VKS chỉ ra những vi phạm trong giải quyết án tranh chấp quyền sử dụng đất

Theo VKSND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Tòa cấp sơ thẩm tuyên án không phù hợp với thực tế sử dụng đất; tuyên chấp nhận một phần yêu cầu của đương sự nhưng không tuyên phần không được chấp nhận là thiếu sót…

Thông tin từ VKSND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, trong thời gian qua tranh chấp ranh đất giữa các hộ dân liền kề nhau xảy ra tương đối nhiều trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Bên cạnh việc sửa án do số liệu diện tích thay đổi từ việc đo vẽ lại hoặc thỏa thuận còn có một số vụ án do vi phạm bị cấp phúc thẩm tuyên sửa.

 VKS chỉ ra những vi phạm trong giải quyết án tranh chấp quyền sử dụng đất. (Ảnh minh họa)

VKS chỉ ra những vi phạm trong giải quyết án tranh chấp quyền sử dụng đất. (Ảnh minh họa)

Theo đó, việc giải quyết yêu cầu vượt quá phạm vi đơn khởi kiện hoặc đương sự không có yêu cầu: Tại đơn khởi kiện, các bản khai, hòa giải, đơn kháng cáo nguyên đơn xác định rõ chỉ yêu cầu bị đơn trả lại diện tích là 3m2 tuy nhiên sau khi đo vẽ diện tích tranh chấp lên tới 6.4m2; căn cứ vào tài liệu có trong hồ sơ vụ án Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với diện tích 6.4m2 và công nhận diện tích 6.4m2 này cho bị đơn trong khi phía bị đơn không có yêu cầu công nhận.

Việc 3.4m2 vượt quá sau khi đo vẽ, Tòa án cấp sơ thẩm chưa hỏi ý kiến nguyên đơn xem có yêu cầu không đã giải quyết. “Thông thường đối với loại án này thì diện tích sau khi đo vẽ thường lớn hơn hoặc ít hơn so với đơn yêu cầu ban đầu của đương sự và Tòa án vẫn giải quyết bình thường mà không bị xem là vượt quá nếu đã hỏi ý kiến của đương sự, nhưng sẽ bị xem là vượt quá yêu cầu khi không hỏi ý kiến đương sự và tự giải quyết trên số liệu sau khi đo vẽ. Bởi vì diện tích đất tranh chấp không chỉ đơn thuần là tuyên công nhận hay không công nhận mà nó còn ảnh hưởng đến việc tính án phí cho đương sự” VKSND Bà Rịa – Vũng Tàu thông tin.

Ngoài ra, Tòa cấp sơ thẩm tuyên không phù hợp với thực tế sử dụng đất: Nguyên đơn trình bày rõ là đất tranh chấp bị đơn đã làm nhà lấn và yêu cầu bị đơn trả lại. Tuy nhiên Tòa án không chấp nhận đơn yêu cầu và buộc nguyên đơn phải trả lại 6.4m2 cho bị đơn là không đúng. Bởi vì thực tế đất đang do bị đơn sử dụng thì nguyên đơn không thể có đất để giao cho bị đơn. Tòa án cấp phúc thẩm đã tuyên sửa đối với phần này của bản án sơ thẩm. Tòa án tuyên chấp nhận một phần yêu cầu của đương sự nhưng không tuyên phần không được chấp nhận là thiếu sót.

VKSND tỉnh lưu ý các vị trí tiếp giáp của thửa đất ghi tại hợp đồng so với vị trí tiếp giáp thực tế cũng là một trong những chìa khóa để xác định việc đã chuyển nhượng đất và ai là người thực tế sử dụng đất.

Cuối cùng đương sự thuộc diện miễn án phí do thuộc trường hợp người cao tuổi, người khuyết tật theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016; Theo quy định tại Điều 14 của nghị quyết thì người đề nghị miễn phải có đơn đề nghị tuy nhiên có nhiều vụ án ở cấp sơ thẩm đương sự không được miễn do không có đơn. Nếu xét về trách nhiệm thì Thẩm phán và Kiểm sát viên không có lỗi, tuy nhiên dưới góc độ nhiệm vụ của VKSND, tại phiên tòa các KSV nên hỏi đương sự có yêu cầu không để hướng dẫn cho họ làm hồ sơ miễn giảm án phí, tránh trường hợp phải để lên Tòa án cấp phúc thẩm mới tuyên miễn cho đương sự./.

Nguyễn Lánh

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/thuc-tien-kinh-nghiem/vks-chi-ra-nhung-vi-pham-trong-giai-quyet-an-tranh-chap-quyen-su-dung-dat-79596.html