VKSND tối cao trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Nam

VKSND tối cao vừa có văn bản gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam trả lời đối với kiến nghị của cử tri tỉnh này gửi đến sau kỳ họp Thứ 9, Quốc hội khóa XIV để Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh biết và trả lời cử tri.

Theo đó, VKSND tối cao nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Nam do Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến, theo Công văn số 288/BDN ngày 24/7/2020.

Cụ thể, nội dung kiến nghị nêu rõ: Thứ nhất, tại khoản 1 Điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 quy định: “Tạm giữ có thể áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã...”; trong khi đó, khoản 1 Điều 152 BLTTHS năm 2015 quy định: “Khi người phạm tội đến tự thú, đầu thú, cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản ghi rõ họ tên, tuổi, nghề nghiệp, chỗ ở và lời khai của người tự thú, đầu thú...”, BLTTHS chưa quy định thời gian cụ thể kể từ khi tiếp nhận người phạm tội đến tự thú, đầu thú thì phải ra quyết định tạm giữ, tạo ra cách hiểu khác nhau. Đề nghị cần có hướng dẫn thống nhất để thực hiện đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người ra tự thú, đầu thú.

Về nội dung này, VKSND tối cao cho rằng, khoản 1 Điều 117 BLTTHS năm 2015 quy định về các trường hợp có thể áp dụng biện pháp tạm giữ. Khoản 1 Điều 152 BLTTHS năm 2015 quy định những việc mà cơ quan, tổ chức tiếp nhận người phạm tội tự thú, đầu thú phải làm khi người phạm tội đến tự thú, đầu thú. Đây là 2 quy định khác nhau và không gắn với việc phải quy định thời gian cụ thể để ra quyết định tạm giữ. Khác với việc tạm giữ trong trường hợp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, trong trường hợp người phạm tội tự thú, đầu thú, cơ quan tiến hành tố tụng có thể “lựa chọn” việc áp dụng biện pháp tạm giữ đối với đối tượng hay không.

Do đó, không cần thiết phải có quy định về thời gian cụ thể để ra quyết định tạm giữ trong trường hợp này. Việc BLTTHS năm 2015 quy định thời điểm bắt đầu tính thời hạn tạm giữ trong trường hợp người phạm tội tự thú, đầu thú là từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ (khoản 1 Điều 118) là rõ ràng, cụ thể và không cần thiết phải có văn bản để hướng dẫn về nội dung này.

Riêng đối với trường hợp người phạm tội đầu thú là người đang bị truy nã mà Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tiếp nhận người này không phải cơ quan ra quyết định truy nã, thì việc tạm giữ sẽ được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 114 BLTTHS năm 2015.

Thứ hai, tại Điều 173 BLTTHS năm 2015 quy định thời hạn tạm giam để điều tra (kể cả thời hạn gia hạn) là không quá 3 tháng đối với tội ít nghiêm trọng, 5 tháng đối với tội nghiêm trọng, 7 tháng đối với tội rất nghiêm trọng, 16 tháng đối với tội đặc biệt nghiêm trọng. Trong khi đó, tại Điều 172 BLTTHS năm 2015 quy định thời hạn điều tra (kể cả thời gian gia hạn) là 4 tháng đối với tội ít nghiêm trọng, 8 tháng đối với tội nghiêm trọng, 12 tháng đối với tội rất nghiêm trọng, 20 tháng đối với tội đặc biệt nghiêm trọng. Như vậy, thời hạn điều tra dài hơn thời hạn tạm giam để điều tra.

Thực tế, trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, thời hạn điều tra và thời hạn tạm giam để điều tra có quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong nhiều vụ án khi hết thời hạn tạm giam thì thời hạn điều tra vẫn còn nên gặp khó khăn trong thực hiện biện pháp tạm giam. Đề nghị xem xét điều chỉnh cho phù hợp.

 Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh tiếp xúc cử tri tại quận 11. (Ảnh minh họa)

Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh tiếp xúc cử tri tại quận 11. (Ảnh minh họa)

Nội dung này, theo VKSND tối cao, tạm giam là biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất, hạn chế quyền tự do của người bị áp dụng. Do đó, để bảo đảm quyền con người, quyền công dân, phù hợp với quy định của Hiến pháp, đồng thời nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, giải quyết vụ án, tránh tình trạng lạm dụng coi tạm giam là một “biện pháp để điều tra” vụ án; BLTTHS năm 2015 đã sửa đổi theo hướng rút ngắn thời hạn tạm giam đối với các loại tội phạm và hạn chế các trường hợp phải áp dụng, cũng như số lần gia hạn và thời hạn tạm giam được gia hạn.

Khi đã hết thời hạn tạm giam tối đa (bao gồm gia hạn tạm giam) đối với loại tội phạm mà người bị tạm giam bị khởi tố thì họ phải được trả tự do (trường hợp xét thấy cần thiết thì cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn khác). Thậm chí, trong thời hạn tạm giam, nếu xét thấy không cần thiết phải tiếp tục tạm giam thì Cơ quan điều tra phải kịp thời đề nghị Viện kiểm sát hủy bỏ việc tạm giam để trả tự do cho người bị tạm giam (hoặc áp dụng biện pháp ngăn chặn khác khi xét thấy cần thiết).

Trường hợp đặc biệt, đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà không có căn cứ để hủy bỏ biện pháp tạm giam thì BLTTHS năm 2015 cũng đã quy định Viện trưởng VKSND tối cao sẽ quyết định việc tạm giam cho đến khi kết thúc việc điều tra (các khoản 5 và 6 Điều 173). Các quy định này cũng bảo đảm góp phần thực hiện các Công ước quốc tế liên quan đến bảo vệ quyền con người mà Việt Nam đã phê chuẩn tham gia.

Thứ ba, các quy định của pháp luật về công tác điều tra, xử lý tội phạm liên quan đến người nước ngoài, nhất là tội phạm do người nước ngoài thực hiện liên quan đến sử dụng công nghệ cao chưa được hướng dẫn rõ ràng, một số trường hợp thời gian lưu trú người nước ngoài tại địa phương ngắn nên khó khăn cho quá trình xác minh, giải quyết thông tin tội phạm và các hoạt động tố tụng tiếp theo. Đề nghị có hướng dẫn thực hiện.

Về nội dung này, VKSND tối cao nêu rõ: Khi khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam, ngoài việc áp dụng quy định của BLTTHS, để tiến hành tố tụng giải quyết vụ án, vụ việc hình sự nói chung thì hoạt động tiến hành tố tụng còn phải được cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành theo quy định của Điều ước quốc tế giữa Việt Nam và nước mà người nước ngoài phạm tội mang quốc tịch hoặc theo nguyên tắc có đi có lại (nếu có) theo quy định tại khoản 2 Điều 3 BLTTHS năm 2015.

Cùng với đó, tại Phần thứ tám của BLTTHS năm 2015 đã quy định về trình tự, thủ tục hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự, theo đó, việc điều tra, xử lý tội phạm liên quan người nước ngoài khi cần thiết được áp dụng thực hiện theo các quy định liên quan tại Phần này.

Ngoài ra, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 cũng hạn chế người nước ngoài xuất cảnh nếu thuộc trường hợp: “Đang là bị can, bị cáo, người có nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc đang là bị đơn, người bị kiện, người có nghĩa vụ liên quan trong vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính, hôn nhân và gia đình...” (điểm a khoản 1 Điều 28). Đây là những quy định được áp dụng để giải quyết vụ án, vụ việc liên quan người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam.

Cùng với đó, các cơ quan tiến hành tố tụng còn có thể chủ động phối hợp để xác minh, giải quyết thông tin tội phạm dựa vào các biện pháp nghiệp vụ, ví dụ như hiện nay, các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương đang trao đổi để thống nhất việc xác định lý lịch bị can là người nước ngoài khi mà đã yêu cầu phía nước ngoài thực hiện tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả, các cơ quan tiến hành tố tụng có thể sử dụng giấy tờ tùy thân của người nước ngoài phạm tội để xác định (như: Hộ chiếu, căn cước công dân hoặc tài liệu, giấy tờ khác gắn liền với nhân thân); hoặc yêu cầu Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán của nước có đối tượng là người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam cung cấp, xác định tài liệu, thông tin; hoặc xác minh thông qua các kênh hợp tác quốc tế như: Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (INTERPOL)...; hoặc căn cứ vào lời khai của người nước ngoài phạm tội để giải quyết; hoặc tạm thời vận dụng tinh thần Thông tư liên ngành số 03/TTLN ngày 20/6/1992 giữa TAND tối cao, VKSND tối cao và Bộ Nội vụ (Bộ Công an) hướng dẫn thực hiện một số quy định của BLTTHS về lý lịch của bị can, bị cáo... để giải quyết.

P.V

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/dien-dan/vksnd-toi-cao-tra-loi-kien-nghi-cua-cu-tri-tinh-quang-nam-94900.html