Vĩnh Phúc lên tiếng việc nhà hát 800 tỷ đồng thường xuyên đóng cửa

Xung quanh thông tin báo chí phản ánh về Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc được đầu tư gần 800 tỷ đồng nhưng thường xuyên đóng cửa, ngày 26/10, trả lời báo Đại Đoàn Kết - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc Trần Ngọc Oanh cho biết, hiện nay đã có Đề án khai thác Nhà hát nhưng đang đợi UBND tỉnh phê duyệt.

Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Tất Định.

Cụ thể, theo Giám đốc Sở VHTTDL Trần Ngọc Oanh cho biết: “Chính phủ ban hành Thông tư 102 về việc cho thuê tài sản. Về vần đề này đã được Sở VHTTDL Vĩnh Phúc thống nhất với Sở Tài chính để hoàn thiện đề án khai thác công năng sử dụng của Nhà hát Vĩnh Phúc, tránh để nhà hát bị “im”. Tất nhiên, “im” ở đây không phải như mọi người hiểu”. Cũng theo ông Oanh, sau khi Đề án được phê duyệt, tỉnh mời các đối tác đến để khai thác với mong muốn thiết chế văn hóa này xứng với tầm vóc, để toàn nhân dân được hưởng thụ.

Trả lời câu hỏi, nhà hát thưa vắng có phải bù lỗ hay không? Giám đốc Sở VHTTDL cho biết hiện tại Sở được giao quản lý tạm thời nhà hát, trong khi đó các chương trình diễn ra ở đây đều do các đơn vị tổ chức thực hiện nên chưa tính đến lỗ lãi. “Chúng tôi chờ Đề án ban hành lúc đó mới tính đến các phương án có thu. Ngoài ra, hiện nay chúng tôi đang tổ chức sáp nhập các đơn vị về quản lý nhà hát lúc đó sẽ tính việc tự chủ về tài chính” - ông Trần Ngọc Oanh chia sẻ.

Xung quanh vấn đề này, ông Ngô Duy Đông - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ thêm: “Nhà hát Vĩnh Phúc là sự mong đợi của cán bộ và nhân dân Vĩnh Phúc trong nhiều năm nay với mong muốn phát triển văn minh, hiện đại. Nhà hát, quảng trường công viên, bảo tàng cũng như các công trình phúc lợi, văn hóa công cộng là thiết chế văn hóa được mong đợi từ lâu, cũng là tiêu chí cần có của đô thị văn minh”.

Ông Đông cũng giải thích thông tin việc báo chí đưa trong thời gian qua có phần hiểu sai. Rằng đây không phải nhà hát giao hưởng, công trình này theo lãnh đạo Sở là thiết chế văn hóa đa năng, ngoài địa điểm biểu diễn còn là nơi tổ chức sự kiện quan trọng từ chính trị, văn hóa, sắp tới là sự kiện Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ X tại tỉnh Vĩnh Phúc năm 2018.

Còn về việc Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc thường xuyên đóng cửa, ít tổ chức chương trình diễn, Phó Giám đốc Sở VHTTDL cũng cho biết bước đầu Nhà hát đã đạt được những mong muốn bởi một số hạng mục hoàn thiện, nhiều sự kiện lớn tầm quốc gia, quốc tế được tổ chức tại đây như Festival âm nhạc mới Á-Âu, Hòa nhạc Toyota, Tuần lễ chiếu phim Ấn Độ, Liên hoan múa rối quốc tế.

* Ngày 26/10, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức họp báo giới thiệu Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ X tại tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2018, với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc trong thời kỳ đổi mới – hội nhập và phát triển bền vững đất nước”.

Ngày hội diễn ra từ ngày 2 đến 4/11 tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, với sự tham gia của trên 1.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, vận động viên quần chúng đồng bào các dân tộc 10 tỉnh.

Lễ khai mạc Ngày hội sẽ diễn vào tối 2/11 tại nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc (TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc). Tại Lễ khai mạc, đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam sẽ trao tặng bằng ghi danh Nghi lễ trò chơi Kéo co được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trong khuôn khổ của Ngày hội sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa như: Liên hoan văn nghệ quần chúng; Trình diễn trang phục truyền thống dân tộc; Trình diễn, giới thiệu, quảng bá văn hóa đặc trưng của các dân tộc; Trưng bày, giới thiệu ẩm thực dân tộc. Đồng thời, Ngày hội cũng diễn ra các hoạt động bóng đá, kéo co, tùng còn, bắn nỏ, đẩy gậy, vật dân tộc… H.M.

Hoàng Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/vinh-phuc-len-tieng-viec-nha-hat-800-ty-dong-thuong-xuyen-dong-cua-tintuc421023