Vĩnh Phúc xây dựng hệ thống thoát nước, bảo vệ môi trường

Hầu hết hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt của các khu dân cư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được xây dựng từ lâu. Nguồn nước thải được xử lý đơn giản rồi thải ra hệ thống thoát nước chung của khu vực, chưa có cống, rãnh thu gom nước thải khiến nguồn nước ngầm bị ô nhiễm.

Đường làng, ngõ xóm xã Nghĩa Hưng, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) sạch đẹp sau khi hệ thống xử lý nước thải nông thôn được xây dựng kiên cố.Ảnh: DƯƠNG CHUNG

Đường làng, ngõ xóm xã Nghĩa Hưng, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) sạch đẹp sau khi hệ thống xử lý nước thải nông thôn được xây dựng kiên cố.Ảnh: DƯƠNG CHUNG

Xử lý vấn đề này, đầu năm 2019, tỉnh đã thực hiện làm điểm việc xây dựng, cải tạo tuyến, rãnh thoát nước trong khu dân cư ở bảy xã của huyện Vĩnh Tường. Qua làm điểm, thấy rõ hiệu quả, 14 xã thuộc huyện Vĩnh Tường tiếp tục đăng ký xây dựng, cải tạo 630 tuyến rãnh thoát nước thải trong khu dân cư với tổng chiều dài gần 92 km.

Mới đây, Vĩnh Phúc quyết định dành 300 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh và 245 tỷ đồng huy động từ đóng góp của người dân cho việc xây dựng mới, cải tạo cống, rãnh thoát nước thải; thời gian thực hiện đến hết năm 2020. Bên cạnh đó, việc nạo vét, cải tạo các thủy vực tiếp nhận nước thải cũng được tỉnh triển khai thực hiện.

Tỉnh cân đối vốn hỗ trợ theo kế hoạch đầu tư trung hạn với mức cấp là tỉnh hỗ trợ 50% chi phí đầu tư, phần còn lại do cấp huyện và xã đảm nhiệm. Thời gian nạo vét, cải tạo các thủy vực tiếp nhận nước thải thực hiện đến hết năm 2025.

* Nhằm chung tay giải quyết vấn nạn rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, tỉnh An Giang thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn. Trong đó, tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị vận động kiên quyết không sử dụng nước uống đóng chai nhựa, ống hút nhựa dùng một lần trong hội họp, hội nghị. Tỉnh yêu cầu Sở Tài chính xem xét, không bố trí cho các cơ quan, đơn vị kinh phí mua nước uống đóng chai; Kho bạc Nhà nước tỉnh không thanh toán chi phí mua nước uống đóng chai dùng một lần của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Các sở, ngành, địa phương liên quan phải tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đến công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư, doanh nghiệp về phong trào “Chống rác thải nhựa”, tác hại của rác thải nhựa nhằm hạn chế việc sử dụng và thải ra môi trường.

Tỉnh khuyến khích các cơ quan, đơn vị sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường; đồng thời yêu cầu các sở, ngành, địa phương sử dụng ly sứ, thủy tinh dùng nhiều lần, vật dụng dễ tiêu hủy trong các cuộc họp, sự kiện; hạn chế và tiến tới không sử dụng sản phẩm từ nhựa trong hoạt động, mua sắm văn phòng phẩm tại cơ quan, đơn vị. UBND tỉnh giao Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, thực hiện đề tài, nhiệm vụ khoa học, ứng dụng công nghệ sản xuất các loại vật liệu thân thiện môi trường và tái chế sản phẩm bao bì ni-lông.

Sở Công thương có nhiệm vụ phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức vận động, khuyến khích chủ cơ sở sản xuất, trung tâm thương mại, siêu thị, tiểu thương trong các chợ hạn chế sử dụng túi nhựa, giảm đóng bao bì sản phẩm bằng nhựa, ni-lông, tăng cường sử dụng sản phẩm từ vật liệu thân thiện môi trường thay thế túi ni-lông.

Ở An Giang, trong các cuộc họp, hội nghị từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đến các sở, ngành, các huyện thời gian qua đã dùng chai thủy tinh, ly sứ đựng nước suối. Việc làm này góp phần giảm phát thải sản phẩm nhựa, tiết kiệm kinh phí ngân sách và bảo vệ môi trường. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tặng giỏ nhựa đi chợ cho phụ nữ nhiều địa phương để sử dụng thay túi ni-lông, góp phần thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường của cộng đồng.

PV và TTXVN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41573702-vinh-phuc-xay-dung-he-thong-thoat-nuoc-bao-ve-moi-truong.html