Vĩnh Thạnh tích cực chăm sóc lúa đông xuân

Vụ lúa đông xuân 2019-2020, bà con nông dân huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ đã gieo sạ trên 25.000ha, dự kiến tổng sản lượng khoảng 170.000 tấn. Hiện tại, trà lúa sinh trưởng, phát triển tốt, ngành nông nghiệp cùng các xã, thị trấn đã và đang tích cực hỗ trợ bà con nông dân chăm sóc, bảo vệ, đồng thời chủ động công tác dự báo tình hình sâu bệnh, dịch hại với quyết tâm sản xuất thắng lợi vụ lúa chính trong năm.

Với đặc điểm thổ nhưỡng thuộc vùng đất gò nên ngay khi nước lũ rút, bà con nông dân xã Vĩnh Bình đã chủ động gia cố hệ thống đê bao xuống giống sớm hơn các địa phương khác nên đến thời điểm này phần lớn trà lúa ở xã đã hơn 1 tháng tuổi. Anh Trần Văn Hiệp, nông dân ấp Vĩnh Nhuận, cho biết: “Năm nay nước lũ về khá giúp đồng ruộng rửa trôi mầm bệnh, bồi bổ thêm phù sa và thời tiết đầu vụ khá thuận lợi nên lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Gia đình tôi canh tác 2,5ha lúa Đài Thơm 8, hiện lúa đã cứng cây, tôi đang chuẩn bị bón đợt phân rước đòng để bổ sung dinh dưỡng giúp lúa lên đòng đều và trổ bông khỏe”.

Cán bộ Khuyến nông xã Thạnh Quới thăm đồng và hướng dẫn nông dân chăm sóc lúa đông xuân.

Cán bộ Khuyến nông xã Thạnh Quới thăm đồng và hướng dẫn nông dân chăm sóc lúa đông xuân.

Cùng với đó, thời điểm này cánh đồng lúa ở ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Trinh, bà con nông dân cũng đang tích cực theo dõi tình hình sinh trưởng và phát triển của cây lúa để có biện pháp chăm sóc và bảo vệ hợp lý. Ông Nguyễn Văn Trong, nông dân ấp Vĩnh Lợi, nói: “Phải chịu khó mỗi ngày ra thăm đồng để theo dõi ruộng lúa để có cách bón phân hợp lý và kịp thời phát hiện sâu rầu, dịch bệnh phun xịt”. Ông Chung Phước Sòng, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trinh, cho biết: “Vụ đông xuân xã Vĩnh Trinh gieo sạ hơn 2.000ha. Đây là vụ mùa chính trong năm vì năng suất và chất lượng lúa cao hơn các vụ khác. Vì vậy, địa phương cũng tích cực phối hợp với ngành nông nghiệp hướng dẫn và hỗ trợ bà con nông dân chủ động khâu chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh”.

Để đạt năng suất và chất lượng vụ lúa đông xuân năm nay, ngay đầu vụ ngành nông nghiệp cùng các xã, thị trấn tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến khích sử dụng giống lúa thích hợp với thời vụ, điều kiện đất đai… Đồng thời chủ động công tác theo dõi, dự báo tình hình sâu bệnh, dịch hại,… Do đặc điểm thổ nhưỡng nên lúa đông xuân ở huyện được chia làm 2 đợt gieo sạ, hiện khu vực phía Nam Cái Sắn trà lúa được khoảng 1 tháng tuổi, trà lúa phía Bắc Cái Sắn lúa từ 10-20 ngày tuổi. Để giúp nông dân đề phòng dịch hại, chăm sóc tốt diện tích lúa, ngành nông nghiệp đã cử cán bộ theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa, tăng cường khả năng dự báo để thông tin cho bà con nông dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời…

Tuy nhiên, những ngày gần đây thời tiết chuyển mùa, không khí se lạnh vào ban đêm và sáng sớm có sương mù, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm đã làm độ ẩm không khí cao, đây là điều kiện thuận lợi cho một số loại sâu bệnh xuất hiện và gây hại. Theo thông tin từ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) huyện Vĩnh Thạnh, qua kết quả thăm đồng mới đây cho thấy trên các trà lúa đông xuân đã xuất hiện rầy nâu và bệnh đạo ôn lá, tập trung chủ yếu trên các trà lúa đẻ nhánh và cuối đẻ nhánh, trà lúa bón thừa phân đạm, nhưng mật số còn thấp và chỉ ở mức độ ghi nhận. Vì thế Trạm TT&BVTV khuyến cáo bà con nông dân tăng cường hơn nữa việc thăm đồng, chủ động chăm sóc, bảo vệ lúa kịp thời tránh sâu bệnh, dịch hại tấn công.

Ông Đặng Nhật Trường, Phó Trưởng Trạm TT&BVTV huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Ngành nông nghiệp nói chung và Trạm TT&BVTV nói riêng đã và đang tích cực theo dõi đồng ruộng, kiểm tra tình hình sâu bệnh, dịch hại để thông báo và hỗ trợ nông dân phòng trị kịp thời. Qua đây, ngành cũng khuyến cáo nông dân phát huy vai trò của các hợp tác xã, tổ hợp tác, cánh đồng lớn để đảm bảo hiệu quả trong canh tác. Tuyệt đối không nên phun phòng khi dịch bệnh chưa xuất hiện nhằm tiết giảm chi phí và tránh tình trạng sâu rầy kháng thuốc”.

Đông xuân là mùa vụ chính trong năm, sản lượng lúa xuất khẩu chủ yếu cũng từ vụ lúa này này mang lại lợi nhuận cao nhất đối với bà con trồng lúa. Vì thế, cùng với áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, bón phân, bà con nông dân cũng cần tuân thủ khuyến cáo của ngành nông nghiệp trong phòng trừ sâu bệnh, dịch hại kịp thời giúp cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt để có được một vụ mùa bội thu.

Bài, ảnh: MINH HẢI

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/vinh-thanh-tich-cuc-cham-soc-lua-dong-xuan-a116491.html