VKSND tối cao xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII

Mới đây, Ban Chấp hành Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII với nhiều nội dung cụ thể.

Căn cứ Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng khóa XII của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; Kế hoạch số 126-KH/ĐU ngày 22/6/2018 của Đảng ủy VKSND tối cao về tổ chức, học tập quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết, mới đây, Ban Chấp hành Đảng bộ VKSND tối cao đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII với nhiều nội dung cụ thể.

Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị

Theo đó, việc xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết nhằm cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đề ra cho phù hợp với điều kiện, đặc điểm của Đảng bộ VKSND tối cao và các cấp ủy đảng trực thuộc. Bên cạnh đó, việc xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình hành động cần tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đã xác định trong Nghị quyết, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, khắc phục, giải quyết những hạn chế, yếu kém. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược của Ngành phải có phẩm chất, năng lực uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ. Đồng thời, thực hiện tốt chủ trương cải cách chính sách BHXH thực sự là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội.

Về nhiệm vụ chung trong toàn Đảng bộ, Chương trình hành động số 167-CTr/ĐU nêu rõ: Cấp ủy các cấp trong toàn Đảng bộ chủ động, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII. Kịp thời cụ thể hóa, bổ sung nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII vào chương trình công tác toàn khóa, hàng năm ngay từ năm 2018. Tăng cường chỉ đạo và kiểm tra, giám sát việc xây dựng kế hoạch hành động cá nhân của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị (bí thư chi bộ, vụ trưởng và tương đương trở lên) phù hợp với chức trách, nhiệm vụ chính trị được giao. Phối hợp với Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Viện chỉ đạo các cấp ủy, đơn vị tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng về chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động gắn với vị trí việc làm; phối hợp với đơn vị chức năng, chủ động rà soát, đề xuất sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả; bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đúng người, đúng việc; làm tốt công tác quy hoạch thông qua nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức, phát hiện hướng phát triển của cán bộ, công chức, viên chức để tạo nguồn bổ sung cho các chức vụ lãnh đạo, quản lý và các chức danh tư pháp trong ngành Kiểm sát.

Quang cảnh Hội nghị triển khai công tác đảng 6 tháng cuối năm 2018 của Đảng bộ VKSND tối cao

Quang cảnh Hội nghị triển khai công tác đảng 6 tháng cuối năm 2018 của Đảng bộ VKSND tối cao

Bên cạnh đó, tiếp tục đề xuất thể chế hóa các chủ trương của Đảng về chính sách tiền lương để đạt hiệu quả, hiệu lực công việc cao. Chính sách tiền lương phải phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo và đặc thù của ngành Kiểm sát. Cấp ủy lãnh đạo các tổ chức đoàn thể thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chính sách bảo hiểm xã hội theo quan điểm chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương 7 tại Nghị quyết số 28-NQ/TW khóa XII và của pháp luật sau khi được thể chế hóa. Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền của các cấp ủy, của Báo Bảo vệ pháp luật, Tạp chí Kiểm sát, Trang tin điện tử của VKSND tối cao về các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, khóa XII nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, người lao động trong toàn Đảng bộ. Chủ động, phát hiện kịp thời, đấu tranh phản bác các luận điệu, quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ những quan điểm, chủ trương mới của Đảng về công tác cán bộ, chế độ chính sách tiền lương, chế độ bảo hiểm xã hội và an sinh xã hội.

Các giải pháp cụ thể

Cùng với các nhiệm vụ chung, Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ VKSND tối cao cũng đã đề ra các giải pháp cụ thể. Cụ thể, thứ nhất, chỉ đạo tập trung nghiên cứu, tổ chức thực hiện nội dung Nghị quyết số 26-NQ/TW về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Theo đó, phải thể chế hóa Nghị quyết thành các quy định về công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ và thực hiện chặt chẽ việc thực hiện quy trình công tác cán bộ trong Ngành. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ràng buộc trách nhiệm và kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Thực hiện công khai, minh bạch tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ nhân sự. Phải bảo đảm nguyên tắc Đảng lãnh đạo công tác cán bộ nói chung, công tác quy hoạch cán bộ nói riêng theo cơ chế tập thể cấp ủy quyết định trên cơ sở đề xuất của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và sự đề cử của cấp dưới.

Cùng với đó, công tác quy hoạch luôn bảo đảm nguyên tắc động và mở, vừa có tính kế cận, vừa có tính kế tiếp; chú trọng xây dựng nguồn quy hoạch Lãnh đạo VKSND tối cao là cán bộ trong Ngành. Chủ động trong công tác quy hoạch cấp ủy và định kỳ bổ sung quy hoạch nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy VKSND tối cao. Tiếp tục xây dựng toàn diện, đồng bộ đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng. Chú trọng nâng cao chất lượng bí thư cấp ủy, người đứng đầu và đội ngũ cán bộ tại các đơn vị trực thuộc, gắn với việc ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Bản thân cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm các quy định, quy chế, cam kết của cá nhân, báo cáo giải trình trung thực và chịu trách nhiệm khi có vi phạm.

Mặt khác, tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển, biệt phái cán bộ; gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh và đẩy mạnh thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý trong Ngành để rèn luyện qua thực tiễn ở các lĩnh vực, các khâu công tác và địa bàn khác nhau. Ngoài ra, có cơ chế phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội và triển vọng phát triển vào vị trí lãnh đạo quản lý kể cả vượt cấp nhất là cán bộ trẻ. Cụ thể hóa và triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm thực hiện mục tiêu cơ cấu cán bộ trẻ, cán bộ nữ; do vậy, cấp ủy và lãnh đạo đơn vị phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí, tạo điều kiện cơ hội phát triển cho cán bộ trẻ, cán bộ nữ.

Thứ hai, chỉ đạo tập trung nghiên cứu, tổ chức thực hiện nội dung Nghị quyết số 27-NQ/TW về “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp”. Cụ thể, cấp ủy đảng, lãnh đạo đơn vị tổ chức rà soát, kiện toàn sắp xếp lại các cơ quan, đơn vị trực thuộc gắn với tinh giản biên chế đảm bảo phát huy tốt nhất hiệu quả công tác từ đó thực hiện chế độ chính sách tiền lương theo vị trí việc làm, có chế độ khen thưởng xứng đáng theo năng suất lao động, thành tích sáng kiến, tạo động lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Chỉ đạo việc thực hiện đầy đủ chính sách tiền lương theo lộ trình quy định của Chính phủ. Đồng thời, các cấp ủy đảng, lãnh đạo đơn vị nhất là Vụ Tổ chức cán bộ VKSND tối cao chủ động xây dựng phương án về chính sách chế độ đặc thù của ngành Kiểm sát để bảo đảm quyền lợi của cán bộ, công chức, người lao động khi thực hiện chế độ tiền lương mới.

Thứ ba, chỉ đạo tập trung nghiên cứu, tổ chức thực hiện nội dung Nghị quyết số 28-NQ/TW về “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội”. Cụ thể, chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc các văn bản, các chế độ chính sách liên quan đến BHXH của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị theo đúng quy định của pháp luật. Nâng cao ý thức trách nhiệm và sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, vai trò quản lý của Nhà nước, sự phối hợp với các ngành, các cấp để thực hiện tốt chính sách pháp luật về BHXH, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, ngăn chặn kịp thời tình trạng trốn, chậm đóng, chiếm dụng, nợ đọng và lạm dụng quỹ BHXH. Tập trung giải quyết những khiếu kiện, vụ án liên quan đến vi phạm chính sách BHXH. Thông qua công tác giải quyết các vụ án, các tranh chấp, khiếu kiện có văn bản kiến nghị lên cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản, chế độ chính sách, hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật có liên quan đến BHXH. Ngoài ra, cần chú trọng tuyên truyền về quyền lợi và nghĩa vụ đối với người tham gia BHXH theo nguyên tắc có đóng có hưởng, quyền lợi tương ứng với nghĩa vụ, có sự chia sẻ giữa các thành viên, bảo đảm công bằng và bền vững của hệ thống BHXH; việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình phù hợp và thu hẹp dần khoảng cách về giới trong tuổi nghỉ hưu cũng như đối với các ngành nghề đặc biệt.

P.V

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/ban-tin-kiem-sat/vksnd-toi-cao-xay-dung-chuong-trinh-hanh-dong-thuc-hien-nghi-quyet-trung-uong-7-khoa-xii-58874.html