Vinatex phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 34 tỷ USD

Ngày 25-2, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Lê Tiến Trường cho biết, đến nay toàn bộ các đơn vị thành viên đã phát động lễ ra quân và bắt tay vào sản xuất các đơn hàng đã ký.

Năm 2018, mặc dù kinh tế trong nước và thế giới dự báo sẽ còn nhiều thách thức nhưng toàn ngành vẫn phấn đấu đạt mức kim ngạch xuất khẩu 34 tỷ USD, tăng 10% so năm 2017. Bên cạnh đó, năm nay cũng là năm có nhiều thay đổi về tổ chức, cơ cấu khi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước ra đời và Tập đoàn sẽ thoái vốn theo lộ trình của Chính phủ, vì vậy, hoạt động của Vinatex, Vitas sẽ có những biến động nên cần phát huy hết năng lực, khả năng để hoàn thành các mục tiêu.

Năm 2017, ngành dệt may đã vượt mục tiêu đề ra với kim ngạch xuất khẩu hơn 31 tỷ USD, tăng 10,23% so với năm 2016. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Vinatex đạt 3,2 tỷ USD, tăng trưởng hơn 10%, vượt kế hoạch tăng trưởng xuất khẩu và là đơn vị duy nhất hoàn thành tất cả các nhiệm vụ được Chính phủ giao.

★ Ngày 25-2, Giám đốc Công ty than Thống Nhất (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - TKV) Phạm Ðức Khiêm cho biết, sau đợt nghỉ Tết, công ty đã tổ chức gặp mặt đầu Xuân và triển khai nhiệm vụ năm 2018 tại hai khu vực Lộ Trí và Yên Ngựa. Ngay trong những ngày đầu Xuân, số lượng lao động của các phân xưởng trong toàn công ty đi làm đạt hơn 80%; khu Yên Ngựa đạt 84%.

Than Thống Nhất xác định, 2018 là năm quan trọng về tiếp tục đổi mới tái cơ cấu và tinh giản biên chế, quản trị chi phí giá thành. Ðồng thời, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, tăng cường đầu tư phát triển các dự án mỏ; bảo đảm an toàn, an ninh trong sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ than… thực hiện tốt “An toàn, an ninh, an sinh”, cùng TKV đáp ứng nhu cầu sản lượng than cho nền kinh tế. Năm nay, công ty phấn đấu sản xuất hơn hai triệu tấn than nguyên khai, tiêu thụ hai triệu tấn, doanh thu gần 1.916,5 tỷ đồng, thu nhập người lao động bình quân 11,6 triệu đồng/tháng,...

★ Cùng ngày, Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị quản lý Nhà máy lọc dầu Dung Quất cho biết, trong dịp Tết vừa qua, hơn 500 cán bộ công nhân viên của nhà máy chia bốn kíp, hai ca làm việc “xuyên Tết” bảo đảm thời gian sản xuất đạt 24/24 giờ. Ðến nay, 1.500 cán bộ, công nhân viên của công ty đã có mặt đầy đủ và bắt tay vào vận hành sản xuất theo kế hoạch. Năm 2018, BSR đặt chỉ tiêu doanh thu đạt 78.392 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 8.326 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 3.473 tỷ đồng. Năm 2017, BSR đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về sản lượng sản xuất và chỉ tiêu tài chính.

★ Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PV Tex), đơn vị quản lý Nhà máy Xơ sợi Ðình Vũ (Hải Phòng) cho biết, ngay sau đợt nghỉ Tết, hơn 150 cán bộ, công nhân viên của nhà máy đã tập trung đầy đủ và thực hiện các nhiệm vụ được giao. Hiện tại, PV Tex vẫn đang thiếu nhân lực để thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên và chuẩn bị khởi động lại nhà máy như giữ gìn bảo quản, bảo dưỡng máy móc thiết bị; bảo vệ tài sản, an ninh, an toàn phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường và xử lý các vật tư, sản phẩm tồn kho đã giảm chất lượng hoặc hết hạn sử dụng (MEG, LPG, dầu tráng sợi),... Tuy nhiên, PV Tex đã và đang nỗ lực lập các phương án khôi phục sản xuất, kinh doanh như khởi động lại một phần phân xưởng DTY sản xuất sợi DTY từ sợi POY; hợp tác đối tác trong và ngoài nước vận hành lại toàn bộ nhà máy.

★ Công ty cổ phần Than Hà Lầm (thuộc TKV) vừa ra quân sản xuất đầu năm với khí thế quyết tâm cao hoàn thành các mục tiêu sản xuất, kinh doanh của công ty trong năm 2018. Theo kế hoạch phối hợp sản xuất, kinh doanh, trong năm nay, công ty sản xuất 2,7 triệu tấn than nguyên khai, trong đó than lộ thiên 300 nghìn tấn, than hầm lò là 2,4 triệu tấn (riêng than lò chợ cơ giới hóa đạt 1,68 triệu tấn); tiêu thụ gần 2,6 triệu tấn; doanh thu hơn 2.673 tỷ đồng; thu nhập bình quân người lao động gần 12 triệu đồng/tháng,... Trong dịp đầu Xuân, công ty đã phát động Tết trồng cây tại mặt bằng sân công nghiệp +75, trồng hơn 1.500 cây keo tai tượng.

★ Sau thời gian dừng sửa chữa, khắc phục sự cố máy nén K1301, từ đầu năm 2018, Ðạm Ninh Bình đã tái khởi động nhà máy. Tổng Giám đốc Công ty Ðạm Ninh Bình Vũ Văn Nhẫn cho biết, sau một tuần khởi động, những lô u-rê đầu tiên đã được xuất xưởng. Dự kiến đợt này, công ty phấn đấu sản xuất và tiêu thụ khoảng 120 nghìn tấn u-rê. Ðến nay, công ty đã nhận được đề nghị mua hàng từ nhiều nhà phân phối, sản phẩm ra đến đâu bán hết đến đó. Tại thời điểm chạy lại máy, đang trong thời gian chính vụ đông xuân, các khách hàng vẫn tiếp tục đăng ký mua hàng và ứng trước cho công ty gần 60 tỷ đồng để mua nguyên liệu bổ sung công tác chạy máy. Trước đó, công ty đã huy động khoảng 92 tỷ đồng để mua than và phục vụ bảo dưỡng, sửa chữa, hoàn thiện về thiết bị và chuẩn bị đầy đủ nhân lực, tiêu thụ. Việc chạy máy đợt 1 sẽ mang lại nhiều hiệu quả về kinh tế cho công ty, giúp nhà máy hoàn trả 92 tỷ đồng vốn vay và bảo đảm ổn định việc làm cho 900 lao động, cung cấp sản phẩm u-rê ra thị trường.

★ Ngày 25-2, Công ty cổ phần Xi-măng Vicem Bút Sơn cho biết, ngay từ ngày mồng 3 Tết, đơn vị đã xuất mẻ clanh-ke đầu tiên và ngày mồng 5 đã xuất mẻ xi-măng đầu tiên. Ngày mồng 7 Tết, công ty đã trở lại làm việc bình thường. Năm nay, công ty phấn đấu sản xuất hơn 2,7 triệu tấn clanh-ke; gần bốn triệu tấn xi-măng; tiêu thụ 3,9 triệu tấn xi-măng, góp phần vào thành công chung của tổng công ty, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, nguồn cung xi-măng dư thừa, tập trung nhiều tại khu vực phía bắc và miền trung. Trước đó, năm 2017, công ty đã hoàn thành các mục tiêu kế hoạch, sản xuất gần 2,7 triệu tấn clanh-ke, vượt 2% kế hoạch; hơn 3,7 triệu tấn xi-măng, giải quyết việc làm cho 1.363 lao động, thu nhập bình quân 11,3 triệu đồng/tháng.

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/35642002-vinatex-phan-dau-dat-kim-ngach-xuat-khau-34-ty-usd.html