Vĩnh biệt 'cánh chim báo tin vui'

Vậy là Cil Múp Ha K'riêng (dân tộc Cơ Ho), người bưu tá anh hùng với đôi chân huyền thoại, 'cánh chim báo tin vui' của buôn làng Nam Tây Nguyên đã không còn bay nữa. Ông đã về với Yàng, vĩnh viễn hóa thân vào núi rừng Langbiang nhưng chiến công của ông sẽ được các thế hệ hôm nay và mai sau mãi khắc ghi bằng tất cả niềm tự hào, biết ơn...

Trưa 6-4, anh Jê Ram, con rể của Cil Múp Ha K’riêng gọi điện thoại cho tôi báo tin, giọng nghẹn ngào: “Anh ơi, bố em mất sáng nay rồi…”.

Dẫu biết Cil Múp Ha K’riêng đau ốm nhiều năm nay và sinh-tử là quy luật của đời người mà sao tôi vẫn thấy lòng xót xa. Như ngôi sao sáng bỗng vụt tắt, như cây cổ thụ đổ xuống khiến cả một khoảng rừng trống vắng. Hình bóng và những ký ức về người anh hùng bỗng ùa về trong tâm trí, rung lên những cung bậc cảm xúc khâm phục, tự hào, nhớ thương.

Cil Múp Ha K’riêng sinh ngày 3-3-1957 tại xã Đạ Tông, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Tháng 12-1982, chàng trai Cil Múp Ha K’riêng được nhận vào công tác tại tổ vận chuyển thư báo thuộc Bưu điện huyện Lạc Dương. Tổ gồm 5 người, phụ trách 3 tuyến đường thư từ Lạc Dương đi Đạ Chais, Păng Tiêng, Đầm Ròn. Tất cả đều là những tuyến đường rừng núi vô cùng gian khổ, hiểm nguy, phải đi bộ. Tuyến ngắn nhất, dễ đi nhất là Lạc Dương-Păng Tiêng cũng phải mất 12 giờ đi bộ vừa đi và về. Còn tuyến dài nhất, hiểm nguy nhất là Lạc Dương-Đầm Ròn khoảng 70km đi tắt băng rừng, vượt suối, mất khoảng 1 ngày đêm đi và về. Còn nếu đi theo đường lớn thì độ dài khoảng 200km vì phải theo Quốc lộ 27, vòng qua huyện Lâm Hà, sang huyện Lắc thuộc tỉnh Đắk Lắk rồi men theo bờ sông K’rông Nô để vào khu vực Đầm Ròn.

Anh hùng Cil Múp Ha K’riêng tại Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ VI năm 2000. Ảnh chụp lại

Cil Múp Ha K’riêng kể rằng, để đi vào Đầm Ròn, ông thường lên đường vào lúc 5 giờ sáng, đến khoảng 5 giờ chiều thì tới nơi. Tuyến đường dài phải xuyên qua rừng nguyên sinh và hai dốc rất cao là dốc Đá và dốc Cổng Trời. Nhiều đoạn phải đu thân người vào cành, vào rễ cây mà vượt dốc. Mùa mưa nước suối dâng cao, chảy xiết, phải chạy lên núi chờ nước rút hoặc chặt cây rừng bắc qua suối làm cầu. Ruồi vàng, vắt, muỗi, vắt nhiều vô kể, luôn bám riết, hút máu người trên suốt đường đi.

Tuy nhiên, sự hiểm nguy của núi rừng, sông suối chẳng thấm vào đâu so với sự hiểm nguy từ chính con người bởi giai đoạn 1975-1985, vùng Đầm Ròn là “thủ phủ”, trung tâm đầu não của lực lượng phản động Fulro trên toàn khu vực Tây Nguyên. Năm 1978, Y Djao Nie, thủ tướng tự phong của “Chính phủ Fulro Đề-ga” bị đám thuộc hạ của y giết chết, Y Ghok Nie Krieng lên thay, ban lãnh đạo Fulro chuyển về khu vực Đầm Ròn, vùng đất này trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết. Khi bị lực lượng cách mạng tấn công, chúng trốn vào rừng, ngày đêm tổ chức phục kích, tấn công, khủng bố cán bộ, người dân, đặc biệt là trên những tuyến đường vào Đầm Ròn, vì vậy mỗi chuyến công tác của Cil Múp Ha K’riêng và các đồng nghiệp đều vô cùng hiểm nguy, căng thẳng.

Tháng 8-1980, hai đồng nghiệp trong tổ thư báo của Cil Múp Ha K’riêng là Liêng Jang Hà Hương và Ndu Hà Rang vận chuyển thư từ, công văn từ Lạc Dương vào Đầm Ròn, khi đang đi họ gặp xe của Trung tâm y tế huyện Lạc Dương và xin đi nhờ. Khi xe vào đến khu vực Cổng Trời thì bị lực lượng Fulro phục kích, 11 người thì 10 người hy sinh. Năm 1986, Cil Múp Ha K’riêng cùng với 1 đồng nghiệp khác tên là Hà Sú vận chuyển thư báo, công văn vào Đầm Ròn, đang đi bỗng một con gấu lao ra tấn công. Con gấu nặng cả tạ vồ lấy Hà Sú, hai tay Hà Sú có gắng giữ chặt miệng con gấu. Cil Múp Ha K’riêng tìm cây xà gạc nhưng không biết nó đã rơi tự bao giờ. Không còn cách nào, anh vừa la hét vừa lấy cục đá đập tới tấp vào đầu con gấu, vài phút sau con thú mới chịu thả Hà Sú ra và chạy vào rừng. Hai người bị gấu cào xước, toàn thân máu chảy ròng ròng, phải tìm lá cây rừng nhai rồi đắp lên vết thương cho cầm máu rồi dìu nhau trở về.

Ngày ấy, vào mùa mưa, mỗi bưu tá như Cil Múp Ha K’riêng thường được phát 2 tấm ni-lon, một cho người, một để bọc tài liệu nhưng vì đường đi phải luồn rừng, lội suối nên các tấm ni-lon rất mau hỏng. Vì thế, nhiều khi họ phải dùng cả 2 tấm ni-lon để bọc tài liệu vì người có bị ướt thì sẽ khô, còn công văn, tài liệu bị ướt thì sẽ chẳng thể nào cứu được. Để che mắt địch, Cil Múp Ha K’riêng và đồng nghiệp thường phải “đóng khố, vai trần” như người bản địa đi rừng, đồng thời chế tạo ra loại gùi 2 lớp, lớp phía dưới để công văn, thư từ, còn lớp trên để mấy thứ thiết yếu nhằm che mắt địch.

Thời gian làm bưu tá gian khổ, hiểm nguy không thể nào kể xiết. Trong số những đồng nghiệp của Cil Múp Ha K’riêng, có người không chịu nổi đã phải bỏ việc. Bản thân Cil Múp Ha K’riêng đôi lần căng thẳng quá cũng muốn bỏ về làm nương, làm rẫy, sống với vợ con nhưng khi nhớ tới những đồng nghiệp đã hy sinh, nhớ tới đồng bào vùng sâu, vùng xa phải sống cô lập, luôn đói ăn, thiếu chữ mà mỗi khi Cil Múp Ha K’riêng mang tới cho họ cái thư, cái tin thì họ mừng và quý lắm nên anh lại tiếp tục công việc thầm lặng của mình. Trong suốt 13 năm ròng rã đi bộ liên tục trên 3 tuyến đường thư, Cil Múp Ha K’riêng chẳng bỏ chuyến công tác nào, nhiều khi anh còn làm thay cho đồng nghiệp bị ốm đau hoặc thực hiện thêm nhiều chuyến công văn hỏa tốc khác. Quá trình thực hiện, Cil Múp Ha K’riêng luôn hoàn thành đúng thời gian, nhiệm vụ; bảo vệ an toàn tuyệt đối công văn, thư từ…

Nhiều người nhẩm tính, trong suốt quãng đời làm bưu tá, Cil Múp Ha K’riêng đã đi bộ “5 vòng trái đất”. Tại Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ VI năm 2000, anh vinh dự được trao tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”.

Năm 2009, Cil Múp Ha K’riêng nghỉ hưu, năm 2010 bị phát hiện có khối u trong não. Dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa, phẫu thuật nhưng khối u trong đầu của ông không mất hẳn mà ngày càng sưng lên khiến đầu thêm đau, mắt thêm mờ, chân tay không thể cử động, nhiều năm liền phải nằm một chỗ.

Bà Rơ Ông K’Hai, vợ của Cil Múp Ha K’riêng cho biết, những năm dài chiến đấu với bệnh tật, Cil Múp Ha K’riêng vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan, thường xuyên động viên vợ và con cháu đoàn kết, học tập, công tác tốt. Giờ đây, dẫu đã lìa xa trần thế nhưng chiến công và nghị lực kiên cường của người anh hùng Cil Múp Ha K’riêng mãi mãi rực sáng như ngôi sao như đỉnh núi, cổ vũ, soi đường cho cháu con và lũ làng dưới chân núi Langbiang tiếp bước về phía chân trời tươi sáng.

VŨ ĐÌNH ĐÔNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su-nhan-vat/vinh-biet-canh-chim-bao-tin-vui-656249