Vĩnh Phúc chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh Covid-19

Hiện nay, 11 bệnh nhân lây nhiễm Covid -19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã cho kết quả âm tính, 82 người sau khi thực hiện cách ly sau 14 ngày không có dấu hiệu bị bệnh đã được cho ra khỏi cơ sở. Đặc biệt, tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, công tác khoanh vùng, cách ly cũng được thực hiện nghiêm ngặt.

Tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2020 và phòng chống dịch bệnh Covid-19 do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Văn Phong cho biết trong thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 với phương châm “chống dịch như chống giặc”.

Đặc biệt, tại địa bàn xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, công tác khoanh vùng, kiểm soát được triển khai chặt chẽ. Tại xã này, lập 12 chốt, không tổ chức các hoạt động vui chơi, cưới hỏi trên địa bàn khu vực có dịch. Hạn chế việc di chuyển của người dân trong xã có dịch đi ra ngoài. Trường hợp không tiến hành cách ly sẽ có biện pháp cưỡng chế cách ly.

Một chốt kiểm soát tại xã Sơn Lôi, Vĩnh Phúc. (Ảnh nguồn: VOV)

Một chốt kiểm soát tại xã Sơn Lôi, Vĩnh Phúc. (Ảnh nguồn: VOV)

Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc cũng truyên truyền cho công dân về cách phòng chống dịch bệnh, thiết lập điểm khám, tư vấn tại xã, địa chỉ khám bệnh ban đầu là trạm y tế xã, không được vượt tuyến thăm khám bên ngoài. Nâng cấp trạm y tế xã Sơn Lôi tương đương với phòng khám đa khoa đủ các chuyên khoa nội, ngoại, sản, nhi...

Mỗi thôn thành lập một đội liên ngành, hàng ngày đi kiểm tra, giám sát, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh. Thời gian vừa qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung mọi nguồn lực cho việc phòng chống dịch bệnh, đáp ứng tối đa nhu cầu về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, ưu tiên phân bổ cho xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên.

Là người được giao nhiệm vụ “cắm chốt” tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, PGS.TS Trần Như Dương - Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Tổ trưởng Tổ công tác của Bộ Y tế cũng đã chia sẻ kinh nghiệm thực hiện giám sát, cách ly dịch Covid-19.

Ông cũng cho biết nguyên nhân phải tiến hành cách ly y tế cả một cộng đồng, cụ thể xã Sơn Lôi là để khoanh vùng, cô lập triệt để không để lây lan ra các địa phương khác.

Quay trở lại tình hình tại xã Sơn Lôi, tỉnh Vĩnh Phúc cách đây 2 tuần thì có thể nói đây là tâm điểm dịch của Việt Nam lúc bấy giờ vì chỉ trong 1 thời gian ngắn thì tại xã Sơn Lôi đã ghi nhận 6 trường hợp mắc mới và nguy hiểm hơn dịch đã có biểu hiện lây lan cho cộng đồng.

PGS.TS Trần Như Dương - Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chia sẻ kinh nghiệm giám sát, cách ly Covid-19 tại xã Sơn Lôi. (Ảnh:K.T)

Việc có dịch lây lan cho cộng đồng xã Sơn Lôi đặt ra vấn đề ảnh hưởng trực tiếp rất lớn lây lan dịch từ địa phương này ra toàn bộ khu vực các tỉnh thành phố xung quanh Vĩnh Phúc cũng như các địa phương khác trong cả nước. Vì sự di chuyển, giao lưu của người trở về từ vùng có dịch ra bên ngoài là rất phức tạp và khó kiểm soát.

“Quyết định thực hiện khoanh vùng cách ly y tế xã Sơn Lôi của Bộ Y tế, của tỉnh Vĩnh Phúc là một quyết định rất đúng đắn rất kịp thời, rất trách nhiệm và rất dũng cảm”, Phó viện trưởng viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định.

Qua 14 ngày trực tiếp cùng nhân dân, chính quyền, y tế địa phương, TS. Trần Như Dương cho biết, tại xã Sơn Lôi đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp để chống dịch, dập dịch.

Thứ nhất, tập trung giám sát, theo dõi để phát hiện những ca nghi ngờ mắc Covid-19 trong thời gian sớm nhất. Tiến hành thiếp lập ngay hệ thống giám sát chủ động trên toàn bộ xã Sơn Lôi.

Lập danh sách toàn bộ các hộ gia đình của xã Sơn Lôi với 10.600 nhân khẩu, 2.774 hộ gia đình. Huy động 60 người tham gia là y tế quân đội, trưởng thôn, hội viên hội phụ nữ, hội cựu chiến bịnh, đoàn viên thanh niên. Chia làm 30 nhóm, mỗi nhóm quản lý 60-80 hộ gia đình. Thiết kế ngay những biểu mẫu báo cáo, hướng dẫn cho người dân, tổ chức tập huấn ngay trong đêm cho các thành viên đi kiểm tra, giám sát.

Thứ hai, xây dựng những bản tin ngắn ngọn phát trên tuyền thanh xã Sơn Lôi thông báo về việc theo dõi, giám sát toàn xã Sơn Lôi để người dân tại đây được biết. Cung cấp đường dây nóng cho người dân để chủ động thông báo cho cán bộ y tế.

Thực hiện phương châm "rà từng ngõ, gõ từng nhà", thực hiện đo thân nhiệt hỏi chi tiết từng triệu chứng của người dân để phát hiện người có dấu hiệu nghi ngờ. Ngay khi phát hiện người nghi ngờ, lập tức cho đeo khẩu trang, thông báo đến cán bộ y tế xã, đưa bệnh nhân đi cách ly, lấy mẫu bệnh phẩm.

Thứ ba, tại trạm y tế xã, bố trí sẵn các cán bộ cắm chốt 24/24, bố trí 2 xe cứu thương, một xe phục vụ các vấn đề y tế khác và một xe riêng biệt để đưa người có dấu hiệu nghi ngờ Covid-19 đi cách ly.

Đặc biệt, ông Dương chỉ rõ các biện pháp y tế với từng đối tượng cụ thể. Với trường hợp xác định, có khả năng lây nhiễm cho cộng đồng, ngay lập tức cách ly nghiêm ngặt, điều trị tại Phòng khám đa khoa Quang Hà. Kinh nghiệm là phải có nơi khám điều trị riêng biệt để chủ động kiểm soát bệnh Covid-19.

Trường hợp tiếp xúc với ca bệnh xác định thuộc nhóm nguy cơ cao như ăn, ở cùng. Xác định đây là những bệnh nhân tiềm tàng, chỉ chờ phát bệnh, cho đi cách ly ngay tại các cơ sở y tế trong 14 ngày.

Nếu trong thời gian theo dõi phát hiện mắc bệnh, lập tức chuyển sang chế độ trường hợp xác định cách ly và điều trị. Sau 14 ngày không phát hiện, người dân cũng không được chủ quan, tiếp tục cách ly 7 ngày tại nhà có cán bộ y tế địa phương theo dõi.

Với những tiếp xúc gần khác như bạn bè, hàng xóm của ca bệnh xác định cũng được cho vào nhóm nguy cơ cao chỉ sau nhóm hộ gia đình. Họ được yêu cầu cách ly y tế tập trung 14 ngày. Khi không có triệu chứng bệnh, bệnh nhân được tiếp tục cách ly thêm ở nhà 7 ngày.

Trường hợp bệnh nhân mắc cúm A, B cũng lây lan trong cộng đồng, nếu không cách ly sớm sẽ gây nhiễu trong quá trình phòng dịch Covid-19. Bệnh nhân này cũng được cách ly y tế 7 ngày.

K.T

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/vinh-phuc-chia-se-kinh-nghiem-phong-chong-dich-benh-covid-19-103921.html