Vĩnh biệt nhà văn Nam Hà: Một người lính đã ra đi...

Như là định mệnh, người lính ấy - nhà văn Nam Hà - đã không thể trụ vững và đã ra đi vào ngày 19-5 vừa qua, hưởng thọ 86 tuổi.

Mới chỉ cách đây chưa lâu, tôi tới gặp nhà văn Nam Hà để hỏi ông về những kỷ niệm ngày đất nước thống nhất 30-4. Sau nhiều lần tai biến, sức khỏe ông yếu đi nhiều nhưng trí nhớ của ông vẫn còn minh mẫn. Dường như trong ký ức, ông chưa quên điều gì thuộc về quá khứ, về những kỷ niệm của thời ra trận oanh liệt và hào hùng của một người lính. Nhưng rồi, như là định mệnh, người lính ấy đã không thể trụ vững và đã ra đi vào ngày 19-5 vừa qua, hưởng thọ 86 tuổi.

Nhà văn Nam Hà, tên thật là Nguyễn Anh Công, sinh năm 1933 ở xã Bắc Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An. Ông có một tuổi thơ buồn khổ. Mồ côi cha khi vừa lên chín tuổi, ông vừa đi học, vừa làm ruộng giúp mẹ nuôi 2 em nhỏ. Theo lời kể của nhà thơ Vương Trọng, một người bạn văn đồng hương và cùng làm việc nhiều năm tại tạp chí Văn nghệ Quân đội, một buổi sớm mùa hè năm 1964, nhà văn Nam Hà đang tập thể dục cạnh gốc đại ở số 4 Lý Nam Đế thì nhà thơ Vũ Cao đạp xe đến bảo: "Vào chỗ mình có tý việc". "Tí việc" đó là câu hỏi "Nam Hà đi B được không?".

Nhà văn Nam Hà thời trẻ.

Nhà văn Nam Hà tự nghĩ mình là người trẻ nhất cơ quan, chẳng có lý do gì để thoái thác nên chỉ vài phút suy nghĩ là nhận nhiệm vụ. Việc phải biền biệt xa mẹ là điều nghĩ đến trước tiên, nhưng rồi tự an ủi: mình để lại lương, hằng tháng hoặc hằng quý có người chuyển về cho mẹ là yên tâm rồi, còn chuyện xa cách thì mẹ đã quen chịu khi con là bộ đội. Cái khó nhất phải giải quyết là chuyện tình yêu.

Khi ấy anh và Lộc, cô gái đồng hương đang học trường Thương nghiệp, yêu nhau đã mấy năm. Bây giờ quyết định thế nào đây? Đi B là đi dài hạn, không biết ngày trở lại, để cô ấy phải chờ đợi đến bao giờ? Sau một ngày suy nghĩ, anh đã tìm đến ký túc xá trường Thương nghiệp, nói rõ hoàn cảnh và ý nghĩ của mình, khuyên cô đừng chờ đợi... Cô Lộc không nói gì, chỉ biết nhìn anh mà khóc... Ông được cử làm chính trị viên một đoàn 32 người đi B bổ sung cho chiến trường khu 6.

5 giờ sáng ngày 25-5-1964, từ khu văn công Mai Dịch, ô tô đưa đoàn từ biệt Hà Nội bằng cách đi một vòng quanh hồ Hoàn Kiếm, trước khi đi thẳng vào Vĩnh Linh. Dạo đó chưa có chiến tranh phá hoại miền Bắc nên từ Hà Nội vào giới tuyến được đi bằng ô tô. Từ Bến Hải vào đến Bình Long, đoàn phải đi bộ mất đúng một trăm ngày. Mang nặng, ăn đói, mùa mưa ướt át tăng võng áo quần, đến nơi tập kết cuối cùng ở Đồng Nai Thượng, vừa đọc xong câu ca "Làm trai cho đáng nên trai/ Phú Xuân đã trải, Đồng Nai cũng từng" thì sốt rét quật ông quỵ xuống.

Nhà văn Nam Hà gặp nhân vật tại miền Đông Nam Bộ.

Khu 6 là đất miền Đông "gian lao mà anh dũng" thời kháng chiến chống Pháp, thời chống Mỹ càng gian lao gấp bội. Cán bộ, bộ đội phải tự túc lương thực bằng cách phát rẫy trồng sắn. Nam Hà là người nổi tiếng làm rẫy giỏi của cơ quan, từ việc chọn rừng, đến chuyện phát, đốt cây và trồng trỉa. Có lúc 6 tháng liền không có lấy một hạt cơm, không có muối phải đốt cỏ gianh lấy tro, hoặc lá đu đủ giã nhỏ với ớt, để "đánh lừa cái lưỡi".

Thiếu đói triền miên, toàn trai tráng mà có khi bước đi mỏi long đầu gối, không co chân nổi mà leo dốc. Có những lần máy bay Mỹ rải chất phát quang xuống đúng khu vực đơn vị đang phát rẫy, chẳng biết chạy đi đâu, bèn ngồi xuống tại chỗ, căng tấm ni lông lên che, chất độc chảy nhỏ giọt bốn phía như nước mưa. Cả rẫy sắn nhiễm độc lá trụi, củ đen, đắng không thể ăn được. Sau này ông viết tập truyện "Mùa rẫy" như là ký ức của miền gian khổ ấy...

Đối với thế hệ nhà văn ở tạp chí Văn nghệ Quân đội, Nam Hà là một nhà văn của công việc. Ngoài việc ngồi bên bàn sáng tác một cách bền bỉ, ông có mặt đầy đủ trong các buổi họp nhưng không xuất hiện ở những cuộc chơi. Một số nhà văn bảo rằng đi dự trại sáng tác thì giao lưu là quan trọng nhất nên thời gian ngồi quanh bàn trà nhiều hơn bên bàn viết. Nam Hà thì không thế. Ông chỉ gặp các trại viên khác trong bữa ăn, ăn xong, lẳng lặng trở về phòng mình đóng cửa, viết. Với cách làm việc như thế, có lần 2 tháng dự trại, ông hoàn thành tiểu thuyết dày hơn 300 trang.

Đại tá, nhà văn Nam Hà.

Trong thời gian làm Chủ tịch Chi hội Nhà văn Quân đội, ông đã làm một việc được dư luận đánh giá rất cao, đó là xuất bản Tổng tập Nhà văn quân đội, gồm 5 tập, dày 5.000 trang in, tổng hợp các tác phẩm của 303 nhà văn đã và đang mặc áo lính. Nhà thơ Lê Thành Nghị, nguyên Phó Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội chia sẻ rằng, nhà văn Nam Hà là một người đầy nhân ái và tốt bụng. Cũng lại một đoạn ký ức thời kỳ trong chiến trường Khu 6 gian khổ của ông. Tháng 6 bỏng rát cát nóng ở Bình Thuận, không có nước và không có tiếp tế, ông phải lấy con kỳ nhông nướng ăn.

Nhiều tháng liền không có nước tắm. Có lẽ chính vì sống trong môi trường khắc nghiệt như thế nên ông là một người kiên cường, trung thực. Đối với anh em bạn bè, ông đầy sự ân tình, độ lượng, tình cảm. Sau 10 năm trong chiến trường, ông trở ra Bắc lấy vợ là cô Phương, kém ông 15 tuổi. Điều này cũng là một sự may mắn và như là sự bù đắp cho những gian khổ, hy sinh của môt người lính như ông.

Cô Phương là cháu nhà văn Nguyễn Trọng Oánh - một người cùng đi B với nhà văn Nam Hà. Năm 1974, quân đội có chủ trương những ai đã đi B 10 năm thì được ra Bắc. Nam Hà đúng tiêu chuẩn ấy. Thấy nhà văn Nguyễn Trọng Oánh gầy yếu, Nam Hà có ý định nhường suất ra Bắc của mình, khi đó ông Oánh chỉ mới được 8 năm. Ông Oánh không chịu, bảo Nam Hà "ra Bắc còn lo chuyện vợ con, đã trên 40 tuổi rồi còn gì".

Khi về Hà Nội, nhà văn Nam Hà có nhiệm vụ chuyển một loạt thư từ cho bạn bè, nên tìm đến cô Phương, cháu ruột của nhà văn Nguyễn Trọng Oánh đang học năm cuối Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Tình yêu nảy nở, nhà văn đi B đã cưới cô giáo ngoại ngữ vào ngày 10-5-1975, đúng 10 ngày sau ngày đất nước thống nhất.

Nhà văn Nam Hà và vợ, cô giáo Nguyễn Thị Phương.

Nhà thơ Vương Trọng kể lại: Một buổi trưa tháng 3 năm 1976, biết vợ đã sinh con ở nhà hộ sinh Hàng Bún, Nam Hà nhớ lại nhiều người bạn ở chiến trường như mình, khi trở về lấy vợ sinh con dị tật, nên giữa trưa, nhà hộ sinh đóng cửa, anh leo qua rào sắt, lẻn vào nơi vợ nằm, cố nhìn được chân tay, mặt mũi của con, thấy bình thường, vội leo rào về nhà để mau báo cho hai bên nội ngoại. Khi viết thư, anh mới nhớ ra rằng, vì quá mừng, mình đã vội chạy ra, chưa biết được con trai hay gái, liền chạy đến leo rào một lần nữa, nhưng lần này bảo vệ đuổi, nên tận cuối chiều mới biết được là con trai!

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, một người cũng đã có nhiều năm gần gũi với nhà văn Nam Hà nói trong tiếc nuối: Nhà văn Nam Hà là một người từng trải, nghiêm ngắn, điềm tĩnh, tốt bụng và thân tình với anh em bạn bè. Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu trước khi làm việc cùng nhà văn Nam Hà tại tạp chí Văn nghệ Quân đội đã từng gặp nhà văn Nam Hà một tuần trong chiến trường Đông Nam Bộ.

Anh em đã nói chuyện về nghề nghiệp, văn chương thâu đêm suốt sáng. Khác với nhiều nhà văn khác thường lơ mơ về kiến thức quân sự, nhà văn Nam Hà nắm rất chắc chiến lược, chiến thuật, có khi nằm trong ban chỉ huy chống càn, từng đóng góp với người chỉ huy chiến dịch những ý kiến xác đáng.

Có những trận đánh thất bại hoặc không đạt yêu cầu thắng lợi, ông cũng chỉ ra được những nguyên nhân chính, nên được cán bộ quân sự nể trọng. Cũng vì đặc điểm ấy mà sau ngày hòa bình, cấp trên đã điều ông về công tác tại Ban Ký sự, nhưng chỉ được một thời gian ngắn, ông trở lại Ban Sáng tác của tạp chí Văn nghệ Quân đội, vì nhận thấy rằng, sáng tác văn học hợp với sở trường của mình hơn. Những kiến thức quân sự ấy giúp ông khá nhiều khi viết bộ ba tiểu thuyết "Đất miền Đông"; "Trong vùng tam giác sắt" và "Ngày rất dài" được trao giải thưởng của Bộ Quốc phòng...

Nhà văn Nam Hà cũng là người đau đáu với làng quê. Trong ký ức ông, quê hương xứ Nghệ là một miền đất đầy thương khó và đậm tình. Đặc biệt là hình ảnh người mẹ luôn trong tâm trí ông.

Trong thời gian ông đi bộ đội, ngoài những trang văn, ông có một bài thơ ghi dấu ấn thế hệ, đó là bài thơ "Chúng con chiến đấu cho người sống mãi, Việt Nam ơi!", đã có những câu thơ đậm tình mẹ và nỗi nhớ làng quê da diết: "Đất nước/ Của những dòng sông/ Gọi tên nghe mát rượi tâm hồn/ Ngọt lịm, những giọng hò xứ sở/ Trong sáng như trời xanh, mượt mà như nhung lụa/ Đất nước/ Của những người mẹ/ Mặc áo thay vai/ Hạt lúa củ khoai/ Bền bỉ nuôi chồng, nuôi con chiến đấu/ Đất nước/ Của những người con gái, con trai/ Đẹp như hoa hồng, cứng như sắt thép/ Xa nhau không hề rơi nước mắt/ Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt...".

Nhà thơ Nam Hà từng đi xe, đi bộ ngược đường Trường Sơn mang ba lô về làng. Người làng reo lên khi nhận ra ông rồi gọi to: “Anh Công về rồi bà ơi!”. Mẹ ông bước qua bậu cửa ôm chầm lấy đứa con trên thềm khi ông chưa kịp đặt ba lô: "Con còn về được với mẹ hả Công?". Hai mẹ con cứ đứng ôm nhau mà khóc trong sự chứng kiến của người làng nghe tin ông về tìm đến. Mười năm xa, mái đầu mẹ ông bạc trắng, nước mắt thấm vào vào áo ông, và đúng là "Nước mắt ngày gặp mặt là thế này đây!”.

Nhập ngũ từ năm 17 tuổi, gần sáu chục năm, ông chỉ gặp quê nhà trong các đợt nghỉ phép ngắn ngủi, trong đó có mười năm biền biệt xa, chỉ gặp trong chiêm bao. Thật may mắn, những năm còn khỏe mạnh, ông đã kịp trở về quê làm lại nhà thờ, ở lại quê hương viết nốt cuốn sách cuối cùng trong đời "Thời hậu chiến" và cho ra mắt bạn đọc. Rồi sau đó, ông lại trở ra Hà Nội, ngã bệnh, chịu mấy trận tai biến rồi yếu dần cho đến hôm rồi...

Trái tim ông ngừng đập trong sự tiếc nuối và đớn đau của người vợ hiền và các con cháu. Con gái ông đã viết những lời thương tiếc ba: "Thời khắc con luôn lo sợ đã đến, ba đã rời khỏi cõi này rồi. Mặc dù nhiều lúc con còn ích kỷ, muốn níu ba ở lại với con thêm, dù chỉ vài giờ, vài ngày, nhưng con rất hiểu ba muốn nghỉ ngơi và giải thoát. Suốt cả buổi chiều đến tối nay, con đã luyên thuyên với ba những kỉ niệm, câu chuyện từ hồi con còn bé tí, hồi ba vẫn gọi con với những cái tên thân thương như con Síc, con Sumpu của ba. Con đã nói lại với ba về kết quả học tập của các cháu, đều chăm ngoan học giỏi. Con đã bật cho ba nghe những bài hát mà ba yêu thích. Con đã nói với ba về mẹ, rằng ba hãy yên tâm đừng vướng bận lo nghĩ gì, hãy thảnh thơi và thanh thản. Chúng con mãi yêu và nhớ ba".

Và chắc chắn, không chỉ đối với những người con trong gia đình ông, mà với đồng đội, với độc giả, nhà văn Nam Hà với những tác phẩm của ông mãi mãi còn trong ký ức...

Trần Hoàng Thiên Kim

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/nha-van-nam-ha-mot-nguoi-linh-da-ra-di-492404/