VIS: Chờ mua ở giá hợp lý

Công ty Cổ phần Thép Việt Ý (mã VIS, HoSE) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2009 với những con số khả quan. Theo đó, doanh thu đạt 518 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2008, lợi nhuận trước thuế đạt 38,16%, đạt 69,97 tỷ đồng, tuy nhiên, lợi nhuận lại giảm 40,9% so với quý 2/2009.

Như vậy, lũy kế 9 tháng đầu năm 2009, doanh thu của VIS đạt 1.355 tỷ đồng, giảm 6,63% so với cùng kỳ năm 2008. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế lại tăng 110,1%, đạt hơn 200 tỷ đồng, gấp 7,9 lần kế hoạch đề ra. So với cùng năm 2008, thì tỷ suất lợi nhuận gộp biên của VIS trong những tháng đầu năm 2009 đã được cải thiện hơn lên 18,47%, chỉ số này là 12,54%. Tuy nhiên, trong khoảng 174,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của VIS trong 9 tháng đầu năm 2009, vẫn chưa tách lợi ích của cổ đông thiểu số. Trong cơ cấu nguồn vốn của VIS, lợi ích của cổ đông thiểu số chiếm 4,89%, so với nguồn vốn chủ sở hữu thì lợi ích cổ đông thiểu số bằng 27,61%, đây là tỷ lệ khá cao. Như vậy, chúng tôi cho rằng lợi ích của cổ đông thiểu số trong lợi nhuận sau thuế là một khoảng không nhỏ. Vừa qua, tổng giám đốc và một số phó tổng giám đốc của Thép Việt Ý đã bán ra hơn 39.000 cổ phiếu, cho thấy ban giám đốc không kỳ vọng nhiều vào xu hướng tiếp theo của cổ phiếu VIS. Nhà đầu tư nên theo dõi động thái bán cổ phiếu của cổ đông nội bộ của cổ phiếu này. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 9, toàn ngành sản xuất được 320.000 tấn thép, giảm 12% so với tháng trước; sản lượng tiêu thụ cũng giảm khoảng 100.000 tấn. Theo các doanh nghiệp kinh doanh thép xây dựng, do giá thép trong nước đã tăng cao nên hiện nay lượng thép nhập khẩu từ Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc... về khá nhiều, trong đó hầu hết là thép cuộn, chiếm 70% thị phần trong nước. Với lượng thép ngoại nhập nhiều như hiện nay cùng với việc giá phôi thép trên thế giới đang có chiều hướng giảm, nếu trong thời gian tới các doanh nghiệp thép không giảm giá bán thì sẽ rất khó tiêu thụ được sản phẩm. Với tình hình ngành thép không mấy thuận lợi trong những tháng cuối năm 2009, nhiều khả năng hoạt động kinh doanh của VIS trong quý khó duy trì được hiệu quả như trong quý 2 và quý 3. Sau chuỗi những phiên tăng nóng, cổ phiếu VIS tiếp tục có phiên điều chỉnh về mức 133.000 đồng/cổ phiếu (15/10/2009). Về góc độ phân tích kỹ thuật, đường giá đã bật trở lại sau khi bám sát biên trên của dải Bollinger, chỉ số RSI đang giảm trong vùng mua quá mức, Stochastics %K cắt xuống %D và đang xu hướng giảm. Dự đoán, nhiều khả năng cổ phiếu VIS sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm trong ngắn hạn, do vậy nhà đầu tư chưa nên mua vào thời điểm này.

Nguồn Vinacorp: http://news.sanotc.com/vi/363661/vis-cho-mua-o-gia-hop-ly.aspx