VKC Holdings lỗ bán niên 191 tỷ đồng sau soát xét

Ngày 23/8, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có thông báo bổ sung lý do đưa cổ phiếu VKC của Công ty cổ phần VKC Holdings (VKC) vào danh sách chứng khoán không được phép giao dịch ký quỹ. Nguyên nhân mà HNX đưa ra là sau soát xét, VKC báo lỗ bán niên 191 tỷ đồng, chênh lệch đáng kể so với mức lỗ 24,6 tỷ đồng tại báo cáo tự lập.

Lý do được HNX đưa ra khi đưa VKC vào danh sách chứng khoán không được phép giao dịch ký quỹ là lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2022 và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/6 của VKC Holdings được soát xét bởi Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Chuẩn Việt là số âm. Ngoài ra, mã chứng khoán VKC cũng đang thuộc diện bị cảnh cáo.

VKC vào danh sách không được phép giao dịch ký quỹ do lợi nhuận sau thuế âm. (Ảnh: VKC)

Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2022 trước và sau soát xét, doanh thu và lợi nhuận của VKC có sự chênh lệch đáng kể.

Báo cáo tài chính bán niên 2022 trước và sau soát xét của VKC có sự chênh lệch đáng kể về lợi nhuận trước và sau thuế. Nguồn: Trang Mai tổng hợp

Trước soát xét, doanh thu thuần của VKC trong quý II là 46,6 tỷ đồng, giảm 80,5% so với quý II/2021. Chi phí tài chính, trong đó lãi vay tăng 101,6% từ 6,4 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái lên 12,9 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 236% lên 10,1 tỷ đồng. Sau thuế, công ty báo lỗ 24,8 tỷ đồng, giảm mạnh so với lãi 96 triệu đồng cùng kỳ.

VKC giải trình rằng, trong quý II/2022 tổng doanh thu của các ngành giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân giảm mạnh do diễn biến từ các biến cố của nhóm Công ty Louis Holdings đã ảnh hưởng đến việc các ngân hàng hạn chế và không tiếp tục cấp nguồn vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty.

Chi phí lãi vay phải trả trong quý II/2022 tăng cao do phát sinh từ lãi trái phiếu và lãi vay ngắn hạn từ ngân hàng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao do cơ cấu tổ chức mới, sửa chữa di dời và mở rộng mạng lưới hệ thống phân phối chưa hợp lý trong điều kiện nguồn vốn và tín dụng cho kinh doanh không đáp ứng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, tại báo cáo tự lập, VKC ghi nhận doanh thu thuần 237,7 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Trừ giá vốn 230,8 tỷ đồng, công ty thu về 6,9 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Tuy nhiên, chi phí tài chính tăng 53% từ 11,3 tỷ đồng lên 17,3 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 110% lên 13,9 tỷ đồng, chi phí khác tăng từ 32 triệu đồng lên 660 triệu đồng và chi phí bán hàng 6,5 tỷ đồng đã khiến VKC báo lỗ 26,7 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh và lỗ 24,6 tỷ đồng sau thuế.

Sau soát xét, doanh thu thuần và giá vốn không có nhiều thay đổi so với báo cáo trước soát xét. Tuy nhiên, chi phí tài chính tăng lên 19 tỷ đồng (chi phí lãi vay chiếm 98,9%). Đặc biệt, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng vọt lên 82,5 tỷ đồng so với mức chỉ 13,9 tỷ đồng tại báo cáo trước soát xét đã khiến lợi nhuận thuần từ kinh doanh lỗ 97,9 tỷ đồng, kéo lợi nhuận sau thuế xuống mức âm 191,1 tỷ đồng.

VKC giải trình chi phí lãi vay phải trả trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng cao do phát sinh từ lãi trái phiếu và lãi vay ngắn hạn từ ngân hàng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao do trích dự phòng các khoản nợ khó đòi và phải thu khách hàng quá hạn. Chi phí khác do xử lý hàng tồn kho thiếu không xác định được nguyên nhân.

Về tình hình tài chính, tính đến 30/6/2022, tổng tài sản của VKC là 469,1 tỷ đồng, giảm 31,2% từ mức 681,6 tỷ đồng từ đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 328,9 tỷ đồng, tài sản dài hạn là 140,2 tỷ đồng.

Chiếm chủ yếu trong tài sản của VKC là các khoản phải thu ngắn hạn với 271,1 tỷ đồng, tăng 3,3% so với đầu năm và tương đương 57,8% tổng tài sản. Ngoài ra, tài sản cố định là 84,3 tỷ đồng, hàng tồn kho là 32,8 tỷ đồng.

Tổng nợ của VKC tại ngày 30/6/2022 là 416,4 tỷ đồng, giảm 21,3 tỷ đồng vào đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn là 415,4 tỷ đồng, chiếm 99,75%, chỉ hơn 1 tỷ đồng là nợ dài hạn. Trong đó, khoản vay và nợ thuê tài chính cả ngắn hạn và dài hạn là 319 tỷ đồng, chiếm gần 77% tổng nợ.

Vốn chủ sở hữu tính đến ngày 30/6/2022 của VKC là 52,7 tỷ đồng, giảm 78,4% so với hồi đầu năm. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của công ty đến cuối quý II/2022 là 7,9 lần.

Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp, lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, VKC ghi nhận cả dòng tiền thuần từ kinh doanh và tài chính đều âm, lần lượt 66,8 tỷ đồng và 22,1 tỷ đồng. Bù lại, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư dương 65,8 tỷ đồng. Mức dương đến từ tiền thu hồi cho vay, bán lại công các công cụ nợ của đơn vị khác, tiền thu lãi cho vay, cổ tức và lợi nhuận được chia, cùng với thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và các tài sản dài hạn khác.

Tính chung trong kỳ, lưu chuyển tiền thuần âm 23,1 tỷ đồng so với mức âm 19,2 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Tiền và tương đương tiền trong kỳ giảm 84% từ 18,2 tỷ đồng xuống 2,9 tỷ đồng.

Tại báo cáo tài chính bán niên 2022 đã soát xét của VKC Holdings, đơn vị kiểm toán đã đưa ra hàng loạt ý kiến ngoại trừ. Cụ thể, kiểm toán cho biết không thu thập được thư xác nhận bằng hình thức phúc đáp trực tiếp đối với nợ phải thu khách hàng. Do đó, kiểm toán không xác định được tính đúng đắn số dư của khoản mục này trên Bảng cân đối kế toán thời điểm 30/6/2022 là 83,99 tỷ đồng.

Ngoài ra, vay và nợ thuế tài chính ngắn hạn, mô tả dòng tiền chi ra từ đợt phát hành trái phiếu đúng mục đích theo Nghị quyết ĐHĐCD bất thường ngày 8/12/2021 nhưng không đúng theo Bản công bố ngày 3/12/2021 (mua lại toàn bộ phần vốn góp thuộc sở hữu của CTCP Louis Land tại Công ty TNHH Toccoo Việt Nam, tương ứng 85% vốn với số tiền 80,8 tỷ đồng.

Các khoản chi không đúng mục đích theo Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường ngày 8/12/2021 và không đúng mục đích theo Bản công bố thông tin ngày 3/12/2021 với số tiền là 34,9 tỷ đồng.

Đồng thời khoản mục vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, mô tả CTCP Xuất nhập khẩu An Giang sử dụng tài sản là quyền sử dụng, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất thuộc vị trí tại Thị Trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang để đảm bảo cho khoản phát hành trái phiếu, tài sản này chưa được thực hiện ký 3 bên giữa Công ty với CTCP Xuất nhập khẩu An Giang và tổ chức với tư cách là bên nhận tài sản đảm bảo.

Cuối cùng, kiểm toán cũng cho biết trong kỳ, Công ty thay đổi Hội đồng quản trị và Ban tổng giám đốc, do vậy kiểm toán thiếu thông tin để xác định các bên liên quan. Do đó, Kiểm toán không thể xem xét liệu các giao dịch và số dư với bên liên quan mà Công ty đã thuyết minh đủ hay chưa.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/vkc-holdings-lo-ban-nien-191-ty-dong-sau-soat-xet.html