Vĩnh Phúc: Đền Bà Chúa Thượng Ngàn

Đền Bà Chúa Thượng Ngàn Tam Đảo là một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của du lịch thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Đền nằm giữa chốn núi rừng đầy mộng mơ, quanh năm sương trắng. Đền Bà Chúa Thượng Ngàn Tam Đảo còn gọi là Đền Mẫu Thượng Tam Đảo. Nơi đây, Bà Chúa Thượng Ngàn được coi là con gái đầu của Quốc Mẫu Âu Cơ. Đây là một dị biệt về thân thế Mẫu Thượng Ngàn.

Đền thờ Bà Chúa Thượng Ngàn trên đỉnh núi Tam Đảo

Đền Bà Chúa Thượng Ngàn, năm trên đỉnh núi Tam Đảo cách trung tâm Tp Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) khoảng 25 km. Du khách đặt chân đến trung tâm của thị trấn Tam đảo và đi bộ tới đỉnh núi có đền thờ Bà Chúa Thượng Ngàn mất khảng 30 phút đi bộ. Từ cổng chính đi lên đền khoảng gần 300 bậc lên lưng chừng đỉnh núi Thiên Thị (nằm trong khu di tích Tam Đảo) cao chót vót nơi tọa lạc của di tích. Lối đi có hai hàng tay vịn bê tông cốt thép uốn lượn với những bậc đá quanh co giữa cánh rừng trúc thẳng cao bạt ngàn, thơ mộng, phủ trùm bóng mát khiến ta như lạc vào một cõi thần tiên.

Cổng vào đền Bà Chúa Thượng Ngàn

Đền Bà Chúa Thượng Ngàn có kiến trúc phương Đông ước lệ, mái lợp ngói miểng Thổ Hà, phía trên ngay cửa chánh điện có đắp phù điêu cặp rồng xanh đang giương nanh múa vuốt (lưỡng long tranh chầu). Các cột trụ vuông bốn mặt giả đăng đỉnh (trụ đèn), dọc cột có những hàng chữ Nho.

Phía sau đền Bà Chúa Thượng Ngàn là đền Quốc Mẫu Âu Cơ. Trước đây, đền Mẫu Âu Cơ nằm ở Phố Đình, trung tâm thị trấn, bị nhà nước phá, một số người dân đem tượng Bà giấu trong đền Chúa. Năm 1992, một bà thương gia giàu có mua mảnh đất nầy, xây đền, đưa tượng Bà qua thờ. Từ đó, với sự phù hộ linh thiêng của Mẫu Âu Cơ người phụ nữ giàu tâm đức ấy ngày càng thêm phát đạt.

Lối đi lên đền là hai hàng trung xanh mướt

Theo truyền thuyết kể lại rằng, vào khoảng đầu thế kỉ 20, chính quyền Pháp đã quyết định cho xây dựng Tam Đảo trở thành một trong những điểm nghỉ mát dành cho những vị quan chức Pháp ở Việt Nam. Bên cạnh việc xây lên những căn biệt thự lộng lẫy, Pháp cũng cho làm những con đường để đi lại được dễ dàng hơn. Vào khoảng thời gian ấy, có một nhà thầu phụ là người Việt Nam đã bỏ tiền của ra để xây dựng lên ngôi đền này. Trải qua các bước thăng trầm của lịch sử, thời gian ngôi đền hiện nay đã tố hảo, tráng lệ giữa bạt ngàn rừng xanh.

Phúc Vĩnh

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/vinh-phuc-den-ba-chua-thuong-ngan-61918