Vĩnh Phúc: Ai là tác giả đồ án quy hoạch tuyến đường tâm linh gây bức xúc?

Việc Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc này hoàn thiện 'Đồ án quy hoạch chi tiết (1/500) kiến trúc cảnh quan trục không gian Bắc – Nam đô thị Vĩnh Phúc' (còn được gọi với cái tên 'tuyến đường tâm linh') khiến nhiều đơn vị, người dân khốn khổ tìm cách 'chạy' để không dính quy hoạch.

Phạm vi khảo sát, lập quy hoạch dọc theo trục không gian Bắc – Nam đô thị Vĩnh Phúc gồm phạm vi nằm trong chỉ giới quy hoạch các tuyến đường và nút giao thông liên quan gồm:

Từ nút giao thông đường BOT quốc lộ 2 đoạn Nam Vĩnh Yên, cầu Đầm Vạc, đường Kim Ngọc, đường Trần Phú (TP. Vĩnh Yên) và trục đường Quốc lộ 2 đoạn đến cầu Chân Suối (xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo). Tổng chiều dài toàn tuyến nghiên cứu quy hoạch khoảng 16,972 km. Tổng diện tích quy hoạch theo nhiệm vụ: 774ha.

Trong đó, phần diện tích quy hoạch cũ (theo Quyết định số 3797QĐ/UBND) là 111,03ha; phần diện tích quy hoạch mở rộng là 662,97ha gồm phần thực hiện quy hoạch mới 310ha, phân diện tích cập nhất quy hoạch là 352,97ha. Phương án quy hoạch điều chỉnh và là chính xác lại ranh giới, tổng diện tích lập quy hoạch là 828,19ha.

Ranh giới quy hoạch thuộc địa giới 09 xã phường thuộc TP. Vĩnh Yên và 03 huyện.

Một bản quy hoạch đô thị Vĩnh Phúc được lập

Một doanh nghiệp đang đầu tư ở Vĩnh Phúc bày tỏ sự bức xúc khi nói về bản đồ án: “Nếu Đồ án quy hoạch trên được thông qua sẽ khiến hàng nghìn người dân không thể xây dựng nhà cửa, chuyển nhượng, thế chấp đất đai; hàng trăm doanh nghiệp đã được giao đất, đang làm thủ tục phát triển dự án, đang tiến hành giải phóng mặt bằng, đầu tư triển khai dự án bị đảo lộn kế hoạch kinh doanh, đầu tư…

Nói đúng hơn, nếu được ban hành, “Đồ án quy hoạch chi tiết (1/500) kiến trúc cảnh quan trục không gian Bắc – Nam đô thị Vĩnh Phúc” sẽ là một “quy hoạch treo” khổng lồ! Chưa thấy ở đâu lại tiến hành lập quy hoạch chi tiết (1/500) kiến trúc, cảnh quan dọc trục Bắc – Nam của tỉnh Vĩnh Phúc như đồ án quy hoạch trên. Bởi, quy hoạch này không rõ ràng về nhiệm vụ, mục tiêu, cơ sở pháp lý cũng như các quy định về đầu tư, xây dựng”.

Trong khi đó, lý do mà những người làm quy hoạch đưa ra nghe lại có vẻ rất hợp lý, nhằm: “Cập nhật, rà soát, khớp nối với các nội dung các đồ án QHPK A1, A4, A5, D1, D2; QHPK đô thị hợp Châu; tạo hành lang pháp lý để quản lý và đầu tư; Quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan, hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo hướng đồng bộ, hiệu quả”.

Theo một số chuyên gia, ở đây, đã có sự nhầm lẫn (hoặc cố tình nhầm lẫn) về mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch. Cụ thể, quy hoạch chi tiết 1/500 chỉ phục vụ các dự án xây dựng, đơn vị xây dựng cụ thể khi đã cập nhật cơ bản đầy đủ các yếu tố về đầu tư (quyết định đầu tư dự án), các dữ liệu cơ bản như quy hoạch xây dựng ở từng xã, phường, khu dân cư.

Tất cả các quy hoạch này được thực hiện dựa trên quy hoạch 1/2000 cũng như các quy hoạch phân khu và quy hoạch xây dựng chung. Trên thực tế, không có ai đủ khả năng để có thể đưa ra một quy hoạch chi tiết 1/500 cho dọc tuyến đường hơn 16 km với tổng diện tích hơn 800ha! Đó thực sự là một quy hoạch áp đặt, duy ý chí, tạo ra vô cùng nhiều hệ lụy, chẳng những không thu hút đầu tư mà còn kìm kẹp doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Một điểm đáng chú ý nữa là theo Đồ án quy hoạch trên, tuyến đường dài hơn 16 km sẽ có một hình thù uốn lượn rất kỳ quái với 6 đoạn với 6 mặt cắt xen kẽ khác nhau: 42m – 80m – 150m – 36m – 52m – 80m. Trong Đồ án quy hoạch cũng đề cập tới việc xây dựng đoạn xuyên qua đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai với mặt cắt 80m trong khi hiện đoạn này chỉ có hầm chui rộng 20m. Nếu thực hiện ý tưởng này sẽ phải tiếp tục mở rộng hầm chui dưới đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai? Đây quả là một sự lạ hiếm gặp đối với giới xây dựng!

Dự tính, nếu triển khai quy hoạch trên, riêng tiền đền bù, giải phóng mặt bằng đã lên tới vài trăm tỷ đồng cùng với số tiền ngân sách bỏ ra làm đường cũng lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Trong khi đó, tháng 8/2018, trong báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương năm 2017 tỉnh Vĩnh Phúc, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra hàng loạt những tồn tại, hạn chế trong việc thu - chi ngân sách của địa phương này.

Theo đó, chi đầu tư phát triển còn hạn chế, việc phân bổ vốn chi tiết cho một số dự án chưa đảm bảo trước 31/12 năm trước kế hoạch theo quy định của Bộ Tài chính. Vĩnh Phúc còn bố trí vốn cho nhiều dự án khởi công mới khi còn tồn đọng nợ xây dựng cơ bản, chưa đảm bảo theo yêu cầu theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Công tác lập, phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh chưa sát thực tế nên trong năm bố trí vốn bổ sung từ nguồn cải cách tiền lương, sự nghiệp kinh tế cho 64 dự án không nằm trong kế hoạch đầu tư trung hạn, số tiền gần 1.263 tỷ đồng. Việc bố trí vốn đầu tư chưa sát thực tế cũng dẫn đến tỉnh phải điều chỉnh, hủy kế hoạch và chuyển nguồn sang năm sau lớn.

Trong công tác quản lý sử dụng vốn đầu tư, quản lý thực hiện dự án, qua kiểm toán cũng cho thấy còn một số hạn chế. Cụ thể, chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư tại một số dự án chưa cao, dẫn đến quá trình thực hiện dự án còn phải điều chỉnh, bổ sung, nhiều hạng mục, kéo dài thời gian thực hiện dự án so với kế hoạch phê duyệt, dẫn tới điều chỉnh bổ sung tăng tổng mức đầu tư…

Vậy tác giả của bản đồ án trên là ai, lãnh đạo địa phương thành phố Vĩnh Yên và tỉnh Vĩnh Phúc liệu có vô cảm trước một đồ án “hành dân” như vậy?

Thời báo Doanh nhân sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Trang Nhi

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn/vinh-phuc-ai-la-tac-gia-do-an-quy-hoach-tuyen-duong-tam-linh-gay-buc-xuc_n42495.html