VKSND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm vụ án Phạm Công Danh

VKSND tối cao vừa ban hành 'Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm', kháng nghị một phần bản án hình sự phúc thẩm số 712/2018/HSPT của TAND cấp cao tại TP HCM đối với bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân, Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn An Vinh, Hồ Thị Đi, Lê Đài; về phần thu hồi số tiền 4.500 tỷ đồng của Ngân hàng CB; phần trách nhiệm hoàn trả tổng số tiền 1.633 tỷ đồng của Ngân hàng BIDV.

Không thể án treo "chồng" án treo

Cụ thể, VKSND tối cao đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án hình sự phúc thẩm nêu trên theo hướng:

Hủy phần quyết định hình phạt đối với các bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân, Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn An Vinh, Hồ Thị Đi để xét xử phúc thẩm lại không cho các bị cáo được hưởng án treo. Hủy phần quyết định hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với bị cáo Lê Đài và giữ nguyên phần quyết định hình phạt của bản án sơ thẩm.

 Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên tòa trước đó.

Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên tòa trước đó.

Hủy phần thu hồi số tiền 4.500 tỷ đồng từ Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (Ngân hàng CB) để xét xử phúc thẩm lại tuyên không thu hồi số tiền 4.500 tỷ đồng từ Ngân hàng CB.

Ngoài ra, VKSND tối cao đề nghị hủy phần trách nhiệm không phải hoàn trả số tiền 1.633 tỷ đồng của Ngân hàng TM CP ĐT và Phát triển Việt Nam (Chi nhánh sở giao dịch 2 và Chi nhánh Hải Vân) và giữ nguyên phần quyết định của bản án sơ thẩm buộc Chi nhánh sở giao dịch 2 và Chi nhánh Hải Vân phải hoàn trả lại cho Ngân hàng CB số tiền 1.633 tỷ đồng theo đúng quy định của pháp luật.

Các bị cáo trong vụ án gồm có: Phạm Công Danh (SN 1965, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng CB, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Thiên Thanh); Nguyễn Thị Kim Vân (SN 1979); Nguyễn Tấn Thành (SN 1974); Nguyễn An Vinh (SN 1973); Hồ Thị Đi (SN 1984) Lê Đài (SN 1974) bị xét xử về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

VKSND tối cao nhận định các bị cáo Vân, Thành, Vinh, Đi đều được Phạm Công Danh thuê đứng tên giám đốc công ty do Danh thành lập. Thực hiện chỉ đạo của Danh các hồ sơ vay khống, ký khống các ủy nhiệm chi và các giấy tờ khác, ký các chứng từ nhận tiền vay, chuyển tiền đến tài khoản, tạo điều kiện cho Danh có được tiền vay và sử dụng số tiền đó, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Ngân hàng CB.

Phạm Công Danh tại phiên tòa phúc thẩm

Các bị cáo bị truy tố, xét xử theo quy định tại khoản 3 Điều 165 BLHS năm 1999 có khung hình phạt từ 10 – 20 năm tù. Tòa cấp phúc thẩm giữ nguyên mức hình phạt của bản án sơ thẩm, xử phạt các bị cáo Vân, Thành, Vinh, Đi mức hình phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm.

Trong khi đó vào năm 2016, TAND TP HCM đã xử phạt 3 năm tù treo, thời gian thử thách 5 năm đối với 4 bị cáo này về hai tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

“Các bị cáo Vân, Đi, Thành, Vinh đã được hưởng án treo trong vụ án trước, nay tiếp tục bị xử phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm là vi phạm Điều 56, Điều 65 BLHS và khoản 3 Điều 3 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2108 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo.

Như vậy, tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm, tiếp tục xử phạt các bị cáo 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm là trái với quy định của pháp luật” quyết định kháng nghị giám đốc thẩm nêu rõ.

Buộc BIDV hoàn trả lại 1.633 tỷ đồng cho Ngân hàng CB

Bị cáo Lê Đài (TGĐ Công ty Bảo Gia) tham gia ký hồ sơ vay vốn khống tại Ngân hàng Sacombank gây thiệt hại cho Ngân hàng CB số tiền 346 tỷ đồng. Tòa án sơ thẩm xử phạt 3 năm tù là phù hợp.

Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ vào một số tình tiết về thân nhân của bị cáo để chấp nhận kháng cáo cho bị cáo được hưởng án treo là chưa đánh giá đúng tính chất, mức độ, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng mà bị cáo đã gây ra.

“Hậu quả mà bị cáo gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, hình phạt 3 năm tù cấp sở thẩm áp dụng đối với bị cáo (dưới khung hình phạt theo luật định) là rất nhẹ so với hậu quả bị cáo gây ra, cho dù bị cáo có tình tiết giảm nhẹ mới chưa được cấp sơ thẩm xem xét, nhưng tình tiết này cũng không thể làm giảm nhẹ trách nhiệm mà bị cáo phải gánh chịu” VKSND tối cao nhận định.

Cũng theo quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, về nội dung tuyên thu số tiền 4.500 tỷ đồng từ Ngân hàng CB, tòa án cấp sơ thẩm nhận định là do bị cáo Danh thông qua các cá nhân, tổ chức chuyển về Ngân hàng CB để nâng vốn điều lệ, nên thực chất số tiền này là của bị cáo Danh.

Tuy nhiên, đến nay thì vốn điều lệ của Ngân hàng CB vẫn là 3.000 tỷ đồng, ngân hàng vẫn chưa đăng ký vốn điều lệ hay hạch toán điều chỉnh đối với số tiền này.

Từ đó, tòa án cấp phúc thẩm quyết định thu hồi số tiền 4.500 tỷ đồng được xem như là của bị cáo Danh từ Ngân hàng CB để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn của bị cáo, nhưng khấu trừ số tiền vật chứng 2.371 tỷ đồng được xem như đã thu hồi liên quan đến hành vi cố ý làm trái của bị cáo Danh liên quan đến Ngân hàng BIDV và TPBank nên chỉ còn phải thu hồi từ Ngân hàng CB số tiền 2.128 tỷ đồng để đảm bảo nghĩa vụ của bị cáo Danh.

Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng, không có tài liệu, chứng cứ nào xác định bị cáo Danh sử dụng số tiền tăng vốn điều lệ cho cá nhân bị cáo và số tiền này sử dụng cho Ngân hàng CB, thì ngân hàng này phải chịu như án sơ thẩm, do đó giữ nguyên án sơ thẩm về vấn đền này.

Tuy nhiên, tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ và kết quả điều tra công khai tại phiên tòa đã xác định rõ: Số tiền 4.500 tỷ đồng chuyển về Ngân hàng CB đứng tên các tổ chức, cá nhân góp vốn mua cổ phần tăng thêm nhằm tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng CB nhưng tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm xem số tiền này như là của bị cáo Danh, từ đó tuyên thu hồi 4.500 tỷ đồng từ Ngân hàng CB là hoàn toàn không có căn cứ.

VKSND tối cao cho rằng tòa án phúc thẩm sửa án sơ thẩm tuyên Chi nhánh sở giao dịch 2 và Chi nhánh Hải Vân – BIDV không trả số tiền 1.633 tỷ đồng cho Ngân hàng CB là không có cơ sở, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà nước.

Bởi lẽ, Ngân hàng CB bị thiệt hại 6.126 tỷ đồng do bị các Ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank thu hồi nợ tiền gửi của Ngân hàng CB tại các ngân hàng này và theo quy định của pháp luật thì toàn bộ số tiền thiệt hại phải được khắc phục, lẽ ra phải thu hồi toàn bộ số tiền trên từ các Ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank.

Tuy nhiên, án sơ thẩm đã tuyên thu hồi theo dòng tiền Phạm Công Danh đã vay và đã sử dụng, đây là cũng là biện pháp cần thiết để thu hồi khắc phục hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội của Danh gây ra.

“Do đó, việc Tòa án cấp phúc thẩm quyết định nội dung như nêu trên là không có căn cứ, không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án, mâu thuẫn trong nhận định và quyết định về biện pháp thu hồi tài sản” quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của VKSND tối cao nhận định./.

Phi Sơn - Nguyễn Lánh

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/thuc-tien-kinh-nghiem/vksnd-toi-cao-khang-nghi-giam-doc-tham-vu-an-pham-cong-danh-74131.html