Vĩnh Phúc ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển nông nghiệp

Hướng tới phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ đặc thù, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, tập trung hỗ trợ đầu tư cơ sở chăn nuôi gia súc, vùng sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, hỗ trợ trồng cây dược liệu và cơ sở chế biến nông sản.

Trồng dâu tây trong nhà lưới tại Nông trường VinEco Tam Ðảo (Vĩnh Phúc). Ảnh: Quang Ðồng

Hướng tới phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ đặc thù, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, tập trung hỗ trợ đầu tư cơ sở chăn nuôi gia súc, vùng sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, hỗ trợ trồng cây dược liệu và cơ sở chế biến nông sản.

Qua bốn năm triển khai, đến nay, Vĩnh Phúc đã hình thành các vùng sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, chăn nuôi gia súc tập trung; hình thành các cơ sở chế biến nông sản thực phẩm, các chuỗi liên kết trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ. Nhờ đó, năng suất và giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh ngày càng tăng, góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của ngành. Toàn tỉnh có 1.329 cơ sở chế biến nông sản thực phẩm, trong đó có 25 doanh nghiệp sơ chế, chế biến nông sản thực phẩm và 1.304 cơ sở chế biến có quy mô nhỏ lẻ. Tỷ lệ cơ giới hóa trong làm đất trồng lúa đạt hơn 90%, trong thu hoạch lúa đạt hơn 70%. Trong bốn năm, từ 2016 đến hết năm 2019, Vĩnh Phúc đã hỗ trợ 1.668 máy nông nghiệp cho các hộ nông dân, với tổng kinh phí hơn 32,5 tỷ đồng…

Thời gian tới, Vĩnh Phúc tiếp tục chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch để nâng cao hiệu quả sản xuất, tiêu thụ kịp nông sản cho nông dân, đa dạng hóa sản phẩm cho tiêu dùng; khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh, ứng dụng công nghệ cao trong từng khâu sản xuất, giảm xuất khẩu sản phẩm thô. Tỉnh tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp; ứng dụng cơ giới hóa trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng loại cây trồng, vật nuôi. Ðồng thời giải quyết các vấn đề cốt lõi trong chuỗi giá trị sản xuất, nhất là công nghệ giống, quy trình sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả của ngành. Sẽ áp dụng đầy đủ hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình kỹ thuật trong sản xuất và chế biến…

Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp, đôn đốc các địa phương xử lý triệt để ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng tại 47 làng nghề.

Trong số các làng nghề đó, đã có 28 làng nghề có đề án hoặc phương án xử lý ô nhiễm được cấp có thẩm quyền phê duyệt; 18 làng nghề đang triển khai dự án đầu tư; một số làng nghề đã ngừng hoạt động. Có năm làng nghề đã hoàn thành các hạng mục đầu tư và đưa vào vận hành gồm: làng nghề chế biến cá khô xã Bình Thắng, huyện Bình Ðại (Bến Tre); làng nghề tái chế phế liệu phường Tràng Minh, huyện Kiến An (Hải Phòng); làng nghề bún, bánh thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh (Ninh Bình); làng nghề bún Vân Cù, xã Hương Toàn, huyện Hương Trà (Thừa Thiên Huế); làng nghề bún Ô Sa, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Ðiền (Thừa Thiên Huế).

Tổng cục cùng với các địa phương đã nghiệm thu mô hình thí điểm khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại làng nghề giết, mổ trâu, bò Phúc Lâm, xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên (Bắc Giang); kiểm tra tiến độ triển khai các hoạt động khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường đối với làng nghề tái chế nhựa Minh Khai, huyện Văn Lâm (Hưng Yên); điều tra, khảo sát thu thập thông tin về hiện trạng sản xuất, mức độ ô nhiễm môi trường cũng như tiến độ khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường của các làng nghề tại Thái Bình, Nam Ðịnh...

Thời gian tới, Tổng cục Môi trường tiếp tục chủ động, tổ chức thực hiện Ðề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; đôn đốc hoàn thành tiến độ xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng năm 2020; giám sát về môi trường đối với các cơ sở, dự án lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, bảo đảm các dự án vận hành, hoạt động an toàn về môi trường thông qua việc tiếp tục duy trì, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ giám sát môi trường tại các cơ sở đang hoạt động tại làng nghề Phong Khê và cụm công nghiệp giấy Phong Khê, tỉnh Bắc Ninh.

PV và TTXVN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/43625702-vinh-phuc-ung-dung-khoa-hoc-ky-thuat-phat-trien-nong-nghiep.html