Vĩnh biệt ông John McCain

Sau hơn 1 năm chống chọi với ung thư, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain đã qua đời ở tuổi 81 hôm 25-8 (giờ Mỹ). Ông là tượng đài lớn của chính trường Mỹ, người luôn giữ một tiếng nói độc lập, và được ca ngợi bởi những nỗ lực để thúc đẩy bình thường hóa hậu chiến.

Sau hơn 1 năm chống chọi với ung thư, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain đã qua đời ở tuổi 81 hôm 25-8 (giờ Mỹ). Ông là tượng đài lớn của chính trường Mỹ, người luôn giữ một tiếng nói độc lập, và được ca ngợi bởi những nỗ lực để thúc đẩy bình thường hóa hậu chiến.

Thông báo từ văn phòng của Thượng nghị sĩ John McCain cho biết: "Thượng nghị sĩ John Sidney McCain III qua đời vào lúc 16 giờ 28 ngày 25-8 (3 giờ ngày 26-8, giờ Việt Nam) bên cạnh người vợ Cindy và gia đình của họ". "Cho đến lúc qua đời, ông đã phụng sự trung thành nước Mỹ trong 60 năm", thông báo cho biết.

Ông John McCain phát biểu sau khi được tặng thưởng Huân chương Tự do hồi năm 2017. Ảnh: Reuters

Kiên cường chống chọi bệnh tật

Hôm 24-8, gia đình của Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain cho biết, ông quyết định ngưng tiếp nhận điều trị sau hơn 1 năm kiên cường chống chọi với căn bệnh ung thư não ác tính.

Tháng 7-2017, ông bị chẩn đoán mắc căn bệnh ung thư não sau khi các bác sĩ phát hiện ông có một khối u nguyên bào thần kinh đệm trong lần đến bệnh viện để lấy một cục máu tụ ra khỏi mắt. Đây là một trong những loại u ác tính phát triển rất nhanh và phổ biến với người lớn tuổi. Trong quá trình điều trị căn bệnh ung thư não, tháng 5 vừa qua, ông McCain còn phải nhập viện để chữa trị bệnh nhiễm trùng đường ruột. Trong một đoạn phỏng vấn được phát sóng trên đài NPR cũng trong tháng 5, ông McCain đã nói rằng: "Tôi không biết mình còn sống được bao lâu nữa".

Theo lời của gia đình ông McCain, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã kiên cường chống chọi đến cùng với căn bệnh ung thư quái ác. Sức khỏe ông McCain suy sụp rất nhanh chỉ trong tuần vừa qua. Một nhóm bạn còn định tới thăm ông vào ngày 29-8 tới để kỷ niệm sinh nhật thứ 82 của McCain. Tuy vậy, chỉ một tuần trước kỷ niệm này, họ được thông báo ông McCain sẽ không thể trụ lâu tới vậy.

Đây không phải là lần đầu tiên ông McCain đối mặt với ung thư. Trước đó, bác sĩ cũng đã từng phẫu thuật loại các mảng u tế bào hắc tố loại nhẹ trên da của ông hồi những năm 1990 và 2000.

Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam mở sổ chia buồn với Thượng nghị sĩ John McCain từ 27 đến 29-8

Chiều 26-8, thông tin từ Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam cho biết:

Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam bày tỏ lòng tiếc thương trước việc Thượng nghị sĩ John McCain qua đời. Đại sứ quán Mỹ sẽ mở sổ chia buồn trong các ngày 27 đến 29-8, từ 10 giờ sáng tới 5 giờ chiều tại Tòa nhà Vườn Hồng, số 170 Ngọc Khánh, chào đón tất cả những người muốn chia sẻ với gia đình McCain.

Để tôn vinh những đóng góp của Thượng nghị sĩ McCain và cựu đồng nghiệp của ông tại Thượng viện Mỹ, cũng là cộng sự lâu năm của ông trong các vấn đề về Mỹ - Việt Nam, là ông John Kerry, Phái đoàn Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam sẽ khởi động Chương trình McCain/Kerry. Mỗi năm một lãnh đạo trẻ của Việt Nam có cam kết với dịch vụ công sẽ thực hiện một chuyến tham quan học tập tới Mỹ, qua đó làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai dân tộc, thúc đẩy di sản tích cực của Thượng nghị sĩ McCain.

TTXVN

Chính trị gia lớn

Sinh năm 1936 trong gia đình danh giá với cả cha và ông nội đều là đô đốc hải quân 4 sao, ông McCain mang tên tuổi nổi tiếng của gia đình tới cả chiến trận cũng như các cuộc đấu chính trị trong suốt hơn nửa thế kỷ.

Tuổi ấu thơ của McCain gắn với những lần di chuyển của cha từ căn cứ quân sự này tới căn cứ quân sự khác. Được hưởng một nền giáo dục toàn diện và chịu ảnh hưởng sâu sắc của gia đình có truyền thống binh nghiệp, đã hình thành nên một McCain đầy cá tính, ưa mạo hiểm. Năm 1958, ông tốt nghiệp Học viện Hải quân Mỹ và sau đó 2 năm tốt nghiệp khóa đào tạo phi công, trở thành một phi công hải quân lái máy bay cường kích, chính thức phục vụ trên Hàng không mẫu hạm Forrestal.

Sau khi giải nghệ khỏi Hải quân, ông thắng cử hai nhiệm kỳ Hạ viện, từ 1983-1987, và 6 nhiệm kỳ ở Thượng viện Mỹ. Có thể nói, trong cuộc đời hoạt động chính trị, ông McCain đóng góp không mệt mỏi trong Quốc hội Mỹ. Ông đại diện cho bang Arizona tại Thượng viện và Hạ viện Mỹ trong vòng 35 năm qua. Ông cũng 2 lần ra tranh cử chạy đua vào Nhà Trắng vào các năm 2000 và 2008 nhưng cả hai lần đều thất bại. Năm 2000, ông để thua ông George W. Bush trong cuộc đua sơ bộ phe Cộng hòa. Năm 2008, ông trở thành ứng viên tổng thống đại diện cho đảng Cộng hòa nhưng sau đó thất bại trước ông Barack Obama. Ngoài ra, ông cũng từng giữ chức Chủ tịch Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ.

Là nghị sĩ của phe Cộng hòa nhưng trong cả sự nghiệp chính trị, ông McCain đã nhiều lần thể hiện những quan điểm trung lập, sẵn sàng đưa ra những quyết định khác với quan điểm của lãnh đạo đảng Cộng hòa khi thấy cần. Trong lần bỏ phiếu xóa bỏ đạo luật y tế Obamacare của chính phe Cộng hòa hồi tháng 7-2017, ông McCain đã bỏ phiếu chống lại dự luật của Tổng thống Donald Trump mà sẽ bãi bỏ Obamacare và tăng phí bảo hiểm với hàng triệu người Mỹ. Ông trở thành kẻ phản bội đối với phe Cộng hòa nhưng lại là cứu tinh với hàng triệu người cần bảo hiểm y tế ở Mỹ.

Với vai trò Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, ông McCain thường xuyên chỉ trích ông Trump. "Nịnh nọt thì sẽ được tình bạn của ông ta, chỉ trích thì thành kẻ thù", ông McCain viết như vậy về Trump trong cuốn hồi ký "The Restless Wave" của mình. Hồi tháng 7, ông McCain lên án kịch liệt hội nghị thượng đỉnh Helsinki giữa ông Trump và Tổng thống Nga Putin, cho rằng, cuộc họp báo sau đó là "một trong những màn thể hiện nhục nhã nhất của một tổng thống Mỹ".

Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Barack Obama (phải) và ứng viên đảng Cộng hòa John McCain, trong cuộc tranh luận trên truyền hình hồi năm 2008. Ảnh: AP

Bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ

Bên cạnh cựu Ngoại trưởng John Kerry, Thượng Nghị sĩ John McCain cũng là nhân vật đã có nhiều đóng góp tích cực giúp Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam sau chiến tranh.

Ông McCain tích cực tham gia chính trường, trở thành một trong những người đi đầu vận động bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Thượng nghị sĩ McCain từng nói ông luôn có tình cảm sâu sắc đối với Việt Nam và sẽ đóng góp làm sâu sắc mối quan hệ song phương ấy. Cũng nhờ những nỗ lực và sự vận động hết mình của ông McCain, cùng với sự ủng hộ của Thượng nghị sĩ John Kerry, kết quả là năm 1994, Thượng viện Mỹ thông qua giải pháp do ông Kerry và ông McCain bảo trợ, kêu gọi chấm dứt cấm vận kinh tế chống Việt Nam, dọn đường cho việc bình thường hóa quan hệ hai nước một năm sau đó.

"Nếu không có sự ủng hộ mạnh mẽ của ông McCain và ông Kerry cho bình thường hóa, tiến trình đó sẽ còn bị trì hoãn nhiều năm nữa khi sự chống đối ở Quốc hội lúc đó vẫn rất mạnh", ông Desaix Anderson, Đại biện lâm thời đầu tiên của Mỹ tại Việt Nam sau chiến tranh, nhận xét.

AN BÌNH

* Tổng thống Donald Trump, người thường xuyên có những chỉ trích công khai với ông McCain, cũng viết trên Twitter: "Tôi gửi sự cảm thông và kính trọng sâu sắc nhất tới gia đình Thượng nghị sĩ John McCain".

Cựu Tổng thống George W. Bush bày tỏ niềm thương tiếc đối với sự ra đi của ông McCain: "Có những cuộc đời sống động đến nỗi ta thật khó tưởng tượng sẽ có ngày chúng phải chấm dứt. Có những giọng nói thật sôi nổi, khiến ta thật khó tưởng tượng có ngày sẽ không còn được nghe chúng nữa. John McCain là con người sâu sắc và vô cùng yêu nước. Ông ấy đã hết lòng phụng sự đất nước, và là người bạn tôi sẽ nhớ mãi mãi". Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis ca ngợi ông McCain là người "luôn đặt phụng sự đất nước lên trên bản thân" và "đại diện cho điều ông tin tưởng rằng, một mục tiêu chung không làm mất cái riêng của chúng ta - ngược lại, nó làm lớn hơn nhận thức về cái tôi của mình".

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_194367_vinh-biet-ong-john-mccain.aspx