngạch hàng chục tỷ USD mỗi năm, song dệt may đang đối diện với những thách thức lớn từ sự suy giảm của thị trường, nhất là ở các thị trường chủ lực như Mỹ, EU khiến cho tình hình lao động của ngành cũng ít nhiều bị ảnh hưởng.

Bàn về giải pháp giữ chân người lao động, ông Trần Như Tùng đề xuất hệ thống ngân hàng có gói vay lãi suất ưu đãi 0% để trả lương cho người lao động. Ví dụ như gói vay mà ngân hàng chính sách xã hội đã thực hiện trong giai đoạn Covid-19 để giúp doanh nghiệp phần nào giảm áp lực tài chính để trả lương cho người lao động, giữ chân lao động trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

"Gói vay này có thể áp dụng cho những doanh nghiệp nào có phương án trả nợ tốt, những doanh nghiệp đã chấp hành đúng và đã hoàn trả xong khoản vay. Ngoài ra, còn có thể nâng lên 6 tháng lương cơ bản thay vì 3 tháng lương như vừa qua vì sự khó khăn lúc này cũng không khác gì so với giai đoạn Covid-19", ông Tùng cho biết.

Trong ngắn hạn, đại diện Vitas cũng cho rằng, cần tăng cường xúc tiến thương mại, chương trình làm việc giữa Việt Nam và các quốc gia để mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua Tham tán thương mại. Trong đó tập trung vào các quốc gia trong khối CPTPP và EU - những nơi mà Việt Nam đã ký những Hiệp định thương mại song phương.

Thu Trang

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/vinatex-nguoi-lao-dong-la-tai-san-lon-nhat-cua-doanh-nghiep-det-may-post22538.html