VKS kháng nghị bản án sơ thẩm

Cho rằng thủ tục và nội dung của phiên tòa sơ thẩm của vụ án đều có dấu hiệu không khách quan, VKSND TP Hà Nội đã ra quyết định kháng nghị Bản án Lao động sơ thẩm số 01/2018/LĐ-ST ngày 28-11-2018 của TAND TP Hà Nội.

Bỏ sót người tham gia tố tụng?

Vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm tại tòa Lao động TAND Hà Nội ngày 28-11-2018. Trong phiên tòa, chi nhánh Hà Nội không được tòa đưa vào danh sách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Căn cứ mà tòa đưa ra là Điều 84, Bộ luật Dân sự: "Pháp nhân có quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự" và khoản 6, Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự: "Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự...".

Trước đó, đơn khởi kiện của bà Q.L yêu cầu bồi thường các thiệt hại phát sinh do bị đơn đơn phương chấm dứt hợp đồng số tiền tạm tính là 9.215.438.393 đồng (hơn chín tỷ đồng). Sau khi có đơn khởi kiện, TAND TP Hà Nội đã ra quyết định thụ lý Vụ án dân sự số 01/2018/TLST-LĐ. Thế nhưng bản án sơ thẩm lại áp dụng khoản 6, Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự về người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong... việc dân sự?

VKSND TP Hà Nội đã ra kháng nghị số 03/QĐKNPT-VKS-LĐ, trong đó nêu, tòa sơ thẩm loại bỏ chi nhánh Hà Nội của Cty luật Hogan Lovells chi nhánh Hà Nội khỏi danh sách tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là chưa phù hợp về thủ tục tố tụng.

“Việc đưa chi nhánh Hà Nội vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là cần thiết để làm rõ các nội dung liên quan đến việc ký 3 hợp đồng lao động vào thông báo chấm dứt hợp đồng lao động đối với đương sự”, quyết định kháng nghị của VKSND TP Hà Nội nêu.

Về nội dung, hai bên ký kết 3 hợp đồng cả xác định thời hạn và thời vụ có dấu hiệu vi phạm Điều 22 Bộ luật Lao động. Hơn nữa, chi nhánh Hà Nội ra thông báo chấm dứt hợp đồng lao động ngày 31-7-2017, khi bà Q.L đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Đây là hành vi vi phạm khoản 3 Điều 39 Bộ luật Lao động về các trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm của VKSND TP Hà Nội.

Xem xét chứng cứ chưa đầy đủ?

Theo luật sư Nguyễn Hồng Hà, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, các lập luận của bên bị đơn cho rằng, "thỏa thuận tuyển dụng ngày 20-7-2015 không phải là một hợp đồng lao động, các điều khoản trong đó đã bị thay thế bằng các hợp đồng hai bên ký kết tại Việt Nam và đã kết thúc", là không có cơ sở. Chi nhánh Hà Nội đã 2 lần ban hành Giấy xác nhận do Chánh văn phòng Chi nhánh ký có nội dung: “Chúng tôi, Cty luật Hogan Lovells, tại đây xin xác nhận rằng các thông tin cá nhân và lương của nhân viên dưới đây là chính xác. Cô Q.L đã hoàn thành xong thử việc. Loại hình hợp đồng lao động: Hợp đồng không xác định thời hạn từ 21-9-2015”. Điều đó thể hiện, cả nguyên đơn và bị đơn đều công nhận giá trị pháp lý và tính chất hợp pháp của Thỏa thuận công việc ký ngày 20-7-2015. Bản án sơ thẩm đã bỏ qua không xem xét các xác nhận này của Cty luật Hogan Lovells.

Ngoài ra, trong nội dung của mỗi hợp đồng lao động, bao gồm cả hợp đồng lao động mùa vụ cuối cùng hai bên ký kết, ký ngày 15-8-2016 cũng nêu: Trong trường hợp có bất kỳ mâu thuẫn nào giữa hợp đồng lao động này và các “Điều khoản tuyển dụng”, thì các "Điều khoản tuyển dụng" sẽ được ưu tiên áp dụng. Trước đó, phụ trách nhân sự Cty luật Hogan Lovells đã xác nhận bằng văn bản qua thư điện tử trước đó với bà Q.L rằng, “cho dù có bất ký hợp đồng tuyển dụng ngắn hạn nào được ký kết trên cơ sở một khoảng thời hạn để thực hiện các sắp xếp tuyển dụng ngắn luân chuyển 24 tháng của bà, thời hạn thỏa thuận công việc sẽ điều chỉnh mối quan hệ tuyển dụng giữa chúng ta”. Cũng như vậy, tòa sơ thẩm không đả động đến điều khoản và xác nhận bằng thư điện tử này của Cty luật Hogan Lovells.

Căn cứ theo những hồ sơ do Cty luật Hogan Lovells xác nhận và ký kết ban hành, có thể nhận thấy việc ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của chi nhánh Hà Nội đã coi thường các nghĩa vụ hợp đồng đã ký kết của chính mình. Trong khi đó, Cty luật Hogan Lovells được đánh giá là 1 trong 10 Cty luật nước ngoài lớn nhất, có chi nhánh đang hoạt động trong lĩnh vực pháp luật và đạo đức tại Việt Nam.

Quyết định kháng nghị nêu, cấp sơ thẩm đã xác minh thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, đưa thiếu người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng, dẫn đến ra bản án không phù hợp với thực tế khách quan, làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Bản án phúc thẩm nghiêm minh do tòa án cấp cao TP Hà Nội xét xử tới đây được kỳ vọng là sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động nữ Việt Nam khi làm việc trong môi trường DN quốc tế.

Khoản 3 Điều 155 của Bộ luật Lao động quy định về các trường hợp không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ:
Kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động .

Chí Tùng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/vks-khang-nghi-ban-an-so-tham-144558.html