'Virus kỳ thị'

Một bác sĩ công tác tại bệnh viện lớn ở Hà Nội vừa kể lại câu chuyện đau lòng về sự kỳ thị. Năm 1987, một gia đình 3 người ở Mỹ không may cùng bị lây nhiễm virus HIV.

Thời đó, nói đến virus này là người ta nghĩ ngay đến cái chết cận kề và trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của nhiều người dân trong xã hội. Thế nên, gia đình kia bị cộng đồng xa lánh, miệt thị đến mức họ hầu như không dám bước chân ra khỏi nhà vì sợ những cái nhìn xoi mói, khinh bỉ của người đời. Đỉnh điểm và cũng là bi kịch tột cùng của sự miệt thị là một kẻ mất nhân tính đã xông vào tiêu diệt cả gia đình khiến ba người tử vong tại chỗ. Câu chuyện từng làm chấn động lương tri không chỉ ở nước Mỹ mà cả thế giới, khiến nhiều người phải bừng tỉnh sau cơn “u u mê mê” về sự kỳ thị vô lối, thiếu nhân văn.

Vấn nạn kỳ thị của một bộ phận dân chúng lại có nguy cơ bùng phát trong khi dịch Covid-19 đang được kiểm soát, không chế, phòng ngừa, giảm tối đa thiệt hại. Thật đáng buồn, những ngày qua đâu chỉ nhiều người Hoa làm ăn ở nước ngoài bị người dân bản địa xa lánh, mà không ít người Việt cũng bị “vạ lây” bởi sự kỳ thị không đáng có. Thậm chí một tờ báo địa phương ở Pháp đã bị lên án gay gắt khi rút một cái tít “Báo động da vàng” và trong bài viết lặp lại cụm từ “hiểm họa da vàng” mang tính xúc phạm và phân biệt chủng tộc từng xảy ra trong lịch sử phương Tây. Tưởng văn minh như xứ sở “Gà trống Gô-loa”, nhưng cộng đồng gốc châu Á ở quốc gia này dùng mạng xã hội Twitter để tạo ra hashtag#Jenesuispasunvirus (Tôi không phải là virus) nhằm phản đối tình trạng kỳ thị tại đây.

Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống “thương người như thể thương thân”, “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Đạo lý ngàn đời đó cơ bản vẫn được lưu giữ trong xã hội hiện đại, song ít nhiều bị nhạt phai trong suy nghĩ, ý thức của một bộ phận người dân khi họ bày tỏ thái độ phân biệt, xa lánh một số người và một số nơi không may bị lây nhiễm dịch Covid-19. Trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều câu từ có ý miệt thị như: “Bình Xuyên là “Vũ Hán” ở Việt Nam”; “Bà con phải rất chú ý khi gặp người Vĩnh Phúc”, “Thiên lôi dịch bệnh chuẩn bị giáng đòn “sấm sét” xuống xã Sơn Lôi”… Thậm chí đã có khách sạn treo tấm biển: “Chúng tôi không chào đón du khách đến từ tỉnh Vĩnh Phúc. Xin lỗi!”…

Thiên tai, dịch bệnh… là tình thế bất khả kháng và nằm ngoài mong muốn của con người. Nếu đặt mình trong hoàn cảnh không may bị lây nhiễm dịch bệnh, ai mà không khổ tâm? Có câu thành ngữ “Ăn nhạt mới biết thương mèo” với hàm ý sâu xa là ai từng trải/phải qua khó khăn, cơ hàn mới thấu hiểu nỗi gian truân của người khác. Trong khi dịch bệnh truyền nhiễm như một thứ tai họa từ trên trời giáng xuống, những người không may mắn mới chịu cảnh lây nhiễm. Đáng lẽ họ đáng được cảm thông, chia sẻ tinh tế, đúng lúc, đúng chỗ; thì những câu nói chớt nhả, những bình luận vô cảm, những ánh nhìn khinh khi, những hành vi định kiến với họ không những khoét sâu thêm nỗi đau tinh thần người trong cuộc, mà còn vô tình xúc phạm đến cả gia đình, người thân, cộng đồng sống trên địa bàn đó. Thậm chí, nói như một chuyên gia y tế đầu ngành và đang là đại biểu Quốc hội khóa XIV, đó là một tội ác.

Báo chí, truyền thông từng tốn không ít giấy mực để nói về bệnh vô cảm trong xã hội. Nạn miệt thị người khác nói chung, người bị lây nhiễm dịch bệnh nói riêng cũng là một dạng “con đẻ” của bệnh vô cảm. Nhưng nguy hại của nó là ở chỗ: Vì nhiều dân chúng mang tâm lý đám đông, tâm lý sợ sệt dịch bệnh một cách thái quá-mà theo các chuyên gia tâm lý giáo dục-vấn nạn miệt thị ví như một loại virus có tốc độ lây lan nhanh hơn, mức độ hoành hành nguy hại hơn cả các loại virus gây truyền nhiễm khác. Thế nên, chúng ta cũng không nên chủ quan, lơ là trong “cuộc chiến” chống “dịch bệnh virus miệt thị", vì nếu để cho nó tự do “nảy nở, lây nhiễm” trong cộng đồng sẽ làm đảo lộn tình người và mọt ruỗng nền tảng đạo đức xã hội.

NGÔ DƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/virus-ky-thi-610471