'Vinh quy bái tổ' – tác phẩm điêu khắc tranh gỗ liền khối lớn nhất Việt Nam

Sáng nay (23/12) tại Bảo tàng Hà Nội diễn ra Lễ ra mắt tác phẩm điêu khắc tranh gỗ 'Vinh quy bái tổ' và đón nhận kỷ lục tác phẩm tranh gỗ liền khối lớn nhất Việt Nam.

Phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam

Tác phẩm “Vinh quy bái tổ” do xưởng Tranh gỗ Bùi Gia thực hiện, tái hiện lại bối cảnh và nghi thức của một đại lễ tiêu biểu trong lịch sử khoa bảng Việt Nam - Lễ vinh quy bái tổ, với ý nghĩa tôn vinh truyền thống đạo lý hiếu học, trọng hiền tài và lòng biết ơn hướng về quê hương, nguồn cội.

Lễ ra mắt tác phẩm điêu khắc tranh gỗ “Vinh quy bái tổ” và đón nhận kỷ lục tác phẩm tranh gỗ liền khối lớn nhất Việt Nam.

Lễ ra mắt tác phẩm điêu khắc tranh gỗ “Vinh quy bái tổ” và đón nhận kỷ lục tác phẩm tranh gỗ liền khối lớn nhất Việt Nam.

Tác phẩm được hoàn thiện sau gần 3 năm ngày đêm lao động sáng tạo không ngừng nghỉ, với áp lực về thời gian và công tác yêu cầu cao về mức độ khó, phức tạp của nhóm thợ xưởng Tranh gỗ Bùi Gia.

Anh Bùi Trọng Quân, chủ xưởng Tranh gỗ Bùi Gia chia sẻ: “Tác phẩm tranh gỗ “Vinh quy bái tổ” thể hiện những nét văn hóa và đạo lý truyền thống quý báu của người Việt như: Uống nước nhớ nguồn; Tôn sư trọng đạo; tinh thần hiếu học và luôn đem tài năng công sức để phụng sự quốc gia, dân tộc... Chính bởi ý nghĩa sâu sắc của tác phẩm nên sau một thời gian dài tìm kiếm phôi gỗ, sưu tầm tư liệu, tới tháng 9/2020 chúng tôi đã tiến hành tổ chức lễ Khai Mộc để bắt đầu đục chạm tác phẩm với kích thước dài 8,33m, cao 1,7m và 1,2m, dày 16cm. Tới tháng 12/2022, vừa tròn 27 tháng thì tác phẩm đã hoàn thành với những dấu mốc ấn tượng và rất quan trọng như: có 348 nhân vật; có 41 cờ quạt, võng lọng, giáo mác; có 55 con vật và 35 nhà cửa kinh thành, đền chùa”.

Anh Bùi Trọng Quân, chủ xưởng Tranh gỗ Bùi Gia.

Theo anh Bùi Trọng Quân, để bức tranh "Vinh quy bái tổ" được hoàn thiện - ra mắt ngày hôm nay, từ cuối năm 2019 tới tháng 9/2020, nhóm tác giả của Tranh gỗ Bùi Gia đã phải lặn lội từ Bắc vào Nam, đi đến những di tích như Kinh thành Huế, Hoàng thành Thăng Long, nghiên cứu nhiều tài liệu và gặp gỡ các chuyên gia để học hỏi, sưu tầm tư liệu cho việc phác họa tác phẩm.

Tác phẩm có kích thước dài 8,33m, cao 1,7m và 1,2m, dày 16cm.

Nội dung tác phẩm trải dài trên mặt bằng 8,33m thì có tới 348 người, tập trung hầu hết tại khu vực trung tâm bức tranh với điểm nhấn quan trọng là đoàn rước quan tân khoa với chiều dài 2/3 tác phẩm, được vẽ uốn lượn theo nguyên tắc “khí vận sinh động”. Ngắm nhìn thật kỹ từ trái qua phải, chúng ta đều cảm nhận rõ bố cục của tác phẩm như một con rồng đang bay giữa không gian, mang lại khí thế hoành tráng, sức sống mãnh liệt.

Tác phẩm “Vinh quy bái tổ” được trao 2 kỷ lục Việt Nam.

Tổng quan của cả tác phẩm Vinh quy bái tổ nói lên những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Khởi nguồn từ việc tìm tòi và tiếp nhận tri thức cho đến khi lĩnh hội, phát triển vào cuộc sống để mang đến những giá trị tốt đẹp cho đời là cả một quá trình vận động, chắt lọc ứng dụng không ngừng nghỉ. Truyền từ bao đời đến nay, những giá trị đó lại tiếp tục được hun đúc, kế thừa, phát huy cao độ trong thời kỳ mới, nơi chúng ta hội nhập mà vẫn phát huy được đúng bản sắc văn hóa Việt Nam.

Với quy mô lớn, sự độc đáo trong chế tác cũng như ý nghĩa sâu sắc, tác phẩm “Vinh quy bái tổ” được trao 2 kỷ lục Việt Nam là Tác phẩm tranh gỗ thủ công về chủ đề Vinh quy bái tổ lớn nhất Việt Nam và Tác phẩm tranh gỗ thủ công về chủ đề Vinh quy bái tổ có số lượng người nhiều nhất.

Truyền lửa đến các nghệ nhân trẻ

Tác phẩm tranh gỗ “Vinh quy bái tổ” nhận được sự hỗ trợ về chuyên môn của nhà sử học Dương Trung Quốc, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và họa sĩ, tiến sĩ Hồ Trọng Minh - Giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Cận cảnh chi tiết bức tranh "Vinh quy bái tổ".

Nhà sử học Dương Trung Quốc khi nghe anh Bùi Trọng Quân nói ý tưởng chế tác một tác phẩm đặc sắc để gìn giữ và lưu truyền bản sắc văn hóa của dân tộc đã chia sẻ: “Tôi nghĩ bức tranh lớn như vậy thì chúng ta nên ra một chủ đề để tôn vinh cả một nền khoa cử hơn 800 năm của đất nước, hơn là kể về một vị Trạng Nguyên cụ thể. Mà long mạch, hồn cốt chính là kể một câu chuyện về cuộc đời người sĩ tử từ khi còn đi học thầy đồ làng, rồi lều chõng đi thi Hương, thi Hội, ung dung vui sướng trên đường trẩy kinh để đi thi Đình. Để rồi đến lúc đề tên trên bảng vàng, được vinh quy bái tổ, làng nước, huyện xã nô nức đón rước vẻ vang vinh dự lắm. Nó còn mang lại cảm hứng về sự học, về niềm tin và hy vọng cho đất nước khi đã tuyển chọn được các hiền tài ra góp công giúp nước”.

“Bức tranh cho thấy sự tinh xảo, khéo léo của người tạo ra tác phẩm. Các tác giả không những mạnh bạo về ý tưởng, mạnh bạo về đầu tư, quan trọng nhất là có ý chí thực hiện bằng được. Tôi đánh giá cao các bạn trẻ vẫn giữ được truyền thống nghề nghiệp quê hương mình và có ý tưởng lớn với sức lao động sáng tạo để tạo ra được tác phẩm để đời”, nhà sử học Dương Trung Quốc nói thêm.

Nhà sử học Dương Trung Quốc.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn đánh giá: “Chúng ta biết rằng, một tác phẩm nghệ thuật đến từ rất nhiều yếu tố, không chỉ đến từ tài năng của người nghệ sĩ, còn đến từ hiểu biết của người nghệ sĩ đối với chiều dài bản sắc văn hóa dân tộc. Sau mỗi hình tượng, nó phải là những câu chuyện, những ý nghĩa mà hình tượng đó chuyên chở. Tôi rất mong rằng, bức tranh này không chỉ đạt kỷ lục Việt Nam, mà còn có ý nghĩa lan tỏa những thông điệp tích cực, lan tỏa những tinh thần sâu sắc đến tất cả mọi người, đặc biệt là các nghệ nhân trẻ, để từ đó thông qua các tác phẩm của mình, các nghệ nhân lưu giữ, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, để chúng ta khẳng định văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa soi đường cho quốc dân đi, khẳng định rằng văn hóa tạo ra sự tự tin, bản lĩnh để hội nhập tốt hơn, từ đó tạo nên sức mạnh chung cho dân tộc Việt Nam”.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn.

Anh Bùi Trọng Lăng, xưởng Tranh gỗ Bùi Gia chia sẻ: “Qua bức tranh gỗ này, tôi cũng mong muốn truyền lửa đến các anh em thợ rằng, chúng ta hoàn toàn có thể làm được những việc mà chúng ta chưa từng nghĩ mình làm được. Và những việc làm để lưu giữ truyền thống văn hóa của dân tộc là con đường đi rất đúng đắn mà mình cần phát huy”.

Anh Bùi Trọng Lăng, xưởng Tranh gỗ Bùi Gia.

Tác phẩm tranh gỗ “Vinh quy bái tổ” khi hoàn thiện không những là tiếng vang cho nghề đục chạm truyền thống Việt Nam còn là sự khích lệ rất lớn cho những thế hệ thợ đục thêm yêu nghề, giữ nghề và đem những nét chạm khác tinh xảo của người thợ Việt ra với thế giới từ đó thu hút du khách tới với Việt Nam.

Và tác phẩm cũng là một đóng góp nhỏ của nghề đục truyền thống vào việc hiện thực hóa văn kiện Đại hội XIII của Đảng lấy văn hóa làm nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó có ý “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; đồng thời, coi trọng xây dựng và phát huy niềm tự hào dân tộc, ý chí tự cường, sức sáng tạo, tinh thần công hiến vì đất nước, khát vọng phát triển thịnh vượng lòng nhân ái, sự đồng thuận xã hội, tạo sức mạnh tổng hợp thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững”./.

Hà Phương/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/vinh-quy-bai-to-tac-pham-dieu-khac-tranh-go-lien-khoi-lon-nhat-viet-nam-post992323.vov