Vĩnh biệt cha đẻ của nền vaccine Việt Nam

Dù là khi còn trẻ hay những tháng ngày tuổi đã già, sức đã yếu, GS-Thầy thuốc nhân dân Hoàng Thủy Nguyên, nguyên Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, vẫn đau đáu với những vấn đề vaccine nước nhà.

Những ngày tháng 7-2018, ở cái tuổi xưa nay hiếm, công việc lẽ ra phải gác qua một bên, dành hết thời gian để nghỉ ngơi và cho gia đình nhưng khi nghe tin tức qua báo, đài về việc nhân dân đang cần vaccine phòng bệnh dại và đang có nhiều cản trở do nhập ngoại, GS Hoàng Thủy Nguyên vẫn luôn trăn trở.

“Khi đó thầy nói với tôi và các bạn học trò rằng các em ở đây, tuổi trẻ còn nhiệt huyết, hãy cùng nhau tích cực nghiên cứu để sớm sản xuất được vaccine này. Mới đó mà nay thầy đã đột ngột ra đi trong niềm tiếc thương vô hạn của nhiều người” - một học trò của GS Hoàng Thủy Nguyên tâm sự.

Lớn lên trong gia đình có truyền thống ngành y

GS Hoàng Thủy Nguyên sinh ngày 18-3-1929 tại Hà Nội trong một gia đình trí thức yêu nước, có nhiều người là trí thức ngành y đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp y tế và y học nước nhà. Ông là con trai trưởng của cố GS Hoàng Tích Trí, Bộ trưởng Bộ Y tế nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1946 đến 1958.

Thời niên thiếu ông được rèn luyện và trưởng thành trong kháng chiến lần thứ nhất. Năm 1947-1949, ông là sinh viên y khoa, tham gia công tác tại Văn phòng Bộ Y tế và Trường ĐH Y Dược khoa ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang.

Năm 1949-1954, sinh viên y khoa Hoàng Thủy Nguyên vừa học đại học vừa tham gia phục vụ bộ đội chiến đấu với nhiệm vụ quân y sĩ tại các đơn vị quân y tiền phương trong nhiều chiến dịch. Ông được giao nhiệm vụ phụ trách phòng thí nghiệm chống vi trùng ở chiến trường Điện Biên Phủ. Sau đó ông hoàn thành chương trình đại học rồi tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1954.

Năm 1955, với cương vị một bác sĩ, ông Hoàng Thủy Nguyên về công tác tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (VSDTTƯ). Trong các năm 1955-1958, ông là nghiên cứu sinh tại Đức và được cấp bằng tiến sĩ năm 1958, bằng tiến sĩ khoa học năm 1962. TS Hoàng Thủy Nguyên được Bộ Y tế bổ nhiệm làm viện trưởng Viện VSDTTƯ trong 20 năm (1974-1994).

GS Hoàng Thủy Nguyên là nhà khoa học tài năng, giáo sư đầu ngành y học dự phòng, là người đặt nền móng xây dựng và phát triển Viện VSDTTƯ thành trung tâm nghiên cứu y học dự phòng lớn nhất của cả nước.

S Hoàng Thủy Nguyên phát biểu trong một buổi hội thảo.

Uống thử 50 viên thuốc trước khi đưa vào sử dụng

Nhớ lại thời điểm bại liệt bùng phát trong những năm 1959-1960 tại các tỉnh phía Bắc với khoảng 17.000 cháu mắc bệnh và hơn 500 cháu tử vong. Mỗi năm có hàng chục ngàn trẻ em bị di chứng liệt suốt đời. Tỉ lệ mắc lên tới 126,44/100.000 dân.

Các giáo sư đầu ngành của Viện VSDTTƯ kể lại, nhờ sự quan tâm và can thiệp kịp thời của chính phủ Việt Nam và sự giúp đỡ về vaccine của chính phủ Liên Xô cũ, năm 1961 tỉ lệ mắc giảm còn 3,09/100.000 dân. Để phòng, chống bệnh bại liệt, Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch đã chỉ đạo Việt Nam phải nghiên cứu, sản xuất được vaccine phòng bệnh...

Dưới sự chỉ đạo của GS Hoàng Thủy Nguyên, viện đã sản xuất thành công vaccine sabin phòng bệnh bại liệt ở Việt Nam vào năm 1962. Nhờ có lượng vaccine sản xuất trong nước, bệnh bại liệt đã không bùng phát thành những vụ dịch lớn trong suốt thập niên 60 và 70 của thế kỷ 20, tỉ lệ mắc bại liệt dao động khoảng 3/100.000 dân và giảm rõ rệt khi chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) được triển khai.

Lúc đó ngành y tế chưa có trung tâm kiểm định vaccine, để chứng minh tính an toàn của việc sử dụng vaccine sabin, GS Nguyên đã cùng Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch mỗi người uống tới 50 liều thử nghiệm mà vẫn an toàn, sau đó mới đưa ra sử dụng.

Cùng với việc sản xuất vaccine, giáo sư đã trực tiếp chỉ đạo triển khai công tác TCMR để đạt mục tiêu thanh toán bệnh bại liệt.

Nhắc lại thời điểm trọng đại vào ngày 15-12-2000 tại Hà Nội, lễ công bố Việt Nam thanh toán bệnh bại liệt hoàn toàn bằng vaccine do Việt Nam tự sản xuất đã được tổ chức với sự công nhận của Ủy ban Quốc gia xác nhận thanh toán bệnh bại liệt và Tổ chức Y tế Thế giới.

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh nước Việt Nam ta được thế giới ca ngợi về chiến công vẻ vang này và biểu dương vai trò của GS-TSKH Hoàng Thủy Nguyên trong sự kiện trọng đại này.

Bộ trưởng Bộ Y tế, GS Đỗ Nguyên Phương, cũng ghi nhận: “GS Hoàng Thủy Nguyên đã đóng góp to lớn cho công tác y học dự phòng, đặc biệt là việc sản xuất thành công vaccine sabin phòng bại liệt, vaccine viêm não Nhật Bản B, vaccine viêm gan B. Và cũng chính với các công trình khoa học suốt bốn thập niên này mà GS Hoàng Thủy Nguyên được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật năm 2000, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới trong Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ VI”.

Với uy tín lớn của mình, giáo sư đã vận động thành công các tổ chức quốc tế tài trợ cho các chiến dịch y tế, đó là WHO, UNICEF, JICA, chính phủ các nước... Đây là nguồn lực vô cùng quan trọng giúp triển khai thành công các hoạt động thanh toán bệnh bại liệt trong điều kiện nước ta còn nghèo.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trao xác nhận thanh toán bại liệt cho GS Hoàng Thủy Nguyên năm 2000.

GS Hoàng Thủy Nguyên tham gia nghiên cứu sản xuất vaccine. Ảnh: tư liệu

Thành lập hệ thống vaccine trên cả nước

Với sự chỉ đạo của giáo sư, Việt Nam đã hình thành mạng lưới các cơ sở sản xuất vaccine trên khắp cả nước. Các vaccine này đã được cung ứng cho chương trình TCMR từ năm 1985 đến nay.

Trong mấy năm gần đây, GS Hoàng Thủy Nguyên đã tham gia tư vấn cho Bộ Y tế, cho viện về xây dựng đường lối giám sát nghiên cứu phòng, chống bệnh cúm gia cầm và các bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện và tái xuất hiện, trong nghiên cứu vaccine cúm H5N1, H1N1 và vaccine dại trên tế bào.

Là viện trưởng, giáo sư luôn luôn xây dựng được khối đoàn kết nhất trí trong ban lãnh đạo, trong đảng bộ và trong cơ quan. Giáo sư luôn chăm lo đời sống cho cán bộ, công nhân, viên chức của viện. GS Đặng Đức Trạch, nguyên Phó Viện trưởng, nguyên Chủ tịch Tổng hội Y Dược học Việt Nam, người bạn đồng hành đặc biệt của GS Nguyên, đã từng nói: “Cùng hoạt động chuyên môn, quản lý với nhau suốt 40 năm qua, điều đặc biệt nhất ở GS Nguyên mà tôi cảm nhận được đó là tầm nhìn xa và chính xác. Những bước phát triển, những thành công lớn lao của Viện VSDTTƯ trong hơn 40 năm qua chứng minh những hoạch định của GS Nguyên là đúng đắn”.

Những năm tuổi già nhưng trí tuệ sáng suốt của ông vẫn nguyên vẹn, ông vẫn tiếp tục những công việc cả cuộc đời mình đã gắn bó. Giáo sư tiếp tục đảm nhận các nhiệm vụ tư vấn chiến lược phát triển cho Viện VSDTTƯ, là chuyên viên cao cấp bậc 3 của ngành.

Giáo sư sống giản dị, luôn gần gũi, tôn trọng, giúp đỡ, bao dung, luôn tạo điều kiện cho đồng nghiệp và cấp dưới hoàn thành công việc được giao, được nhiều đồng nghiệp và các thế hệ học trò biết ơn với nhiều tình cảm, quý mến, kính trọng.

Sau hai năm làm thí điểm những ngày tiêm chủng bổ sung tại Hà Nội và TP.HCM, ông đã chỉ đạo hệ thống y tế dự phòng trên cả nước tổ chức chiến dịch Những ngày tiêm chủng toàn quốc (NIDs) cho trẻ em dưới năm tuổi trong cả nước uống hai liều vaccine bại liệt từ năm 1993.

Các chiến dịch này đã được triển khai bền bỉ trong suốt tám năm liên tục, đã góp phần quan trọng để Việt Nam đạt được mục tiêu thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000 trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn và nhiều quốc gia khác chưa đạt được mục tiêu quan trọng này.

GS Hoàng Thủy Nguyên thọ 90 tuổi nhưng ông có thâm niên làm việc liên tục hơn 70 năm, ông là một đảng viên ưu tú với hơn 50 năm tuổi Đảng. Giáo sư đã được Nhà nước bổ nhiệm đảm đương nhiều chức vụ quan trọng trong nhiều thời kỳ: Viện trưởng Viện VSDTTƯ, phó bí thư Đảng ủy viện, chủ tịch Hội đồng chính sách KH&CN Quốc gia, chủ tịch Hội đồng KH&CN - Bộ Y tế, chủ tịch Hội Vi sinh vật học Việt Nam, chủ tịch Hội Y học dự phòng Việt Nam…

__________________________________

GS Hoàng Thủy Nguyên, nguyên Viện trưởng Viện VSDTTƯ, đã từ trần vào hồi 11 giờ 40 ngày 20-7-2018 (tức ngày 8-6 năm Mậu Tuất).

Lễ viếng được tổ chức từ 7 giờ 30 ngày 23-7 (tức ngày 11-6 năm Mậu Tuất) tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Hỏa táng tại đài hóa thân hoàn vũ cùng ngày và an táng tại nghĩa trang quê nhà phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

HÀ PHƯỢNG

Nguồn PLO: http://plo.vn/van-hoa/ho-so-phong-su/vinh-biet-cha-de-cua-nen-vaccine-viet-nam-783843.html