Vĩnh Phúc: Những bí thư 'hai giỏi' ở Hồ Sơn

Hồ Sơn là một xã miền núi của huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. 30% dân số sinh sống ở đây là đồng bào dân tộc ít người. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, các đảng viên chi bộ Hồ Sơn luôn đi đầu trong xây dựng hiệu quả các mô hình kinh tế hộ gia đình, tạo sự lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân.

Nông dân xã Hồ Sơn (Tam Đảo) trồng rau su su theo tiêu chuẩn VietGap. Ảnh: Kim Ly

Những ngày đầu tháng 9 năm 2018, tôi có dịp về Hồ Sơn. Theo lời giới thiệu của đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy xã Trần Văn Hồng, tôi đến thăm Đồng Bả và Đồng Thanh - nơi được gọi vui là hai thôn "tiền tiêu" của xã, có 2 Bí thư chi bộ được mệnh danh là Bí thư “hai giỏi” (làm kinh tế giỏi, lãnh đạo giỏi) được nhân dân tin yêu, quý trọng.

Thôn Đồng Bả tọa lạc trên dải đất khá cao, nằm trọn giữa đại ngàn Tam Đảo. Từ trụ sở UBND xã khoảng hơn cây số, men theo con đường bê tông phẳng, đẹp, qua những vựa lúa, vựa su su ngút ngàn, thả hồn theo điệu soọng cô văng vẳng, ngân nga, chưa đầy 10 phút tôi đã có mặt tại nhà ông Lưu Văn Ngọc (dân tộc Sán Dìu) - Bí thư chi bộ thôn Đồng Bả. Sau lời chào hỏi xã giao, tôi chủ động nêu vấn đề cần tìm hiểu:

Chi bộ thôn Đồng Bả nhiều năm đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh, đơn vị tiên phong trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Để có được thành tích này, bản thân với vai trò “đầu tàu”, "linh hồn" của chi bộ, ông đã vượt qua khó khăn bằng cách nào? - Tôi hỏi :

Ông Ngọc cho biết: Chi bộ thôn Đồng Bả hiện nay có 27 đảng viên, trong đó có 14 đảng viên làm ăn giỏi, 13 đảng viên làm ăn khá. Họp chi bộ được quy định vào ngày mùng 5 hằng tháng. Ngoài việc phổ biển các chỉ thị, nghị quyết mới của Đảng và Nhà nước, truyền đạt, triển khai công việc trong tháng, các đảng viên còn chia sẻ với nhau kinh nghiệm làm kinh tế gia đình của bản thân. Chính những tấm gương đảng viên có nhiều cách thức sáng tạo trong làm ăn kinh tế đã tác động lớn đến quần chúng nhân dân đặc biệt là đồng bào dân tộc Sán Dìu.

Ông Ngọc chia sẻ thêm: Trên cương vị là Bí thư Chi bộ, tôi luôn mong muốn mọi người dân đều có cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, để công tác tuyên truyền đến bà con được thiết thực, tôi xác định trước tiên bản thân mình phải gương mẫu. Có như vậy, người dân mới tin và làm theo.

Biến suy nghĩ thành hành động, ông Ngọc đã mạnh dạn vay vốn phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Hiện tại, gia đình ông có gần 2 ha đất trồng cây ba kích, cây ăn quả kết hợp chăn nuôi gà, vịt… Đồng thời, ông còn đầu tư mở cửa hàng bán tạp hóa, phục vụ nhu cầu thiết yếu của bà con và nâng cao thu nhập gia đình. Từ một hộ có mức sống trung bình, đến nay gia đình ông Ngọc đã vươn lên, có kinh tế vững nhất thôn Đồng Bả, thu nhập mỗi năm đạt trên 150 triệu đồng. Vợ ông là bà Lăng Thị Lèo hiện đang giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã kiêm chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn Đồng Bả. Bên cạnh việc cùng chồng phát triển kinh tế gia đình, bà còn tích cực tham gia công tác xã hội, được đồng bào suy tôn là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2016, bà Lèo vinh dự được Bộ trưởng Ủy ban Dân tộc Trung ương tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.

Để tạo sự đồng thuận trong bà con, ông Ngọc luôn gần dân, nắm bắt hoàn cảnh của từng gia đình, động viên, hướng dẫn đồng bào phát triển kinh tế. Tranh thủ vào các buổi tối, ông đến từng gia đình, tuyên truyền, vận động bà con tích cực tham gia các phong trào như: Tập huấn chuyển giao kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, kế hoạch hóa gia đình, phòng, chống tội phạm… Bằng uy tín và sự gương mẫu, đi đầu, những việc làm của ông đều được bà con nhiệt tình hưởng ứng, làm theo.

Vừa làm kinh tế, vừa công tác tại Ban Tư pháp xã lại giữ vai trò Bí thư thôn, ông có gặp khó khăn gì không ạ?

Không hề nhé, mình làm Bí thư thì phải đi đầu thôi, vận động từ người trong nhà, trong họ hàng, làng xóm, ai thấy mình làm được thì làm theo và ủng hộ. Vì thế mà công việc của xã cũng suôn sẻ, việc nhà cũng băng băng…”. Ông Ngọc cười vui trả lời.

Ông Trần Văn Hồng, Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết thêm: Thôn Đồng Bả có 262 hộ với gần 1000 khẩu, trong đó có 120 hộ là đồng bào dân tộc Sán Dìu. Hiện nay thôn chỉ còn 11 hộ nghèo. Số hộ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa chiếm 85%. Trong thôn không còn ai mù chữ. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật được phổ biến đến tận người dân khiến tệ nạn xã hội trong thôn giảm hẳn. Công tác bảo vệ rừng Tam Đảo được địa phương chú trọng. Thôn đã huy động nhân dân đóng góp tiền của, nhân lực, vật lực xây dựng hệ thống ống dẫn nước dài gần 5 km đưa nước sạch từ Tam Đảo đến các bể chứa của từng hộ gia đình, góp phần cải thiện điều kiện sống, nâng cao sức khỏe người dân. Có được thành quả đó, vai trò của người đứng đầu thôn xóm là hết sức quan trọng. Ông Lưu Văn Ngọc được chính quyền và nhân dân tin tưởng, quý mến. Năm 2017, ông Ngọc đã vinh dự được Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp tặng bằng khen cho những đóng góp rất tích cực của ông trong công tác giữ gìn an sinh xã hội và nhiều giấy khen của các cấp, các ngành trong tỉnh.

Rời thôn Đồng Bả khi mặt trời đã đứng bóng. Ánh nắng chói chang của buổi trưa hè không ngăn được bước chân tôi. Từ Đồng Bả đến Đồng Thanh chừng 3 km, đường bê tông phẳng phiu nên chỉ sau 15 phút tôi đã có mặt tại gia đình cựu chiến binh Lê Văn Hải - Bí thư chi bộ thôn Đồng Thanh. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà 2 tầng kiên cố, khang trang với đầy đủ tiện nghi hiện đại, ông Lê Văn Hải chia sẻ: Năm 1990, ông xuất ngũ trở về địa phương. Năm 2003, ông được bầu làm trưởng thôn. Khi đó, kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn, chỉ trông vào mấy sào ruộng nên gia đình ông rất vất vả trong việc nuôi các con ăn học. Sau nhiều lần suy tính, ông quyết định đầu tư chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ban đầu ông nuôi lợn nái để chủ động nguồn con giống. Năm 2008, ông quyết định xây thêm chuồng trại, nuôi gà thả vườn. Để có thêm kinh nghiệm, ông thường xuyên tham gia các buổi tập huấn kỹ thuật do Chi cục Thú ý tỉnh tổ chức rồi đi thăm quan, học tập các mô hình chăn nuôi khác. Hiện nay, gia đình ông nuôi lợn nái, gà thương phẩm. Trừ chi phí, mỗi năm trang trại của ông cho thu lãi gần 200 triệu đồng. Chăn nuôi có hiệu quả là vậy, nhưng khi xã có chủ trương phát triển cây su su thương phẩm, ông cùng gia đình đầu tư vào trồng loại cây có giá trị kinh tế cao này. Mỗi sào su su của gia đình ông cho thu lãi từ 10 đến 15 triệu đồng/ 1 sào/ năm.

Theo chân ông Hải ra thăm khu chăn nuôi, tôi không khỏi bất ngờ trước cơ ngơi chuồng trại hiện đại của gia đình. Nhìn vẻ mặt phấn chấn của ông, tôi cảm nhận rất rõ sự no ấm, thành công đang hiện hữu ở nơi đây.

Bây giờ đi đến đâu cũng có hộ gia đình làm kinh tế giỏi, hộ thì làm kinh tế đồi rừng, hộ chăn nuôi, trồng rau su su, làm dịch vụ… tất cả đều nhìn nhau mà phấn đấu - Ông Hải phấn khởi cho biết thêm.

Liên tục 2 khóa làm trưởng thôn kiêm Bí thư chi bộ, điều gì làm ông nhớ mãi ạ?

Nói thực là có nhiều kỷ niệm lắm cô ạ. Mỗi khóa lại có dấu ấn riêng. Ví như vận động bà con làm đường giao thông, bản thân tôi đã tự nguyện hiến gần 100 m2 đất và nhiều ngày công để làm đường. Hay việc vận động nhân dân phát triển kinh tế cũng vậy. Nhân dân thấy tôi làm cho thu nhập cao cũng học hỏi kinh nghiệm và làm theo. Đến nay cơ sở hạ tầng của thôn được quy hoạch khang trang. 100% học sinh đều được phổ cập giáo dục tiểu học trở lên, trật tự trị an thôn, xã được đảm bảo, nhiều hộ trong thôn có mức kinh tế khá giả, sung túc … - Ông Hải chia sẻ.

Trò chuyện với các đồng chí lãnh đạo xã và một số bà con nơi đây, tôi được biết thêm: Đồng Thanh là thôn trung tâm của xã, các hộ sản xuất kinh doanh sống xen với các hộ sản xuất nông nghiệp nên việc nắm bắt tư tưởng, vận động nhân dân phải thực sự khéo léo, có vậy công việc mới trôi chảy. Ông Hải luôn xuất hiện trong mọi việc vui, buồn của thôn. Nhờ sự gần gũi, tâm huyết của ông trong công tác xây dựng chi bộ, trong vận động, tuyên truyền mà nhiều năm qua, ông luôn được nhân dân tín nhiệm, chi bộ thôn Đồng Thanh liên tục nhiều năm đạt danh hiệu "Chi bộ trong sạch vững mạnh".

Đã qua trưa, cái nắng cũng bớt gay gắt hơn. Tôi dừng ghi chép mà trong lòng còn luyến tiếc, bởi câu chuyện về những Bí thư “hai giỏi” nơi đây vẫn còn dài lắm. Chợt nhớ tới lời ca trong nhạc phẩm “Một đời người, một rừng cây” của nhạc sỹ Trần Long Ẩn. Lời ca như thể viết tặng cho các Bí thư “hai giỏi” ở Hồ Sơn. Cuộc sống ngày càng tươi đẹp, bởi luôn có những cán bộ, đảng viên như thế!

Ghi chép của Đỗ Hà (Hội VHNT Vĩnh Phúc) |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/vinh-phuc-nhung-bi-thu-hai-gioi-o-ho-son-63891