Vĩnh Phúc: Nỗi lo an toàn giao thông ngày mùa

Mỗi khi mùa gặt về, nhiều tuyến đường làng, tỉnh lộ, thậm chí cả các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh lại bị người dân chiếm dụng, biến thành 'sân nhà' để tuốt lúa, phơi thóc và xử lý rơm, rạ. Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, làm hư hỏng nền đường, mà còn ảnh hưởng đến giao thông, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn.

Nhiều người dân ở xã Tân Phong (Bình Xuyên) chiếm lòng đường
để phơi thóc, gây cản trở và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông

Những ngày cuối tháng 9, trên khắp các cánh đồng, bà con đang thu hoạch lúa Mùa. Nếu như trước đây, sau khi thu hoạch xong, người dân chở lúa về nhà, thì nay, họ lại tận dụng luôn đường làng, bờ ruộng để tuốt lúa. Đường làng thì nhỏ, chiếc máy tuốt lúa chiếm quá nửa phần đường, gây ách tắc giao thông. Đấy là chưa kể, một số người còn vô ý để cửa xả rơm hướng ra đường, khiến người tham gia giao thông phải đứng lại chờ tuốt lúa xong mới có thể di chuyển tiếp.

Không chỉ là nơi tuốt lúa, nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh còn bị người dân chiếm dụng, trở thành sân phơi thóc, lúa, rơm, rạ. Có những đoạn đường, người dân phơi thóc, phơi rơm tràn ra đến giữa đường và ngang nhiên đi lại để cào thóc, gẩy rơm, bất chấp tiếng còi của các phương tiện tham gia giao thông. Nhiều người còn mang thêm cả gạch, đá, cành cây, khúc gỗ to… để che chắn, không cho các phương tiện đi qua khu vực phơi thóc của gia đình. Thậm chí, để có diện tích cố định, hiện nay, nhiều người đã dùng sơn kẻ vạch, ghi tên trên đường.

Đơn cử, tại tuyến đường liên huyện, đoạn qua xã Tân Phong, thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên), cả đoạn đường dài hơn 2 km bị người dân kẻ vạch, ghi tên chiếm dụng làm sân phơi nông sản. Việc chiếm dụng lòng đường để tuốt lúa, phơi thóc, rơm, rạ làm cản trở các phương tiện tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Đặc biệt, thời điểm chiều tối, người dân mang xe ra để thu dọn thóc, lúa, rơm... khiến các phương tiện giao thông qua khu vực này phải đi lấn sang phần đường bên cạnh, rất dễ xảy ra tai nạn nếu thiếu quan sát.

Trong những ngày nắng nóng, việc phơi rơm trên đường còn là nguyên nhân chủ yếu khiến các phương tiện giao thông bị cháy. Điển hình, ngày 6/6/2018, trên Quốc lộ 2A đoạn qua xã Đại Đồng (Vĩnh Tường), chiếc xe taxi mang biển kiểm soát 88A - 179.64 bất ngờ bốc cháy giữa đường. Dù tài xế và người dân nỗ lực dập lửa, nhưng toàn bộ phần đuôi xe đã bị thiêu rụi, ước tính thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do rơm cuốn vào bánh xe.

Việc lấn chiếm lòng đường làm nơi phơi nông sản không chỉ ảnh hưởng đến các phương tiện tham gia giao thông, mà còn gây nguy hiểm cho chính những người nông dân. Mới đây, trên đường liên huyện đoạn qua xã Tân Phong, thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên) đã xảy ra va quệt giữa một xe máy với nam thanh niên đang cào thóc. Rất may, do xe máy di chuyển chậm nên cả người điều khiển phương tiện và nam thanh niên chỉ bị xây xát nhẹ.

Ông Nguyễn Văn Hiển, thôn Tân An, xã Tân Phong cho biết: "Mặc dù biết việc phơi thóc trên đường là rất nguy hiểm, nhưng, do diện tích sân phơi chật hẹp, trong khi, việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp khiến lượng thóc thu hoạch trong ngày dồn về nhiều, nên gia đình tôi buộc phải phơi thóc trên đường".

Không chỉ tận dụng lòng đường để phơi nông sản, nhiều gia đình không có nhu cầu sử dụng rơm, rạ nên đã gom lại và đốt ngay tại ruộng, thậm chí là đốt cả ở ven đường gây ô nhiễm môi trường, hư hỏng nền đường. Những đám khói dày đặc từ việc đốt rơm, rạ còn che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Trước thực trạng đó, hàng năm, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh đều có văn bản yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh để nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và các công trình giao thông, không phơi rơm, rạ, thóc, lúa, để máy tuốt lúa trên đường giao thông, đặc biệt là không đốt rơm, rạ trên đường; rà soát, thống kê các chủ máy tuốt lúa trên địa bàn và yêu cầu họ ký cam kết không hoạt động trên lòng đường giao thông, không tuốt lúa, phun rơm ra lòng đường giao thông, nếu vi phạm sẽ lập biên bản tạm giữ máy tuốt không cho hoạt động và xử lý theo quy định của pháp luật; chỉ đạo lực lượng công an cùng lực lượng dân quân địa phương thường xuyên tổ chức tuần tra, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm...

Tuy nhiên, việc triển khai tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Đồng chí Nguyễn Văn Tình, Chủ tịch UBND xã Hồng Phương (Yên Lạc) cho biết: "Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh nhằm nâng cao nhận thức của người dân; đồng thời, giao lực lượng công an xã tiến hành tuần tra, nhắc nhở và xử lý vi phạm. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, nên nhắc nhở lúc này, lúc khác người dân lại mang ra phơi nên tình trạng này vẫn cứ diễn ra".

Khoản 1, Điều 12, Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt quy định: Phạt tiền từ 100 - 200 nghìn đồng đối với cá nhân và từ 200 - 400 nghìn đồng đối với tổ chức có hành vi phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản và đặt máy tuốt trên đường bộ. Quy định đã có và khá cụ thể, nhưng, tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn hàng năm.

Thiết nghĩ, để đảm bảo an toàn giao thông trong ngày mùa, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp, ngành, chính quyền địa phương trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đặc biệt, người dân cần nâng cao ý thức tự giác, không lấn chiếm lòng đường để phơi nông sản, không đốt rơm, rạ ven đường, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.

Nguồn: Báo Vĩnh Phúc

Nguồn Bộ GTVT: http://mt.gov.vn/vn/tin-tuc/56877/vinh-phuc--noi-lo-an-toan-giao-thong-ngay-mua.aspx