Vĩnh Phúc: Phấn đấu hoàn thành tiêu chí số 7

Tuy là tiêu chí 'mềm' trong xây dựng nông thôn mới nhưng những năm qua ngành Công Thương Vĩnh Phúc đã huy động nhiều nguồn vốn cho thực hiện tiêu chí số 7 về hạ tầng thương mại nông thôn.

Theo quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, trung tâm thương mại tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, định hướng đến 2030, đến năm 2020 Vĩnh Phúc có 97 chợ nông thôn với 60 chợ xây mới, 37 chợ nâng cấp cải tạo. Thực hiện quy hoạch trên, Sở Công Thương Vĩnh Phúc đã tham mưu UBND tỉnh ban hành những khuyến khích xây dựng hạ tầng thương mại nông thôn, trong đó, nổi bật là chính sách ưu tiên hỗ trợ kinh phí. Theo đó, với các xã đầu tư chợ hạng III sẽ được tỉnh hỗ trợ không quá 2 tỷ đồng/chợ cho các hạng mục: Bồi thường, hỗ trợ tái định cư; san nền, xây đường nội bộ chợ…

Phát triển chợ mới trên cơ sở các tụ điểm kinh doanh sẵn có

Tính đến hết tháng 6/2019, tổng kinh phí huy động dành cho hoàn thiện hạ tầng thương mại nông thôn của Vĩnh Phúc đạt trên 238,5 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ ngân sách địa phương là chủ yếu, vốn doanh nghiệp và dân đóng góp đạt khoảng 13 tỷ đồng.

Theo đánh giá từ Sở Công Thương Vĩnh Phúc, các giải pháp, nhất là nguồn vốn được đầu tư kịp thời đã giúp hệ thống hạ tầng thương mại nông thôn trên địa bàn tỉnh từng bước hoàn thiện và đồng bộ; chợ nông thôn được đầu tư khang trang, bảm đảm vệ sinh môi trường. Tính đến hết tháng 6, Vĩnh Phúc đã có 64/66 chợ hoàn thành và đưa vào sử dụng, 98,18% số xã trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chí số 7, chỉ còn 2 xã Tứ Yên, huyện Sông Lô và xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương chưa đạt.

Những kết quả đạt được cũng giúp nhận thức của chính quyền địa phương về đầu tư xây dựng chợ và tiêu chí chợ nông thôn mới được chuyển biến một bước. Chính quyền địa phương theo đó cũng chủ động hơn trong huy động nguồn vốn đối ứng, gắn trách nhiệm của địa phương khi thực hiện tiêu chí này.

Tuy nhiên, theo đại diện Sở Công Thương Vĩnh Phúc, mặc dù tỉnh sắp chạm đích tiêu chí số 7 nhưng việc huy động nguồn vốn đối ứng từ các xã rất khó khăn. Nhất là khi chủ đầu tư là các xã chủ yếu dựa vào nguồn đấu giá sử dụng đất ở địa phương và một phần huy động từ việc cho thuê ki-ốt, huy động vốn từ nhân dân là rất khó. Cùng đó, việc đầu tư chợ tại một số địa phương đạt hiệu quả chưa cao do nhu cầu hợp chợ thấp.

Hơn nữa, một số chợ nông thôn đã được phê duyệt địa điểm trước khi quy hoạch mạng lưới chợ nên diện tích vượt quá yêu cầu theo quy hoạch. Một số địa phương quy hoạch lại chợ gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng do vướng mắc Nghị định số 42/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và sử dụng đất lúa.

Với những vướng mắc trên, Sở Công Thương sẽ công khai, minh bạch trong đầu tư chợ, phát triển chợ mới trên cơ sở các tụ điểm kinh doanh sẵn có và có quỹ đất đảm bảo cho đầu tư khai thác chợ; tăng cường công tác kiểm tra ngay từ khi lập quy hoạch, bảo đảm xây dựng chợ đạt chuẩn nông thôn mới, tránh lãng phí khi đầu tư.

Năm 2020, Sở Công Thương Vĩnh Phúc tiếp tục đôn đốc 2 xã Đồng Tĩnh, Tứ Yên hoàn thành các hạng mục chợ để đưa vào sử dụng; tiếp tục duy trì tiêu chí số 7 tại các xã đã hoàn thành.

Hải Ninh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vinh-phuc-phan-dau-hoan-thanh-tieu-chi-so-7-123717.html