Vĩnh Phúc hướng tới mục tiêu bảo hiểm y tế toàn

Xác định bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách lớn, một trong những trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội. Hệ thống cấp ủy và chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc triển khai đồng bộ các cấp thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư. Sau 10 năm việc thực hiện chế độ BHYT trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực; số người tham gia BHYT năm sau luôn cao hơn năm trước, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn được cải thiện, chất lượng hoạt động khám, chữa bệnh (KCB) được nâng lên, từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân.

Nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 38-CT/TW, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo sát với tình hình thực tế của địa phương như: Tỉnh ủy đã ban hành Thông tri số 37-TTr/TU, ngày 29/1/2010 về thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 12 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, trong đó: Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 04 nghị quyết; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 02 chỉ thị, 04 kế hoạch, 02 quyết định. Chỉ đạo đưa các chỉ tiêu thực hiện chính sách BHYT vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm của địa phương; tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác BHYT nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân, tạo điều kiện cho người dân tích cực tham gia BHYT và thụ hưởng các chế độ, chính sách BHYT.

Để nhanh chóng đạt lộ trình BHYT toàn dân, giúp người dân thấy được lợi ích thiết thực khi tham gia BHYT. Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi và khuyến khích ngày càng nhiều người dân tham gia BHYT: Từ năm 2013, hỗ trợ thêm cho 100% người cận nghèo tham gia BHYT; từ năm 2015, quy định 4 đối tượng được hỗ trợ như sau: Người thứ nhất trong hộ gia đình và học sinh, sinh viên được hỗ trợ 20% mức đóng; Người cao tuổi từ 60 đến dưới 70 tuổi được hỗ trợ 30% mức đóng; Người cao tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi được hưởng hỗ trợ 50% mức đóng. Với chính sách hỗ trợ của Vĩnh Phúc từ năm 2015; mỗi năm có khoảng 300.000 lượt người được hỗ trợ, tổng số tiền hỗ trợ của 4 năm qua là: 101,8 tỷ. Cụ thể: Năm 2015: có 26.376 người được hỗ trợ, số tiền là: 3,6 tỷ. Năm 2016: có 238.574 người được hỗ trợ, số tiền là: 27,3 tỷ. Năm 2017: có 318.045 người được hỗ trợ, số tiền là: 36,6 tỷ. Năm 2018: có 406.850 người được hỗ trợ, số tiền là: 34,3 tỷ.

Vĩnh Phúc hướng tới Bảo hiểm y tế toàn dân

Vĩnh Phúc hướng tới Bảo hiểm y tế toàn dân

Với mục tiêu thực hiện BHYT toàn dân, tỷ lệ người dân trên địa bàn tỉnh tham gia BHYT đã tăng rất nhanh, năm 2009 chỉ có 556.679 người tham gia BHYT, chiếm tỷ lệ bao phủ là 55,2% dân số thì đến 31/12/2018 tổng số người tham gia là 965.161 người, chiếm tỷ lệ 88,6% dân số và đến hết tháng 4/2019 tổng số người tham gia là 990.007 người, đạt 90% dân số. Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW đã tăng được 433.328 người tham gia BHYT (tương đương với 34,8%).

Đến hết năm 2018, trên địa bàn tỉnh hiện có 15 cơ sở khám chữa bệnh công lập trực thuộc Sở Y tế với tổng số 3.110 giường bệnh; 137 trạm y tế xã, phường, thị trấn trực thuộc trung tâm y tế các huyện, thành phố; 3 bệnh viện trực thuộc Bộ, ngành khám chữa bệnh BHYT, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT, các cơ sở khám, chữa bệnh đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế giúp người dân được hưởng thụ một cách tốt nhất các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Đây cũng được xem là giải pháp then chốt để vận động người dân tham gia BHYT. Theo đó, ngành Y tế đã tập trung các hoạt động cải cách quy trình khám, chữa bệnh, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực. Đặc biệt, nhiều kỹ thuật mới của các bệnh viện tuyến trên được chuyển giao thành công và đi vào thực hiện hiệu quả tại các bệnh viện tuyến tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới vẫn còn một số hạn chế như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách BHYT chưa được thường xuyên. Chất lượng KCB ở một số cơ sở KCB trong tỉnh đã được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn nên tình trạng chuyển tuyến điều trị còn cao, nhất là chuyển tuyến Trung ương. Việc phát triển chuyên môn kỹ thuật theo phân tuyến và các kỹ thuật chuyên sâu của tuyến trên tại một số cơ sở KCB còn hạn chế do thiếu về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nguồn nhân lực; đặc biệt là ở những cơ sở đang hoạt động nhờ, dồn ghép trong khi chờ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất.

Để bảo đảm về đích lộ trình BHYT toàn dân, phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có từ 99% người dân tham gia, đồng thời giải quyết những hạn chế tồn tại, giữ vững tỷ lệ và gia tăng lượng người tham gia BHYT Vĩnh Phúc chú trọng song hành việc phát triển đối tượng tham gia BHYT với nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng tăng của người dân, nhất là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, tập trung phát triển BHYT hộ gia đình và duy trì bền vững các nhóm đối tượng đang có thẻ BHXH… Với những nỗ lực trên người dân từng bước thay đổi nhận thức, tin tưởng và lựa chọn BHYT trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống./.

Hà Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vinh-phuc-huong-toi-muc-tieu-bao-hiem-y-te-toan-a454835.html