Vĩnh Phúc: Hoạt động du lịch chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh

Ngành du lịch đã có nhiều nỗ lực quảng bá hình ảnh quê hương, con người Vĩnh Phúc đến với du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hoạt động du lịch chưa thực sự tương xứng với tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Để ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang thực hiện nhiều giải pháp.

Chưa khai thác hết tiềm năng

Không gian lễ hội Tây Thiên đặc sắc. Ảnh: Đức Hiền

Vĩnh Phúc là tỉnh có nhiều thuận lợi cho việc phát triển du lịch, đó là những nét văn hóa riêng về cảnh quan thiên nhiên và bề dày truyền thống lịch sử... đã giúp Vĩnh Phúc có nhiều lợi thế phát triển các loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái, mạo hiểm, nghỉ dưỡng; tham quan di tích lịch sử, văn hóa, Lễ hội...Có thể kể đến những địa danh du lịch nổi tiếng không chỉ ở tỉnh mà còn trên toàn quốc như Khu du lịch Tam Đảo, Đại Lải… đều điểm nghỉ dưỡng lý tưởng dành cho du khách. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn phong phú mang giá trị cao như: Khu Di tích Danh thắng Tây Thiên, thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức, đền thờ Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn, tháp Bình Sơn – chùa Vĩnh Khánh, chùa Hà Tiên, cụm đình Hương Canh, đình Thổ Tang, Khu Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu… các lễ hội truyền thống (lễ hội Tây Thiên, lễ hội Chọi trâu, lễ hội đền Thính…); các làn điệu dân ca, dân vũ độc đáo (hát Trống quân, hát Soọng cô, hát Sình ca…) và các sản phẩm thủ công, làng nghề truyền thống ; trò chơi dân gian đặc sắc cùng nhiều món ăn đặc sản mang đậm màu sắc địa phương của Vĩnh Phúc cũng là sức hút du khách. Sẵn lợi thế về vị trí địa lý, lại có phong cảnh thiên nhiên đa dạng, môi trường sinh thái trong lành với nhiều danh lam thắng cảnh, văn hóa nổi tiếng, Vĩnh Phúc đã và đang là điểm đến hấp dẫn không chỉ du khách trong nước mà cả bạn bè quốc tế.

Những năm qua, lượng du khách đến tham quan và du lịch tại tỉnh luôn giữ tốc độ tăng trưởng bình quân 15 - 20%. Nếu như năm 2011, du lịch Vĩnh Phúc chỉ đón được 1,7 triệu lượt khách thì đến hết năm 2018 là 5,2 triệu lượt khách. Đặc biệt, tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh ước có trên 2,9 triệu lượt khách du lịch tới tham quan, nghỉ dưỡng, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, khách quốc tế hơn 24 nghìn lượt người. Doanh thu du lịch 6 tháng ước đạt 1.020 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2018.

Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng phát triển du lịch của tỉnh những năm qua có thể thấy, mặc dù lượt khách du lịch đến tỉnh tăng nhanh, nhưng doanh thu từ du lịch, nộp ngân sách, số lượng khách lưu trú và thời gian lưu trú của khách còn thấp hơn so với các tỉnh có điều kiện phát triển du lịch. Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch chưa thực sự đa dạng, thiếu các khu vui chơi giải trí, mua sắm và các loại hình dịch vụ mới, làm hạn chế lưu lượng khách đến, mức chi tiêu bình quân thấp.

Nhà thờ đá Tam Đảo, điểm du lịch hấp dẫn du khách. Ảnh: Lê Hoàn

Nguyên nhân của thực tế này là do cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch trong tỉnh còn thiếu, chất lượng thấp. Môi trường du lịch còn những vấn đề chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Sản phẩm du lịch mới chỉ dựa trên những gì sẵn có, ít nghiên cứu đầu tư phát triển sản phẩm mới.

Phấn đấu trở thành trung tâm du lịch phía Bắc

Thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mỗi nhọn và Nghị quyết số 01 của BCH Tỉnh ủy khóa XV về phát triển dịch vụ, du lịch tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011-2020 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhằm đảm bảo thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phù hợp định hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ngày 31/8/2018, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 41, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 trở thành trung tâm du lịch của khu vực phía Bắc, thu hút 50.000 lượt khách quốc tế và 6,5 triệu khách nội địa, với doanh thu 2.600 tỷ đồng; 2030 thu hút 150 ngàn lượt khách quốc tế và 15,6 triệu lượt khách nội địa, doanh thu 10.000 tỷ đồng.

Để hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành du lịch cần chú trọng xây dựng môi trường du lịch phát triển bền vững; phát triển không gian du lịch, mở rộng tính liên kết vùng gắn với trọng điểm du lịch... Bên cạnh việc quy hoạch, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển du lịch trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức như thông qua hội nghị, hội thảo, tổ chức các đoàn đi xúc tiến du lịch tại nước ngoài; tranh thủ sự giúp đỡ của các hiệp hội, thương nhân là người Việt Nam, người Vĩnh Phúc tại nước ngoài… để thu hút các dự án đầu tư, nguồn lực tài chính đầu tư phát triển du lịch. Trong đó, cần triển khai mạnh mẽ các ứng dụng công nghệ, phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành, các điểm đến du lịch để đáp ứng nhu cầu và xu hướng du lịch mới của du khách trong nước và quốc tế…

Song song với các nhiệm vụ đó là chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao nhận thức của cộng đồng, Vĩnh Phúc cố gắng gìn giữ môi trường du lịch, tạo điều kiện thuận lợi để người dân địa phương trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch...

Lê Hoàn

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/vinh-phuc-phat-trien-du-lich-thanh-nganh-kinh-te-mui-nhon-70279