Vĩnh Phúc thúc đẩy tinh gọn bộ máy từ cơ sở

Thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đến nay tỉnh Vĩnh Phúc đã sáp nhập 274 thôn, tổ dân phố (TDP) để thành lập 131 thôn, TDP.

Đào tạo nghề may công nghiệp tại Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Đào tạo nghề may công nghiệp tại Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đến nay tỉnh Vĩnh Phúc đã sáp nhập 274 thôn, tổ dân phố (TDP) để thành lập 131 thôn, TDP.

Các huyện Vĩnh Tường,Yên Lạc và Lập Thạch đã hoàn thành việc kiện toàn các tổ chức và bố trí những người hoạt động không chuyên trách (KCT) ở các thôn, TDP sau sáp nhập. Để bảo đảm ổn định hoạt động ở những thôn, TDP mới sau sáp nhập, UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền nội dung Nghị quyết 43 của HĐND tỉnh về việc sáp nhập, đổi tên các thôn, TDP trên địa bàn tỉnh.

Sau khi sáp nhập, tỉnh chỉ đạo các địa phương nhanh chóng sắp xếp, kiện toàn ổn định đội ngũ cán bộ hoạt động KCT ở các thôn, TDP mới; chỉ đạo UBND cấp xã kiện toàn các chức danh trưởng thôn, tổ trưởng TDP, đồng thời khắc phục tình trạng trưởng thôn, tổ trưởng TDP không phải là đảng viên. Ghi nhận tại nhiều địa phương trong tỉnh cho thấy, việc lựa chọn nhân sự, sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ hoạt động KCT ở thôn, TDP sau sáp nhập được cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn quan tâm thực hiện nghiêm túc, bảo đảm quy trình, khách quan, minh bạch, phù hợp đặc thù cơ sở.

Hiện, UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền tạo sự đồng thuận từ người dân; báo cáo, đề xuất với UBND tỉnh giải quyết những khó khăn, vướng mắc của UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan và báo cáo kịp thời kết quả sáp nhập, đổi tên thôn, TDP trên địa bàn toàn tỉnh.

* Quảng Bình tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Tỉnh Quảng Bình hiện có 22 cơ sở đào tạo nghề, trong đó có 16 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hai trường cao đẳng, năm trường trung cấp và chín trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo ba hệ là cao đẳng, trung cấp và sơ cấp; cơ bản đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động. Trong giai đoạn 2016 - 2019, tỉnh tổ chức đào tạo nghề cho gần 50.000 lao động. Tỷ lệ lao động sau đào tạo ở trình độ trung cấp và cao đẳng có việc làm đạt 80%, hệ sơ cấp đạt 76% và các nghề phi nông nghiệp đạt hơn 80%.

Giai đoạn 2019 - 2023, tỉnh Quảng Bình cấp 48 tỷ đồng thực hiện phát triển ngành nghề nông thôn nhằm thu hút lao động qua đào tạo. Tỉnh chú trọng đào tạo tay nghề cho lao động tại các làng nghề truyền thống; xây dựng chính sách thu hút nghệ nhân, thợ giỏi tham gia đào tạo cho người dân; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo, hỗ trợ tạo việc làm cho lao động ngành nghề nông thôn. Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Bình đang chỉ đạo các đơn vị có liên quan, như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, các tổ chức chính trị, xã hội và chính quyền các địa phương tích cực bám sát cơ sở, nắm bắt các tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu học nghề của người dân; khảo sát nhu cầu của thị trường để tìm kiếm, mở mang các ngành nghề mới phù hợp, nhằm tăng số lượng và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

PV và TTXVN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/42346702-vinh-phuc-thuc-day-tinh-gon-bo-may-tu-co-so.html