Vinh danh một chí sĩ yêu nước quê hương Thái Bình

Sáng 30-8, tại huyện Hưng Hà (Thái Bình), Viện Sử học Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình, UBND huyện Hưng Hà phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học 'Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm với phong trào yêu nước Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX'.

Quang cảnh buổi Hội thảo khoa học.

Quang cảnh buổi Hội thảo khoa học.

Ông Nguyễn Văn Cẩm (1875-1929) sinh tại làng Ngọc Đình, tổng Hà Lý, huyện Duyên Hà, phủ Tiên Hưng (nay là xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Khi lên tám tuổi, ông dự kỳ thi Hương ở trường Thành Chung (tỉnh Nam Định) đạt loại ưu, được vua Tự Đức ban thưởng và phong cho danh hiệu “Kỳ đồng” (cậu bé kỳ lạ). Kỳ đồng sớm bộc lộ quan điểm chống Pháp, được các văn thân, sĩ phu yêu nước vùng Sơn Nam hạ kính trọng.

Để chia tách tầm ảnh hưởng của Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm, thực dân Pháp đã gửi ông sang du học tại Algeria từ năm 1887 đến 1896. Khi về nước, ông khước từ làm công chức cho thực dân Pháp, mà xin đi lập đồn điền khai hoang tại Yên Thế (tỉnh Bắc Giang), thực chất để bắt liên lạc với Hoàng Hoa Thám chống Pháp.

Ông chủ trương xây dựng khu vực chợ Kỳ, một địa danh liền kề Yên Thế thành một “căn cứ trá hình”, che mắt thực dân Pháp bằng vỏ bọc “đồn điền” hợp pháp, vừa là nơi tích lũy lương thảo, liên lạc với các địa phương chỉ đạo phong trào ở đồng bằng, vừa bí mật liên kết với lực lượng của Hoàng Hoa Thám.

Sau một thời gian dài theo dõi, đêm 22-9-1897, thực dân Pháp bí mật bắt ông tại đồn điền chợ Kỳ. Ngày 31-12-1897, người Pháp giải ông từ Sài Gòn về Pháp, sau đó bắt đi đày ở Tahiti, trên quần đảo Poleynenie thuộc châu Đại Dương cho tới lúc trút hơi thở cuối cùng ngày 17-7-1929.

Danh nhân, chí sĩ yêu nước, nhà thơ Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm là người có ảnh hưởng và đóng góp lớn với phong trào yêu nước, chống thực dân Pháp trong những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Để tưởng nhớ ông, nhiều tỉnh, thành phố như: TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội, TP Hải Phòng, tỉnh Thái Bình… đã có đường phố, trường học, địa danh mang tên Kỳ đồng.

Tại động Thiên Thai, huyện Yên Thế (tỉnh Bắc Giang), nhân dân đã lập đền thờ Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm. Đây là một trong 23 điểm di tích thuộc hệ thống di tích lịch sử khởi nghĩa Yên Thế được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt tháng 5-2012.

Liên quan đến thân thế, sự nghiệp của ông, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Bắc Giang đã thu thập, sưu tầm được 48 mộc bản khắc giữa thế kỷ XX với nội dung hàm chứa lòng yêu nước, lòng nhân ái của Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm.

12 tham luận gửi đến Hội thảo khoa học đều có chung quan điểm: Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm là một nhân vật đặc biệt trong lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà sách “Đại Nam thực lục” của Quốc sử quán triều Nguyễn đã nhắc đến nhân vật này. Các đại biểu cho rằng, tỉnh Thái Bình cần lập đền thờ danh nhân Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm tại nơi sinh thành ra ông, xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà. Đây là việc làm cần thiết thể hiện truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Tại Hội thảo khoa học, ông Nguyễn Trung Chuyện, chắt nội của Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm thay mặt dòng tộc thiết tha mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ đưa di hài ông từ nước ngoài về quê hương tại thôn Ngọc Liễn, xã Văn Cẩm (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) để phụng thờ.

Tin, ảnh: MAI TÚ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/37472902-vinh-danh-mot-chi-si-yeu-nuoc-que-huong-thai-binh.html