Vĩnh Long phát triển nông nghiệp đô thị

Với phương pháp canh tác hữu cơ và công nghệ cao không cần nhiều đất đai, không gây ô nhiễm môi trường, sử dụng, tái sử dụng tài nguyên thiên nhiên và chất thải đô thị, nông nghiệp đô thị tăng thêm không gian xanh, cơ hội thư giãn cho người dân, hỗ trợ du lịch phát triển.

Mô hình trồng rau thủy canh ven đô thị ở Vĩnh Long cho hiệu quả cao.

Những tín hiệu khả quan

Vĩnh Long nằm giữa sông Tiền và sông Hậu cho nên hầu hết các khu vực đô thị của tỉnh nằm cạnh hệ thống giao thông thủy - bộ lớn, khoảng cách tương đối gần, bình quân 18 km và đô thị xa trung tâm nhất tỉnh chỉ khoảng 45 km. Tiềm năng phát triển nông nghiệp ven đô thị rất lớn, tương đương khoảng 60% diện tích đất nông nghiệp của tỉnh. Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long tập trung hỗ trợ chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp nông dân thực hiện chuyển đổi sản xuất theo hướng đa dạng cây trồng, vật nuôi trên cơ sở phù hợp điều kiện tự nhiên, sản xuất, trình độ canh tác và đáp ứng nhu cầu thị trường. Hàng loạt mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị theo hướng ứng dụng công nghệ cao bước đầu được áp dụng hiệu quả và nhân rộng.

Ngành nông nghiệp đã xây dựng được 37 mô hình trồng hoa phong lan trên địa bàn TP Vĩnh Long và thị xã Bình Minh với 37 nghìn chậu cây giống, bước đầu hình thành được vùng sản xuất hoa lan tập trung cung ứng sản phẩm hoa tươi tại chỗ, tăng lợi thế cạnh tranh về giá với các sản phẩm cùng loại đến từ các địa phương khác. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nông dân đã giảm công lao động trong gieo trồng, chăm sóc, tiết kiệm được 50% chi phí tiền điện. Lượng nước cũng giảm hơn một nửa so với phương pháp tưới truyền thống.

Năm 2016, anh Lâm Quốc Hưng, xã Trường An, TP Vĩnh Long được Trung tâm khuyến nông tỉnh hỗ trợ một nghìn chậu lan. Đến nay, vườn lan của anh đã tăng lên 2.200 chậu. Anh Hưng nhẩm tính: “Mỗi bông lan bán được 800 đồng, mỗi chậu bán khoảng 7.000 đồng. Cứ ba tháng cắt bông một đợt, với hai nghìn chậu lan bán cũng hơn 20 triệu đồng. Tôi sẽ mở rộng diện tích tăng thêm khoảng 1.500 chậu nữa". Ông Trương Văn Ân, ngụ phường 9, TP Vĩnh Long cũng chia sẻ: “Năm 2009, tôi đầu tư hơn hai nghìn cây giống hoa lan và hệ thống tưới tự động. Thấy hiệu quả, tôi tiếp tục đầu tư phát triển thêm nhiều chủng loại lan khác. Hiện vườn nhà tôi rộng hơn 800m2, trồng 10 nghìn chậu lan các loại, tổng vốn đầu tư 110 triệu đồng. Trừ hết chi phí, mỗi tháng tôi lời hơn 7 triệu đồng. Sau sáu năm trồng lan cắt cành, tôi đã thu hồi vốn, giờ thì thu lợi nhuận hằng tháng, sống khỏe re”.

Hàng chục mô hình trồng rau sạch và rau thủy canh hồi lưu được hình thành và phát triển trong năm 2017 cũng mang lại hiệu quả thiết thực. Mô hình trồng dưa leo của anh Nguyễn Hoàng Khải, ấp Tân Quới, xã Tân Hòa, TP Vĩnh Long được xem là mô hình hiệu quả, đang được nhân rộng. Anh Khải xây nhà lưới trên diện tích 300m2, trồng được 400 cây dưa leo, sau 35 ngày đã thu hoạch mỗi ngày khoảng 20 kg. Chỉ trong ba tháng trồng, thu hoạch được hơn 3 tấn trái. Với giá 15.000 đồng/kg, anh thu được hơn 45 triệu đồng, trừ phi chí còn lại hơn 30 triệu đồng/vụ.

“Sau khi chào hàng ở các siêu thị thì họ đồng ý ngay với giá cao, nhưng phải ký hợp đồng cung ứng mỗi ngày khoảng 50 kg. Để đáp ứng yêu cầu này, tôi đang mở rộng diện tích khoảng 2.000m2 để làm năm nhà lưới, trồng luân phiên để thu hoạch mỗi ngày", anh Khải nói.

Còn ông Nguyễn Văn Sua, ngụ xã Phước Hậu, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long không giấu niềm vui với hiệu quả bất ngờ từ mô hình sản xuất rau ăn lá áp dụng tiến bộ kỹ thuật vùng ven đô thị. “Từ tháng 6-2016, tôi đầu tư làm nhà lưới với diện tích 1.000m2 để trồng rau ăn lá như: cải ngọt, cải xanh, cải thìa, hành, hẹ… Chỉ sau hai tháng thu hoạch, năng suất cao gấp hai, gấp ba lần so trồng ngoài trời, vì cây con gieo trồng phát triển trong điều kiện nhà lưới tốt hơn bên ngoài, tỷ lệ sống đạt cao. Sau hơn một năm ứng dụng, tôi tiếp tục mở rộng thêm nhà lưới thứ hai với diện tích 2.000m2 để sản xuất”, ông Sua phấn khởi chia sẻ.

Mở ra nhiều cơ hội mới

Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ 10 Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long đề ra phương hướng phấn đấu đến năm 2020 đạt tỉnh khá trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Để đạt được mục tiêu nêu trên, đòi hỏi sản xuất nông nghiệp của tỉnh phải có sự phát triển toàn diện, theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, là một trong ba khâu đột phá của tỉnh giai đoạn 2015- 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liêm: Để hiện thực hóa Nghị quyết, từ đầu năm 2017, UBND tỉnh đã phê duyệt đề cương nhiệm vụ và dự toán kinh phí “Đề án nghiên cứu khả thi về phát triển bền vững nông nghiệp công nghệ cao của I-xra-en tại tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020”. Mục tiêu là nghiên cứu, phát triển bền vững nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng, chuyển giao các kỹ thuật, công nghệ cao của I-xra-en vào nông nghiệp tỉnh, tiến tới xây dựng các mô hình điển hình và thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Nói về xu hướng phát triển nông nghiệp đô thị, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Trần Văn Khởi cho biết: Nông nghiệp đô thị nếu xét về không gian, vị trí có thể chia thành hai khu vực: Nông nghiệp nội đô và nông nghiệp ven đô. Nông nghiệp nội đô được tổ chức trên các diện tích nhỏ còn xen cài trong đô thị, hoặc các hoạt động sản xuất nông nghiệp không cần đất như trên sân thượng, ban công, sử dụng các chậu treo… Còn nông nghiệp ven đô thị có quy mô lớn hơn ở vùng đang trong quá trình đô thị quá nhanh gồm các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, dịch vụ có nguồn gốc nông, lâm, thủy sản...

“Nếu như trước đây chỉ chủ yếu tập trung cho cây, con chủ lực phục vụ tái cơ cấu, thì nay với sự phát triển mạnh mẽ của đô thị đã hình thành mảng nông nghiệp phục vụ lương thực, thực phẩm cho đô thị. Đây là xu hướng tất yếu", ông Khởi nhấn mạnh.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long: Để ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp đô thị đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Vĩnh Long cần tăng cường công tác đào tạo nhân lực; thu hút nguồn đầu tư, nhân lực trong và ngoài nước đẩy mạnh hỗ trợ đầu tư mở rộng sản xuất ứng dụng công nghệ cao để phát triển một số loại sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao.

Bài và ảnh: BÁ DŨNG, QUỐC DŨNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/35183502-vinh-long-phat-trien-nong-nghiep-do-thi.html