Vĩnh Phúc đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại

Với việc thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, thời gian qua, công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được những kết quả tích cực.

Tuy nhiên, trước diễn biến ngày càng phức tạp và tinh vi của các đối tượng phạm tội, công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại vẫn còn nhiều khó khăn...

Thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Vĩnh Phúc cho hay, trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 638 vụ với 655 đối tượng vi phạm hành chính liên quan đến buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại. Tổng số tiền xử phạt hơn 31 tỷ đồng; giá trị hàng hóa sung quỹ Nhà nước hơn 1 tỷ đồng.

Nạn buôn bán hàng giả cơ bản đã được kiềm chế

Đặc biệt trong đó có 26 vụ nghiêm trọng, với 36 đối tượng bị khởi tố hình sự. Công an tỉnh ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Hiên, sinh năm 1987, trú tại phường Xuân Hòa (Phúc Yên) về tội vận chuyển, tàng trữ trái phép 9,96kg các sản phẩm được chế tác từ ngà voi châu Phi.

Với việc thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, thời gian qua, công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực.

Với việc thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, thời gian qua, công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực.

Khởi tố vụ án hình sự 6 công nhân của Công ty TNHH thương mại Khánh Hà (Việt Xuân-Vĩnh Tường) sản xuất ống nhựa uPVC giả nhãn hiệu SINO của Công ty TNHH Xuân Lộc Thọ (Hà Nội) và nhãn hiệu ASICO của Công ty cổ phần nhựa châu Á (Hải Phòng). Với tổng giá trị tang vật thu giữ gần 3 tỷ đồng bao gồm toàn bộ ống nhựa giả và máy móc phục vụ sản xuất ống nhựa giả …

Ông Lê Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Do tiếp giáp với nhiều tỉnh, thành phố như Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Nguyên và Hà Nội; có đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai chạy qua và có thị trấn Thổ Tang là nơi trung chuyển hàng hóa cho hầu hết các tỉnh phía Bắc và miền Trung, do đó, tình trạng buôn lậu, vận chuyển hàng giả, hàng nhái trên địa bàn tỉnh ngày càng phức tạp.

Trong khi một số quy định của pháp luật về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn có những điều bất cập, chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời, tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của lực lượng chức năng. Trong khi, lực lượng quản lý, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại còn mỏng, kinh phí hạn hẹp, trang thiết bị, phương tiện thiếu và lạc hậu.

Ở một số đơn vị, địa phương, công tác chỉ đạo chưa thật sự quyết liệt, thiếu kiểm tra, đôn đốc; công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng và các chủ sở hữu hàng hóa chưa tốt và thường xuyên. Đặc biệt, nhận thức của một bộ phận người dân và doanh nghiệp về hàng giả, quyền sở hữu trí tuệ còn hạn chế, từ đó, đã vô tình tiếp tay cho các đối tượng phạm tội.

Vì vậy công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái và vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Thủ đoạn ngày một tinh vi, khó kiểm soát hơn

Theo Đại tá Lê Bá Tạo, Phó trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ ngày càng có trình độ cao,phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thường xuyên thay đổi và triệt để lợi dụng cơ chế, chính sách để thực hiện hành vi vi phạm.

Hơn nữa, phương thức thương mại điện tử, thành lập website quảng cáo, bán hàng qua mạng của nhiều doanh nghiệp, cá nhân cũng tạo cơ hội cho nhiều đối tượng lợi dụng để kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không đảm bảo chất lượng gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện nơi kinh doanh, kho hàng hóa của các đối tượng để xử lý”.

Để góp phần ổn định thị trường, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và bảo vệ người tiêu dùng, Cục quản lý thị trường cùng với Công an tỉnh và các cơ quan chức năng khác tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cho doanh nghiệp, người tiêu dùng kiến thức pháp luật và nhận thức về hàng giả, hàng nhái, hàng lậu và quyền sở hữu trí tuệ.

Mặc dù những phương thức, thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng giả ngày càng tinh vi nhưng với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp của lực lượng chức năng đã góp phần ngăn chặn, từng bước đẩy lùi hoạt động buôn bán, sản xuất hàng giả... giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã tiếp cận với thương mại điện tử thông qua việc thành lập các website để khuyến mại, quảng cáo hàng hóa, chào bán hàng qua mạng. Đây là phương thức phân phối hiện đại, ngày càng phổ biến.

Qua đó, nhiều đối tượng đã lợi dụng hình thức thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng.

Phổ biến là các mặt hàng: Mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, giầy dép... được rao bán trên các trang mạng xã hội, thiết bị di động gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện nơi kinh doanh, kho cất giấu hàng hóa của các đối tượng để xử lý.

Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng cấm, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng hóa không đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Góp phần bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Box: Trong tháng 7-2019, lực lượng QLTT Vĩnh Phúc xử phạt hành chính 33 vụ (47 hành vi). Bao gồm: Vi phạm trong lĩnh vực giá: 9 hành vi: 7.250.000 đồng; Vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh hàng hóa nhập lậu: 8 hành vi: 18.800.000 đồng; Vi phạm về hàng giả và quyền SHTT: 4 hành vi: 2.800.000 đồng; Vi phạm trong lĩnh vực y tế: 21 hành vi: 78.000.000 đồng; Vi phạm trong kinh doanh: 1 hành vi: 3.000.000 đồng; Vi phạm khác (Nhãn hàng hóa): 4 hành vi: 19.750.000 đồng.

Xử phạt vi phạm hành chính: 129.600.000 đồng; Giá trị hàng hóa tịch thu đã bán sung quỹ nhà nước: 27.425.000 đồng. Tổng tiền nộp ngân sách nhà nước: 157.025.000 đồng; Giá trị hàng hóa tịch thu chờ bán sung quỹ nhà nước: 16.200.000đồng; Trị giá hàng hóa tiêu hủy: 18.599.000 đồng.

Đồng thời, vận động được 89 cơ sở ký cam kết không kinh doanh hàng hóa nhập lậu; không sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng giả...

Phan Đức

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/kinh-te/vinh-phuc-day-manh-cong-tac-chong-buon-lau-gian-lan-thuong-mai-557991/