Vĩnh biệt GS Hoàng Thủy Nguyên

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Hoàng Thủy Nguyên, Chủ tịch danh dự Hội Vi sinh vật học Việt Nam, nguyên Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ, mới về cõi vĩnh hằng, để lại muôn vàn tình thương với các tất cả chúng ta, nhất là với hàng triệu trẻ em đã tránh được các căn bệnh hiểm nghèo như bại liệt, viêm não Nhật Bản, viêm gan B …

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong một lần thăm GS Hoàng Thủy Nguyên.

Ông sinh năm 1929 tại xã Đông Ngạc, Từ Liêm Hà Nội trong một gia đình trí thức cách mạng. Thân sinh của ông là Giáo sư Hoàng Tích Trí nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp ông phục vụ trong các trạm quân y tại nhiều chiến trường , kể cả trong chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Sau ngày hòa bình lập lại, cùng người bạn chiến đấu là cố giáo sư Đặng Đức Trạch, hai ông cùng nhau về xây dựng Viện Vệ sinh dịch tễ mà tiền thân là Viện Pasteur Hà Nội. Năm 1956 cả hai ông được Chính phủ cử sang tu nghiệp tại Cộng hòa Dân chủ Đức. Chỉ sau có hai năm mà cả hai ông đã nhận bằng Tiến sĩ và 4 năm sau nhận bằng Tiến sĩ khoa học.

Năm 1959 ông được giao phụ trách Phòng Siêu vi trùng tại Viện Vệ sinh dịch tễ. Năm 1965 ông làm Phó Viện trưởng rồi làm Viện trưởng từ năm 1974 cho đến khi về hưu ở tuổi 65 vào năm 1994.

Ông được phong hàm Giáo sư chuyên ngành Virut học vào năm 1980. Ngoài công tác chuyên môn ông còn đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Khoa học Bộ Y tế, Ủy viên Hội đồng xét duyệt Học vị và chức danh khoa học Nhà nước, tiếp đến là Hội đồng Học hàm nhà nước.

Từ năm 1997 đến 2002, ông đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Nhà nước. Ông còn là thành viên của Tổ chức Dich tễ học thế giới, Tổ chức nghiên cứu tế bào thuộc UNESCO của Liên Hiệp Quốc.

Cuộc đời của ông (cùng cố giáo sư Đặng Đức Trạch) gắn liền với các công trình nghiên cứu, sản xuất và đào tạo các lớp kế cận về sản xuất vắc xin để sử dụng rộng tãi trong cả nước. Trong các năm 1957-1959 ở miền Bắc nước ta bệnh bại liệt bùng phát thành dịch lớn. Tỷ lệ tử vong của bệnh nhân lến đến 13%. Trong điều kiện vật chất lúc ấy còn khá thô sơ nhưng ông và các đồng nghiệp đã phân lập được virut cúm và virut bại liệt, bước đầu xây dựng ngành Virut học ở nước ta.

Ông được Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch cử sang Liên Xô tiếp nhận việc chuyển giao công nghệ sản xuất vắcxin Sabin phòng bệnh bại liệt. Ông được nhận trực tiếp ba chủng virut không độc lực từ tay người phát minh ra vắcxin nay- Tiến sĩ Albert Sabin. Vì vắcxin này chỉ có thể sản xuất bằng cách nhân virut trên thận của loài Khỉ vàng (Macaca mutala) cho nên ông đã mau chóng tổ chức việc thành lập khu nuôi Khỉ vàng tại đảo Rều giữa vịnh Bái Tử Long. Để tiếp sức cho ông, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cấp riêng cho ông 2000 bảng Anh.

Ông đã dùng số tiền này để mua dụng cụ, hóa chất từ Hồng Kông và mua một máy đông khô của Tây Đức. Một thành công ngoài sức tưởng tượng, năm 1962 ông và các cộng sự đã sản xuất được 2 triệu liều vắcxin chống bại liệt. Để khắc phục mọi nghi ngờ về độ an toàn, chính ông và Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch đã uống vắcxin này và sau đó triển khai việc sử dụng cho trẻ em trong toàn miền Bắc, giúp bảo vệ cho hàng triệu trẻ em thoát khoải các di chứng nặng nề của bệnh bại liệt.

Năm 2000 Tổ chức Y tế thế giới WHO chính thức tuyên bố Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt. Đội ngũ các nhà virut học được ông đào tạo ngày một trưởng thành và liên tiếp gặt hái các thành công mới. Đó là việc sản xuất thành công vắcxin phòng bệnh Viêm não Nhật Bản và vắc xin phòng bệnh Viêm gan B.

Từ tháng 4/2004 ông cùng các đồng nghiệp nghiên cứu thành công vắcxin phòng virut cúm H5N1 để tiêm phòng cho người và cho gia cầm. Sau khi bị xuất huyết não ông phải ngồi xe lăn nhưng hàng ngày ông vẫn đến Viện để trăn trở nghiên cứu về một bệnh tối nguy hiểm, đó là bệnh SARS.

Đối với riêng tôi ông là người anh, người Thầy vô cùng kính mến. Là người sớm bước vào lĩnh vực Vi sinh vật học và giảng dạy ở Đại học Tổng hợp từ khóa I (1957), ông thường xuyên động viên và dìu dắt tôi.

Chính ông và cố giáo sư Đặng Đức Trạch đã chấm luận án Phó Tiến sĩ (sau là Tiến sĩ) cho tôi, một luận án tự làm không có người hướng dẫn. Ông còn viết lời giới thiệu cho bộ sách giáo khoa về Vi sinh vật học do tôi làm chủ biên.

Các sinh viên chuyên khoa Vi sinh vật học của tôi khá nhiều em được đầu quân vào Viện của ông và trở thành các nhà nghiên cứu được đánh giá cao. Có em đã trở thành Viện trưởng các Viện nghiên cứu vắc xin ở Nha Trang, Đà Lạt.

Tất cả chúng tôi đều tôn vinh ông là người đầu đàn trong lĩnh vực Vi sinh vật học. Chúng tôi tôn vinh ông là Chủ tịch Hội Vi sinh vật học Việt Nam và khi ông lâm bệnh nặng chúng tôi vẫn suy tôn ông làm Chủ tịch danh dự của Hội.

Với những cống hiến lớn lao của ông cho đất nước, Đảng và Nhà nước đã dành cho ông những phần thưởng vô cùng cao quý: Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Bảo vệ an ninh tổ quốc, danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, danh hiệu Anh hùng Lao động và giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Y-Dược.

Ông đã đi trọn một đời người với tấm lòng yêu nước nồng nàn, hết lòng phấn đấu vì sự nghiệp bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, nhiệt tình đào tạo thế hệ trẻ và nêu cao một tấm gương đạo đức trong sáng để cho các thế hệ chúng tôi noi theo.
Vô cùng thương tiếc giáo sư Hoàng Thủy Nguyên, chúng tôi chỉ cầu xin ông an nghỉ chốn vĩnh hằng. Những thành tựu của ông chúng tôi và các học trò của chúng tôi xin nối tiếp, tất cả vì một nền khoa học nước nhà và vì hạnh phúc của nhân dân.

GS Nguyễn Lân Dũng
Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/suc-khoe/vinh-biet-gs-hoang-thuy-nguyen-tintuc410661