Vĩnh Phúc: Chủ đầu tư Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương bán đất như thế nào?

Sau khi ký hợp đồng góp vốn đầu tư xây dựng tại Dự án Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương (tại thị trấn Yên Lạc và xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) do Công ty cổ phần Kehin (Công ty Kehin - trụ sở ở số 1, đường Mê Linh, phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) làm chủ đầu tư thì nhà đầu tư được yêu cầu chuyển một nửa tiền vào tài khoản cá nhân, nửa tiền còn lại nộp bằng tiền mặt tại Công ty.

Một góc Dự án Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương.

Một góc Dự án Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương.

Ngày 7/4/2017, Dự án Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương với quy mô 34 ha đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc có Quyết định số 1081/QĐ-UBND thành lập và giao cho Công ty TNHH thương mại Kết Hiền (do ông Nguyễn Văn Kết làm Giám đốc) làm chủ đầu tư. Với tổng vốn đầu tư hạ tầng là 150 tỷ đồng từ nguồn vốn của doanh nghiệp, yêu cầu chủ đầu tư có trách nhiệm lập quy hoạch chi tiết, lập dự án đầu tư trình thẩm định, phê duyệt theo quy định; đầu tư và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp phải tuân thủ các quy định về đầu tư kinh doanh, đất đai, môi trường, xây dựng, phòng, chống cháy nổ,… theo quy định của pháp luật.

Sau gần 3 năm (ngày 19/2/2020) UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định số 335/QĐ-UBND về việc Phê duyệt tên chủ đầu tư và tổng mức vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương (huyện Yên Lạc).

Theo quyết định này, Chủ đầu tư đã được đổi tên thành Công ty Kehin, tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng lúc này đã được điều chỉnh lên thành 463.813.163.000 đồng (tăng hơn 313,8 tỷ đồng sau 3 năm chậm triển khai). Các nội dung khác giữ nguyên theo Quyết định số 1081/QĐ-UBND ngày 7/4/2017 và Quyết định số 593/QĐ-UBND ngày 20/2/2019 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

Đến nay chủ đầu tư đã 2 lần được UBND tỉnh giao đất với những điều chỉnh. Tại Quyết định số 1229/QĐ-UBND ngày 18/5/2021 UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 (lần 1) đối với dự án Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương, thể hiện các loại đất: Đất xây dựng làng nghề được bố trí trong 12 lô đất từ LN-01 đến LN-12 với tổng diện tích là 229.517,2m2 được chia thành 457 ô đất có diện tích mỗi ô từ 286m2 đến 1.238,3m2, mật độ xây dựng tối đa 60%, tầng cao tối đa 3 tầng.

Đất xây dựng công trình công cộng, nhà điều hành, dịch vụ làng nghề tại lô đất CC-01 có diện tích 3.514m2 với mật độ xây dựng tối đa 50%, tầng cao tối đa 3 tầng.

Đất đầu mối hạ tầng kỹ thuật được bố trí trạm xử lý nước thải tại lô HTKT có diện tích 3.268m2 với mật độ xây dựng 50%, cao 1 tầng.

Đất cây xanh được bố trí tại 4 lô đất cây xanh tập trung có ký hiệu từ CX-01 đến CX-04 và một số diện tích cây xanh vườn hoa kết hợp các ly mương thủy lợi, cách ly phòng cháy có tổng diện tích là 33.322m2 với mật độ xây dựng tối đa 5%, cao 1 tầng…

Tại thời điểm tháng 4/2022 PV Báo Đại Đoàn Kết tiếp nhận thông tin, ghi nhận và liên hệ gửi nội dung làm việc đến Công ty Kehin về một số vấn đề: Việc chủ đầu tư được giao đất từ năm 2017, sau 3 năm mới triển khai và được điều chỉnh tổng mức đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ 150 tỷ đồng lên hơn 463,8 tỷ đồng nhưng tại thời điểm đó vẫn chưa thực hiện hoàn thiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB), chưa di dời đường điện trong dự án và hoàn thiện hạ tầng nhưng đã bán dự án theo hình thức “Hợp đồng góp vốn” với các mức giá từ 9 triệu đồng đến gần 20 triệu đồng/1m2 (tùy từng vị trí và thời điểm), nộp tiền theo từng giai đoạn với tỷ lệ khác nhau.

Điều khó hiểu là khi khách hàng chấp thuận ký vào hợp đồng “góp vốn” này lại được phía chủ đầu tư yêu cầu nộp tiền bằng 2 hình thức: một nửa tiền được chuyển vào tài khoản cá nhân đại diện cho chủ đầu tư, một nửa tiền còn lại được yêu cầu trả bằng tiền mặt tại công ty.

Thêm một vấn đề khó hiểu hơn nữa chính là Giám đốc Công ty Kehin - ông Nguyễn Văn Kết ký “Hợp đồng ủy quyền” cho ông Nguyễn Văn Duyên (Giám đốc Công ty TNHH MTV ITO Việt Nam/Công ty ITO) được thay mặt, toàn quyền nhận đặt cọc, thanh lý, hủy bỏ, sửa đổi nội dung Hợp đồng đặt cọc và Hợp đồng góp vốn với khách hàng tại Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương… và không có thù lao ủy quyền.

Sau đó, ông Duyên lại ký “Giấy ủy quyền” cho cá nhân ông Nguyễn Quang Trung (Phó Giám đốc) với nội dung và phân công nhiệm vụ cho ông Trung thực hiện tương tự như những nội dung mà ông Duyên được ông Kết giao.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Nam - Phó Giám đốc Công ty Kehin cho biết, đến thời điểm hiện tại, khối lượng và giá trị đầu tư xây dựng hạ tầng đạt khoảng 90%, toàn bộ các hạng mục xây dựng và lắp đặt sẽ được hoàn thành trong quý II-2022.

Tiến độ bồi thường, GPMB cơ bản đã xong (đạt 99,2%). Công ty được tỉnh giao đất 2 đợt: Nghĩa vụ tài chính về thuê đất, thuê mặt nước lần 1 đã được công ty nộp đủ vào ngân sách nhà nước; với nghĩa vụ tài chính ở lần giao đất lần 2, công ty đã nộp 50% và 50% còn lại sẽ nộp đầy đủ theo thời hạn quy định của cơ quan thuế.

Theo tiến độ giao đất đợt 1, công ty đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc cấp giấy chứng nhận 146 ô đất.

Khi được đề cập đến quy trình, hình thức ký hợp đồng góp vốn, đặt cọc của chủ đầu tư đối với khách hàng; hình thức khách hàng phải thanh toán tiền mặt và chuyển khoản vào tài khoản cá nhân của ông Nguyễn Quang Trung thì việc ủy quyền thực hiện nhiệm vụ và nhận tiền đặt cọc như vậy có đúng theo quy định không? Hiện có bao nhiêu lô đã được chủ đầu tư chuyển nhượng, “nhận góp vốn, đặt cọc”… ông Nam cho biết, sẽ kiểm tra lại thông tin từ bộ phận chuyên môn rồi sẽ phản hồi lại.

Tuy nhiên, sau nhiều lần PV liên hệ để làm việc thì ông Nam vẫn chưa có câu trả lời.

Trần Hải

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/vinh-phuc-chu-dau-tu-cum-cong-nghiep-lang-nghe-minh-phuong-ban-dat-nhu-the-nao-5689603.html