VinFast và cái thói đố kỵ của người Việt

Ai đó nói rằng, xã hội Việt như một rổ cua đồng - con nào leo lên sẽ bị con khác kéo xuống. Điều này đúng với câu chuyện ông Vượng 'làm' ô tô.

Dăm, bảy hôm trước, nghe tin ông Phạm Nhật Vượng đã gần xây xong cái nhà máy ô tô, lại còn giới thiệu 2 mẫu xe vừa sang, vừa đẹp tại một triển lãm thuộc loại lớn nhất quả đất, nhiều người mừng.

Chả gì thì ông Vượng cũng là người đầu tiên sản xuất được chiếc ô tô trên đất Việt, rồi đem nó ra giới thiệu với thế giới. Việt Nam lần đầu có tên trên “bản đồ ô tô” quốc tế. Có chiếc xe của riêng mình. Ai mà chả mừng.

Bên cạnh các ý kiến ủng hộ, nhiều người hoài nghi về việc ông Vượng "làm" ô tô

Ấy thế mà sau những ý kiến ủng hộ, tung hô là có ngay những định kiến xuất hiện theo kiểu “đến hẹn lại lên”. Có ông tỏ ý hoài nghi về năng lực, trình độ của ông Vượng. Có ông còn mỉa mai rằng, việc gì phải sản xuất, vì “chắc chắn” giá ô tô Việt cao hơn nước ngoài, cho nên đi mua xe về là tốt nhất…

Người Việt mình có tính xấu “truyền thống”, ấy là thấy ai nghèo thì khinh bỉ, thấy ai giàu có, tài giỏi thì đố kỵ… Chính căn bệnh này đang kìm hãm một phần tốc độ phát triển của Việt Nam, bởi cứ “một thằng nhoi lên thì bị hai thằng… kéo xuống”.

Người ta nói nhiều đến thói đố kỵ của người Việt

Câu “Việt Nam đến cái ốc vít còn không làm nổi” đã trở thành lời nói cửa miệng của nhiều người trên mạng xã hội. Và cứ mỗi khi xuất hiện một sản phẩm Made in Việt Nam, câu nói đó lại một lần nữa được xướng lên như để nhắc nhở rằng, mọi cố gắng thay đổi một hiện trạng đã có từ lâu là vô ích.

Cứ như vậy nên hễ cái gì mới mẻ làm ra ở Việt Nam, do người Việt lĩnh xướng là y như rằng bị ném đá. Đằng sau BPhone, đó là cả một hàng dài những cái tên bị chỉ trích như Mobiistar, Q-Mobile, HKBike,… Rất ít trong số đó có thể đứng dậy, để trở thành những Zalo, Viettel hay FPT sau này.

BPhone liệu có thành công ngay chính quê hương mình?

Buồn thay, sau cách hành xử “tàn bạo” của người dùng đối với các doanh nghiệp nội, Q-Mobile đã dừng bước, Mobiistar sống trong sợ hãi, BPhone dường như cũng khó mà “nổ” được dù mới vừa ra mắt BPhone 3.

Quay lại chuyện ô tô.

Mấy anh chuyên phân tích kinh tế cho rằng, một quốc gia dân số từ 50 triệu người trở lên là kiểu gì cũng phải phát triển ngành công nghiệp ô tô. Dân số Việt Nam hiện ngấp nghé ngưỡng 100 triệu người thế nên không có lý gì lại biến thị trường Việt Nam trở thành một nơi tiêu thụ xe nhập khẩu hoàn toàn.

Việt Nam vẫn còn nhu cầu rất lớn về ô tô

Còn các bác bên Bộ Công thương thì dự báo, nhu cầu ô tô của Việt Nam vào năm 2025 sẽ vào khoảng 800.000-900.000 xe/năm. Năm 2030 sẽ lên đến 1,5-1,8 triệu xe/năm. Điều này cho thấy, trong vòng 10 năm tới, quy mô thị trường ô tô ở Việt Nam đủ lớn để có thể đáp ứng được điều kiện thị trường cho một nền công nghiệp mạnh.

Các “anh hùng bàn phím” đưa ra lí luận này nọ. Rằng thì là ta không có gốc. Ta chẳng có cơ sở gì để làm ô tô. Thôi thì bỏ quách nó đi, nhập về cho nhàn.

Xe VinFast tại Triển lãm ô tô Paris

Các anh ấy chỉ “chém” thế, chứ đâu có biết, nếu chấp nhận bỏ ngành ô tô thì đến năm 2025, Việt Nam sẽ phải bỏ ra 12 tỉ USD nhập khẩu và năm 2030 là 21 tỉ USD. Nhập siêu ngày càng tăng, cán cân thanh toán bị mất cân đối và kinh tế vĩ mô rơi vào bất ổn là những vấn đề có thể nhìn thấy trước.

Vì cái lẽ đó, có một ông đứng ra chủ động đón đầu, cứu “bàn thua” ở phút 90 cho ngành công nghiệp ô tô Việt thì hà cớ gì mà chúng ta không đưa tay lên vỗ, thay vì đứng đó bĩu môi!?

Bởi Thế Đạt, 10:00, 11/10/2018

Nguồn Cartimes: http://cartimes.vn/bai-viet/vinfast-va-cai-thoi-do-ky-cua-nguoi-viet-1313.htm