Vĩnh Phúc phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững

Vĩnh Phúc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM), từng bước nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập, hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững.

"Cú hích" tái cơ cấu nông nghiệp

Vĩnh Phúc là tỉnh có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản. Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, “bộ mặt” của các địa phương trong tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Việc thực hiện tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp không chỉ phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương mà còn giúp người dân tăng cường tính chủ động, đổi mới tư duy sản xuất, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.

Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được thực hiện. Đây được coi là “cú hích” giúp nông nghiệp phát triển toàn diện, nông thôn được đầu tư và tạo đà cho XDNTM. Việc miễn, giảm thủy lợi phí; đầu tư xây dựng giao thông nội đồng; hoàn thiện “điện, đường, trường, trạm”, cùng nhiều cơ chế ưu tiên phúc lợi đã góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân.

Vườn bưởi của gia đình ông Phùng Văn Tân (xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường) đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Lê Hoàn

Khởi sắc phát triển nhất về nông nghiệp theo hướng bền vững ở Vĩnh Phúc đến thời điểm hiện nay là huyện Vĩnh Tường. Sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của huyện này được tập trung đầu tư, một số sản phẩm từng bước tiếp cận mô hình sản xuất hiện đại. Việc thí điểm dồn thửa đổi ruộng trên địa bàn tạo điều kiện để phát triển sản xuất hàng hóa găn với thị trường; hình thành nhiều vùng sản xuất đặc sản như: Vùng bưởi tại xã Vĩnh Ninh, Phú Đa; bí đỏ tại xã Yên Lập, Vũ Di; rau màu ở Tân Tiến, Đại Đồng, Thổ Tang; lúa chất lượng cao ở Vũ Di, Ngũ Kiên; ngô biến đổi gen ở Vĩnh Thịnh, Vĩnh Ninh, An Tường, Cao Đại… Nhờ đó, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản trên địa bàn đạt gần 2.000 tỷ đồng năm 2019; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt 46 triệu đồng/người/năm, đời sống vật chất của người dân dần được nâng cao. 100% số xã trong huyện (26 xã- là huyện có số xã nhiều nhất tỉnh) đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Vĩnh Tường cũng đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM và đang được tỉnh Vĩnh Phúc hoàn thiện hồ sơ đề nghị Trung ương xem xét, thẩm định huyện đạt chuẩn NTM.

Nâng cao thu nhập cho người dân

Hệ thống hạ tầng kinh tế- xã hội nông thôn được Vĩnh Phúc đầu tư khá đồng bộ; các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong khu vực được đảm bảo, hệ thống chính được kiện toàn ổn định, đời sống nhân dân tiếp tục được nâng cao, diện mạo nông thôn từng ngày đổi mới.

Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm tại Hợp tác xã Chăn nuôi bò sữa xã Thái Hòa, huyện Lập Thạch cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Bích Phượng

Vĩnh Phúc đã áp dụng và chứng nhận quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp VietGAP cho 33 cơ sở chăn nuôi lợn, 3 cơ sở chăn nuôi bò sữa, 9 cơ sở nuôi trồng thủy sản và 4 cơ sở sản xuất, sơ chế rau, củ... Một số vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn theo phương thức chăn nuôi công nghiệp, đạt tiêu chuẩn VietGap đã hình thành ở nhiều địa phương như: Gia cầm ở Tam Đảo, Tam Dương; bò sữa ở Vĩnh Tường, lợn ở Lập Thạch, Sông Lô…; cung cấp một lượng lớn sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Lĩnh vực chăn nuôi cũng đang có chuyển biến rõ nét cả về tổ chức sản xuất cũng như việc chuyển dịch theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Giai đoạn 2016-2019, giá trị sản xuất chăn nuôi tăng bình quân 2,81%/năm, quy mô giá trị sản xuất ước thực hiện năm 2020 tăng 1,2 lần so với năm 2015. Hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm của Vĩnh Phúc đạt hơn 11 triệu con, với năng suất, sản lượng không ngừng gia tăng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung lớn như: Chăn nuôi lợn tại các xã thuộc các huyện Lập Thạch, Yên Lạc; chăn nuôi gia cầm chuyên trứng, chuyên thịt tại các xã thuộc các huyện Tam Dương, Tam Đảo; chăn nuôi bò sữa tại các huyện Vĩnh Tường, Lập Thạch, Tam Đảo...

Đường giao thông nông thôn xã Đại Đình, huyện Tam Đảo được bê tông hóa theo tiêu chuẩn NTM. Ảnh Dương Chung

Đến nay, Vĩnh Phúc có 112/112 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; có 4/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 18 sản phẩm được công nhận đạt chất lượng sản phẩm (OCOP), trong đó 8 sản phẩm đạt 4 sao và 10 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Bên cạnh việc cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM thì những tiêu chí quan trọng nhất đều cán đích ở mức cao, thậm chí cao hơn bình quân cả nước. Năm 2019, thu nhập bình quân đạt trên 40 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn tiếp cận đa chiều) toàn tỉnh giảm còn 1,46%. Đồng thời, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh tăng từ 58,0% (năm 2011) lên 92,5% dân số (năm 2019). Lao động nông thôn thu nhập khá ổn định góp phần rút ngắn khoảng cách về thu nhập giữa lao động nông thôn với đô thị.

Vĩnh Phúc phấn đấu đến hết năm 2020 có 9/9 huyện, thành phố trong tỉnh được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 18 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, 2 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu, 26 thôn dân cư đạt chuẩn thôn dân cư NTM kiểu mẫu. Đến hết năm 2025, toàn tỉnh có 1 huyện đạt chuẩn huyện NTM kiểu mẫu, 50% số xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, 15% số xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu.

Lê Hoàn

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/vinh-phuc-phat-trien-nong-nghiep-nong-thon-theo-huong-ben-vung-77078