Vĩnh Phúc: Nhìn lại Lễ hội Xuân Mậu Tuất 2018

Công tác quản lý và tổ chức các lễ hội Xuân Mậu Tuất 2018 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có sự chuyển biến tích cực, diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian sôi nổi, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia.

Lễ hội Rước kiệu xã Đại Đồng, Vĩnh Tường được tổ chức trang trọng, an toàn

Tỉnh Vĩnh Phúc vừa tổ chức hội đánh giá kết quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội xuân Mậu Tuất năm 2018. Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, dịp đón Xuân Mậu Tuất, công tác tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực, đi vào nền nếp. Các lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian sôi nổi, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia. Một số lễ hội quy mô lớn, được đầu tư tổ chức công phu như lễ hội Tây Thiên, lễ hội đền Bắc Cung, hội chọi trâu Hải Lựu...

Các lễ hội có tập tục mang yếu tố bạo lực đã chuyển đổi hình thức thực hành nghi lễ. Đặc biêt, tại Lễ hội Cướp phết ( xã Bàn Giản, Lập Thạch) không tổ chức "cướp" mà chỉ thực hành trình diễn nghi lễ; tại lễ hội Rước kiệu (xã Đại Đồng, Vĩnh Tường) chỉ rước kiệu trong phạm vi không gian lễ hội mà không rước kiệu đi quá xa làm ảnh hưởng đến TTATGT, nhận được sự đánh giá tích cực từ dư luận và cộng đồng.

Công tác tuyên truyền, giới thiệu về ý nghĩa, giá trị của di tích, lễ hội được quan tâm. Đặc biệt, việc phân cấp quản lý và tổ chức lễ hội đã góp phần quan trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như tạo điều kiện thuận lợi giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa tốt đẹp của các vùng, miền.

Tuy nhiên tại một số lễ hội ở Vĩnh Phúc vẫn còn những tồn tại cần khắc phục như hiện tượng chen lấn, xô đẩy tranh cướp lộc, bán hàng rong, ăn xin, cờ bạc, đổi tiền hưởng chênh lệch..., đặc biêt tại lễ hội Tây Thiên xuất hiện tình trạng “chặt chém” phí gửi xe của du khác gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân.

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã đưa ra những giải pháp trọng tâm và cụ thể nhằm khắc phục, xử lý những hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Trong đó có việc tăng cường thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội; quy định tính minh bạch, công khai trong lễ hội; bảo tồn và phát huy có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ; đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc và giá trị của lễ hội, di tích, nhân vật được thờ phụng, tôn vinh.

Tỉnh Vĩnh Phúc xác định công việc trọng tâm trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh việc cần ban hành quy chế quản lý lễ hội; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau lễ hội, tiếp tục kiểm kê các di tích văn hóa vật thể và phi vật thể; có kế hoạch trùng tu, bảo tồn các di tích, lịch sử văn hóa, đặc biệt là khu danh thắng Tây Thiên; có kế hoạch xây dựng, bảo tồn, công nhận các di tích văn hóa phi vật thể.

Ngoài ra, chính quyền địa phương cần vào cuộc một cách mạnh mẽ; chú trọng công tác truyền thông, xây dựng các đề tài khoa học, các hoạt cảnh chèo về lịch sử lễ hội...

Ngoài ra, cần quản lý tốt vấn đề tiền công đức ... để các lễ hội tiếp theo được tốt hơn.

Lê Hoàn

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/vinh-phuc-danh-gia-cong-tac-to-chuc-le-hoi-xuan-mau-tuat-61348