Vĩnh Kim - Lá cờ đầu trên mọi trận tuyến

Ấn tượng của chúng tôi khi về Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) - xã ven biển nhưng đất bazan màu mỡ trải dài đến sát mép biển, là những vườn tiêu, cao su xum xuê, xanh mướt và ngô, lạc, khoai, sắn phủ kín những khoảng đất trống. Vĩnh Kim hiện hữu đầy đủ hình ảnh rõ nét về một vùng nông thôn mới no ấm, giàu đẹp với những con người cần cù lao động trên mảnh đất Anh hùng...

Chiếc máy cày Bác Hồ tặng nhân dân xã Vĩnh Kim được trưng bày tại Nhà truyền thống của xã. Ảnh: Trúc Hà

Vĩnh Kim đang vào ngày mùa thu hoạch lạc. Trên đường, nườm nượp xe chở lạc về bãi tập kết. Đàn ông, thanh niên nhanh chóng hạ tải, phụ vặt củ lạc để một bên, cây một bên. Không khí lao động rất khẩn trương. Tôi hỏi một chị mang khẩu trang che gần kín mặt: “Sao nhiều lạc thế này mình không dùng máy hả chị?”. Bằng chất giọng đặc sệt của người vùng biển, chị bảo: “Dùng máy dễ bị dập, bỏ thêm công sức nhưng thu được nhiều hơn”. Ở Vĩnh Kim, người ta ít thuê người làm mà thường đổi công cho nhau để tiết kiệm chi phí. Tiếng cười, tiếng nói rôm rả cả khu sơ chế khiến tôi nhớ đến tác phẩm “Mùa lạc” của nhà văn Nguyễn Khải, về nông trường những năm đầu xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

Là ngày nghỉ nên chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Đức Điền, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Kim. Lúc đó, ông đang giúp những người phụ nữ dồn các bao lạc đã sơ chế xong. Ông bảo, cứ hết giờ hành chính, cán bộ cũng như nhân dân đều “cởi áo” ra đồng lao động. Trước cổng UBND xã, trường học không có quán cà phê hay cửa hàng. Bản thân ông và mọi người trong cơ quan buổi sáng muốn uống một ly cà phê cho tỉnh táo, thư thái thì cũng “chỉ dám” mua mang về phòng, vừa làm việc, vừa uống. Ở nơi khác, chuyện cán bộ có xe sang, quần áo đẹp ngồi quán tiếp khách, nhưng ở đây, nếu gặp cán bộ ngồi quán giờ hành chính thì người dân sẵn sàng đứng lại “phê bình”. Giờ thì chúng tôi đã hiểu, tại sao đi cả xã Vĩnh Kim họa hoằn lắm mới có một cửa hàng giải khát bán kèm vài gói bánh kẹo, không thấy quán nhậu. Ở Vĩnh Kim, trụ sở công to, đẹp nhất là trường học.

Hiện tại, 100% đường xã, liên xã, đường liên thôn được nhựa hóa, bê tông hóa. Toàn xã có 730/769 ngôi nhà được xây dựng đạt chuẩn theo quy định, chiếm tỷ lệ 92,3%, không có nhà tạm bợ, dột nát; số hộ xây dựng cổng, tường rào quanh nhà chiếm tỷ lệ 16,8%; xã chỉ còn 3,6% hộ nghèo, bao gồm những hộ neo đơn, bị tai nạn rủi ro, bệnh hiểm nghèo.

Xã Vĩnh Kim có nhà truyền thống khang trang, trong đó treo những bức tranh, ảnh và trưng bày các vật dụng của Vĩnh Kim qua các thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ để ai cũng có thể thấy được sự thay đổi của mảnh đất Anh hùng này (Vĩnh Kim được tuyên dương Anh hùng Lao động năm 1967, năm 2000 được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân). Điều đặc biệt hơn cả là xã Vĩnh Kim vẫn giữ được chiếc máy cày do Bác Hồ tặng năm 1959. Đó là chiếc Zetor-25K của nông dân Hợp tác xã Hóc-nê Xa-li-bi (Tiệp Khắc) tặng Bác, sau đó Bác tặng lại Đảng bộ và nhân dân một xã nơi đầu giới tuyến, ở trong “Khu phi quân sự”, giữa những ngày đất nước còn cắt chia. Và ông Nguyễn Đức Đồng (là bố của Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Đức Điền), học viên Trường Trung cấp Cơ khí Trung ương, là người được giao lái chiếc máy cày này...

Năm 2014, Vĩnh Kim là xã đầu tiên của Quảng Trị “cán đích” nông thôn mới. Điều đáng nói là Vĩnh Kim không phải là “địa phương được chọn làm điểm” để có thể nhận được nhiều sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước. Xã Vĩnh Kim đạt chuẩn nông thôn mới bằng nội lực của chính mình. Với phương châm “lấy dân để vận động dân”, chính quyền địa phương đã huy động người dân trên địa bàn chung tay đóng góp tiền của, ngày công, hiến đất để mở mang hệ thống giao thông, chỉnh trang nông thôn, góp phần thực hiện tốt các tiêu chí về giao thông, thủy lợi, quy hoạch...

Nhân dân xã Vĩnh Kim đã tự nguyện hiến trên 92.000m2 đất, hơn 400 cây cao su từ 5-10 năm tuổi và hàng nghìn mét vuông đất sản xuất để mở rộng các trục đường liên thôn, liên xã, đường ra khu sản xuất với 11.000 ngày công lao động. Thực hiện đối ứng làm đường bê tông với tỷ lệ Nhà nước 60% - nhân dân 40%, quy đổi thành tiền đạt trên 2,1 tỷ đồng. Người dân trong xã đã tiến hành nạo vét kênh mương với chiều dài 26km, gia cố, bảo trì 21 đập thủy lợi lớn, nhỏ đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất cho 56ha lúa bằng 100% nguồn vốn do nhân dân đóng góp. Xã Vĩnh Kim cũng đã phối hợp, lồng ghép và huy động nguồn lực địa phương tổng kinh phí đạt trên 83 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn nhân dân đóng góp đạt trên 19,8 tỷ đồng. Các tiêu chí ngành nghề, dịch vụ được triển khai bằng việc vận động các hộ dân đầu tư cho con em đi học nghề, học thợ, mua sắm các phương tiện vận chuyển, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, vận chuyển hàng hóa. Nhờ đó, xã có thêm nhiều ngành nghề, dịch vụ mới như: Cung ứng ga, gò hàn, điện dân dụng, dịch vụ đám cưới...

Thu hoạch lạc ở Vĩnh Kim. Ảnh: Trúc Hà

Vĩnh Kim hiện đang xây dựng mô hình “Nông thôn kiểu mẫu”, đạt thu nhập bình quân 42 triệu đồng/ người/năm. Bí thư Nguyễn Đức Điền cho biết: “Sự phát triển của xã không thể thiếu dấu ấn của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa Tùng”. Theo Bí thư Điền, mọi tài sản, máy móc, công cụ phục vụ sản xuất chủ yếu đều để ngoài trời. Dù những năm qua chưa xảy ra các vụ việc nghiệm trọng, nhưng sự xuất hiện của những người lính Biên phòng cũng là lời răn đe với các loại tội phạm. Có các anh, người dân thêm yên tâm đầu tư xản xuất. Đồn Biên phòng Cửa Tùng cũng tham mưu cho xã thành lập các tổ “Liên gia bảo vệ tài sản ngoài trời”. Đến nay, mô hình này đã được 5 năm và hoạt động rất hiệu quả. Bên cạnh đó, Đồn Biên phòng Cửa Tùng cũng thường xuyên tuần tra ngăn chặn tình trạng đánh bắt hải sản trên biển bằng thuốc nổ, gìn giữ trật tự an ninh địa bàn.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/vinh-kim-la-co-dau-tren-moi-tran-tuyen/