VKSND tối cao: Tập huấn Thông tư liên tịch và Quy trình tạm thời về ghi âm, ghi hình có âm thanh

Ngày 6/10, VKSND tối cao tổ chức hội nghị tập huấn trực tuyến toàn Ngành về Thông tư liên tịch số 03/2018, Quy trình tạm thời số 264/2020 về ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; giải quyết các vụ án xảy ra tại điểm nóng có khiếu kiện phức tạp; sơ kết Thông tư liên tịch số 06/2018 về phối hợp thực hiện thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi.

Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao dự và chỉ đạo Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí Kiểm sát viên VKSND tối cao; lãnh đạo, cán bộ, công chức một số đơn vị thuộc VKSND tối cao; lãnh đạo, cán bộ, công chức Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, khu vực; VKSND cấp tỉnh, cấp huyện làm công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự...

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu chính VKSND tối cao.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án trật tự xã hội (Vụ 2), VKSND tối cao đã trình bày, giới thiệu về các nội dung, gồm: Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSTC TANDTC-BQP ngày 1/2/2018 hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh, sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử (Thông tư liên tịch số 03/2018).

Quy trình tạm thời kiểm sát việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh của cơ quan có thẩm quyền điều tra, trực tiếp ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can, lấy lời khai trong các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, ban hành kèm theo Quyết định số 264/QĐ-VKSTC ngày 21/7/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao (Quy trình tạm thời số 264/2020).

Vụ trưởng Vụ 2 - VKSND tối cao Lê Minh Long phát biểu tại Hội nghị.

Sơ kết thực hiện Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21/12/2018 về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự (BLTTHS) về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi (Thông tư liên tịch số 06/2018) và hướng dẫn thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết các vụ án giết người, hủy hoại tài sản, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng xảy ra tại điểm nóng có khiếu kiện phức tạp.

Theo báo cáo, ngay sau khi Thông tư liên tịch số 06/2018 có hiệu lực thi hành, VKSND các cấp đã nghiêm túc quán triệt trong toàn Ngành về nội dung tinh thần của Thông tư; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Thông tư để bảo đảm việc áp dụng thống nhất các quy định của BLTTHS 2015 liên quan đối với người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi.

Qua hơn 1 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 06/2018 đã nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự liên quan đến người dưới 18 tuổi. Đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan, đặc biệt là giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng nhằm thực hiện đúng các quy định của BLTTHS 2015 và pháp luật liên quan đối với người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi; chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử đối với các vụ án hình sự có bị can, bị cáo, người tham gia tố tụng khác là người dưới 18 tuổi đã được nâng cao, bảo đảm việc điều tra, truy tố, xét xử phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, từ đó góp phần quan trọng vào việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi trong các giai đoạn tố tụng hình sự.

Cũng tại Hội nghị, các đơn vị, Viện kiểm sát địa phương đã tham luận về những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Thông tư liên tịch 03, Quy trình tạm thời 264, Thông tư liên tịch số 06, việc giải quyết các vụ án xảy ra tại điểm nóng có khiếu kiện phức tạp; đồng thời nghe lãnh đạo Vụ 2, Vụ 14 trao đổi, giải đáp các khó khăn, vướng mắc có liên quan đến các nội dung trên.

Vụ trưởng Vụ 14 - VKSND tối cao Hoàng Thị Quỳnh Chi giải đáp một số khó khăn, vướng mắc tại Hội nghị.

Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao đánh giá cao đơn vị chủ trì và các đơn vị liên quan đã phối hợp để Hội nghị được tổ chức tốt, đạt yêu cầu, mục đích đề ra.

Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Duy Giảng cũng thông tin, làm rõ những nội dung về ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh liên quan đến trách nhiệm của ngành Kiểm sát trong thời gian qua.

Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Về những vụ án xảy ra tại điểm nóng, đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Duy Giảng lưu ý các vấn đề đó là phải nhận diện cho đúng, đầy đủ, chính xác điểm nóng; nhận thức đầy đủ về tính phức tạp khi giải quyết các vụ án, phải có phương pháp, đảm bảo các yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị địa bàn, địa phương; yêu cầu về pháp luật, nghiệp vụ; phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời phải linh hoạt; chặt chẽ về quy trình tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử...

Ghi nhận các ý kiến tham luận thể hiện trách nhiệm của các đơn vị, Viện kiểm sát địa phương, đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Duy Giảng nhấn mạnh, việc tổ chức hội nghị nhằm tập huấn cho Kiểm sát viên, công chức toàn Ngành nắm và thực hiện tốt các nội dung quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2018; Quy trình tạm thời số 264/2020; sơ kết việc thực hiện Thông tư liên tịch số 06/2018 và hướng dẫn tăng cường công tố, kiểm sát giải quyết các vụ án xảy ra tại điểm nóng có khiếu kiện phức tạp.

Khẳng định tầm quan trọng của Hội nghị, đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Duy Giảng đề nghị các đơn vị, Viện kiểm sát địa phương quán triệt các nội dung của Hội nghị, từ đó áp dụng trong thực tiễn đảm bảo đúng pháp luật, thực hiện có hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự nói chung, các vụ án giết người, hủy hoại tài sản, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng xảy ra tại điểm nóng có khiếu kiện phức tạp và các vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi nói riêng.

Cùng với việc tập huấn, đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Duy Giảng cho rằng điều quan trọng là từng đơn vị, Viện kiểm sát địa phương cần chủ động, có cách làm và những giải pháp của riêng mình. Đồng chí cũng đề nghị sau Hội nghị, Vụ 2 tiếp tục hoàn thiện tài liệu, trình lãnh đạo VKSND tối cao xem xét, cho ý kiến kết luận đối với một số nội dung quan trọng có liên quan.

Đắc Thái

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/ban-tin-kiem-sat/tap-huan-thong-tu-lien-tich-03-quy-trinh-264-va-so-ket-thong-tu-lien-tich-06-95643.html